Vụ chồng sát hại vợ trong ngày tết: Vì đâu mái ấm gia đình lại trở thành nơi dễ xảy ra án mạng

Sự kiện: Tin pháp luật

Sự việc người chồng sát hại vợ vào ngày mùng 5 Tết khiến dư luận bàng hoàng. Câu hỏi được đặt ra là vì sao những người từng gắn bó trong mối quan hệ gia đình lại có thể đang tâm xuống tay giết hại chính người thân của mình?

Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã bắt giữ Vũ Thanh Hùng (SN 1984, trú tại tổ 47 phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây) để điều tra về hành vi giết người.

Khoảng 11h ngày 16/2 (mùng 5 Tết Tân Sửu 2021), do mâu thuẫn bột phát trong sinh hoạt gia đình, Hùng đã dùng dao chém liên tiếp vào người vợ là chị T (SN 1988) khiến nạn nhân tử vong. Nhận được tin báo, Công an thị xã Sơn Tây đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và bắt giữ Hùng. Quá trình lấy lời khai, Hùng thừa nhận đã ra tay sát hại vợ là do mâu thuẫn trong gia đình.

Nói về vụ án đau lòng này, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, ngày Tết là những ngày vui đối với mọi gia đình. Tuy nhiên, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt Hùng đã nhẫn tâm sát hại vợ khiến cho gia đình tan nát khi người thì chết, kẻ đang đối diện cảnh tù tội. "Với việc dùng dao chém liên tiếp vào vợ cho thấy hành vi của Hùng rất liều lĩnh, côn đồ, cố ý tước đi mạng sống của người khác. Hành vi này có dấu hiệu của tội giết người theo quy định tại điểm n (khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015). Hiện Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và bắt giữ đối tượng để điều tra làm rõ hành vi phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Long nói.

Nói về hành vi côn đồ của nghi phạm, luật sư Long phân tích, giết người có tính chất côn đồ là trường hợp giết người vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác và những quy