Vì mấy cái tát, cả nhà bị kết án

Sự kiện: Tin pháp luật

Cho rằng hàng xóm nói xấu vợ “ngủ với người cùng thôn”, vợ chồng cùng hai con đã tát người này mấy cái gây thương tật 4%. Gần ba năm sau, cả nhà bị khởi tố…

Mới đây, TAND huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã đưa gia đình ông Trịnh Văn Chân (gồm vợ chồng ông và hai người con) ra xét xử về tội cố ý gây thương tích. Đây là một vụ án gây nhiều tranh cãi về việc gia đình ông Chân có phạm tội hay không.

“Tát cho chừa thói nói bậy”

Cách đây bốn năm, vào sáng một ngày tháng 10-2012, sau khi nghe thông tin rằng bà Đoàn Thị Tuyết nói vợ mình “ngủ với người cùng thôn”, ông Chân liền đến nhà bà Tuyết mời bà Tuyết qua nhà ông để nói chuyện cho rõ.

Tại phòng khách, ông Chân nói: “Tôi gọi dì sang đây không phải vì chuyện nợ nần (trước đó gia đình ông từng cho bà Tuyết mượn tiền - PV). Tại sao dì lại nói vợ tôi đi ngủ với người cùng thôn?”. Bà Tuyết chối.

Ngồi cạnh, cháu ông Chân lên tiếng: “Chính bà nói như thế!”. Trong lúc lời qua tiếng lại, con trai và con gái ông Chân mỗi người tát bà Tuyết khoảng hai, ba cái. Ông Chân tiếp thêm: “Tát cho phù mỏ nó ra, cho chừa thói nói bậy!”. Thế rồi vợ chồng ông cũng tát làm cho mặt bà Tuyết bị bầm tím, chảy máu.

Lúc đó, một hàng xóm là bà Hoan đi ngang nhà ông Chân thì thấy bà Tuyết chạy từ trong nhà ra nói: “Hoan ơi, chị nói này”. Tuy nhiên, bà Tuyết chưa kịp nói gì thì vợ và con gái ông Chân đã chạy ra bảo: “Không có gì đâu cô”. Một hàng xóm khác sau khi nghe bà Hoan kể lại chuyện đã đi trình báo công an.

Vì mấy cái tát, cả nhà bị kết án - 1

Gia đình ông Chân đã kháng cáo kêu oan. Ảnh: ĐC

Gần ba năm sau mới khởi tố

Theo kết luận giám định, bà Tuyết bị thương tật 4%. “Ban đầu công an xã mời gia đình tôi lên để lấy lời khai rồi cho về. Bẵng đi một thời gian, lại thấy công an huyện mời chúng tôi lên lấy lời khai, sau đó tiếp tục tới công an tỉnh. Gần ba năm sau, tức tháng 8-2015, tôi bị khởi tố, bắt tạm giam hai tháng. Rồi cả nhà tôi cũng bị khởi tố. Nhận kết luận điều tra, tôi mới biết trước khi bị khởi tố, năm 2013 công an huyện từng ra quyết định xử phạt hành chính. Khi khởi tố cả nhà tôi về tội cố ý gây thương tích thì họ hủy quyết định xử phạt hành chính đó” - anh Trịnh Văn Phương (con trai ông Chân) kể.

Tháng 10-2015, VKSND huyện Di Linh ra cáo trạng truy tố cả nhà ông Chân về tội này. Đầu năm 2016, TAND huyện Di Linh đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu thực nghiệm điều tra đối với vụ án.

Ngày 10-8-2016, TAND huyện Di Linh đưa vụ án ra xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, đại diện VKS đã đề nghị phạt ông Chân và anh Phương 6-9 tháng tù treo, vợ và con gái ông Chân mỗi người 6-9 tháng cải tạo không giam giữ về tội cố ý gây thương tích theo điểm d khoản 1 Điều 104 BLHS (trường hợp cố ý gây thương tích đối với “người khác không có khả năng tự vệ”).

Trong khi đó, luật sư (LS) của anh Phương cho rằng anh Phương cũng như các bị cáo khác không phạm tội. Bởi thương tích của bị hại chỉ có 4%, bị hại là người khỏe mạnh, không bị ốm đau, các nhân chứng đều khẳng định không thấy nhà ông Chân đóng cửa khi vụ việc xảy ra. Vì thế, việc CQĐT cho rằng khi đánh bị hại, anh Phương đóng cửa để chứng minh bà Tuyết không có khả năng tự vệ để quy kết vào trường hợp phạm tội đối với “người khác không có khả năng tự vệ” là không đúng.

Tuy nhiên, TAND huyện Di Linh vẫn nhận định gia đình ông Chân phạm tội như truy tố của VKS. Ông Chân và anh Phương là người tham gia tích cực, vợ và con gái ông Chân là đồng phạm giúp sức. Từ đó tòa phạt ông Chân và anh Phương mỗi người sáu tháng tù treo, vợ và con gái ông Chân mỗi người sáu tháng cải tạo không giam giữ. Tòa còn buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho bà Tuyết 12 triệu đồng.

Có phạm tội?

Về mặt pháp lý, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia nhận xét điểm mấu chốt của vụ án này là xác định bị hại có phải “không có khả năng tự vệ” hay không. Nếu bị hại không thuộc trường hợp này thì đương nhiên các bị cáo không phạm tội và ngược lại. Đáng chú ý, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là trường hợp “không có khả năng tự vệ” tại điểm d khoản 1 Điều 104 BLHS nên xác định ra sao tùy thuộc vào nhận định của cơ quan tố tụng.

Theo LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP.HCM), hành vi của bốn bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo điểm d khoản 1 Điều 104 BLHS. Ông phân tích: Trong trường hợp này, bị hại là người trưởng thành, sức khỏe bình thường thì hoàn toàn có thể kêu cứu, có thể vùng vẫy chống cự để tự vệ khi bị tát bằng tay. Chỉ khi nào tất cả sự chống cự này bị khống chế, làm cho bị hại lâm vào tình trạng không chống cự được nữa (ví dụ bị trói) thì mới có cơ sở xác định bị hại không có khả năng tự vệ. Ở đây, bị hại đã không tự vệ mà cam chịu. Chưa kể, sau khi bị tát, bị hại thấy hàng xóm đi ngang còn chạy ra nói: “Hoan ơi! Chị nói này”, chứng tỏ bị hại còn bình tĩnh, không hốt hoảng, không xem mình trong tình trạng khẩn cấp. “Như vậy, việc các cơ quan tố tụng xác định bị hại không có khả năng tự vệ là không đúng. Dùng sự không tự vệ của bị hại để kết luận không có khả năng tự vệ là sai” - LS Hiệp nói.

Đồng tình, LS Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) bổ sung: Những cái tát của gia đình ông Chân đối với bị hại có nguyên nhân từ sự tức giận do bị nói xấu, trong khi bị hại lại đang chịu ơn gia đình ông Chân vì được cho vay tiền. Hành vi thực hiện những cái tát cũng không quyết liệt nhằm gây thương tích nặng cho nạn nhân. “Với tỉ lệ thương tật 4%, trong hoàn cảnh, nguyên nhân và động cơ phạm tội như vậy, thiết nghĩ các cơ quan tố tụng không nên bằng mọi cách để ghép tội bằng được với những người gây ra những cái tát mang tính cảnh cáo này” - LS Hưng nói. Ngoài ra, ông còn nhận xét bản án sơ thẩm nhận định vợ và con gái ông Chân là đồng phạm giúp sức cũng không chính xác bởi họ không có dấu hiệu của hình thức phạm tội có tổ chức mà cả nhà cùng thực hiện một hành vi.

“Đúng là với các tình tiết trong vụ án thì khó mà kết luận bị hại không có khả năng tự vệ” - viện trưởng VKS một quận ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cũng nhận xét. Ông khẳng định: “Nếu hồ sơ này tới cơ quan tôi, nhất định chúng tôi sẽ không phê chuẩn quyết định khởi tố. Tôi thấy các bị cáo tát bị hại cho bõ ghét, dằn mặt chứ không chủ ý gây thương tích. Xử hình sự là gượng ép lắm, đúng ra chỉ nên xử phạt hành chính!”.

Hiện nay gia đình ông Chân đã kháng cáo kêu oan, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.

“Mình quá dại dột!”

Lúc đó gia đình tôi chỉ nghĩ rằng mẹ đã già rồi mà cô Tuyết lại nói mẹ đi ngủ với trai làm ảnh hưởng tới uy tín của cả gia đình nên mới mời cô ấy tới nhà để hỏi chuyện cho ra lẽ. Nhưng lúc ấy cô cứ chối nên chúng tôi tức quá, không kiềm chế được mới làm như vậy. Nghĩ lại cũng thấy mình sai, lẽ ra nên trình báo với chính quyền địa phương thì hay hơn.

Cả nhà tôi cũng ân hận lắm, thấy mình quá dại dột! Đã bốn năm nay tinh thần gia đình suy sụp dữ lắm. Tôi bị bắt tạm giam, con tôi đứa nhỏ lúc đó chưa được một tuổi, đứa lớn đang học lớp 1. Không thấy cha chở đi học, vợ tôi phải dỗ dành là cha đi làm trong rẫy, khi nào về cha mua bánh cho...

Anh TRỊNH VĂN PHƯƠNG

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Nga (Pháp Luật TPHCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN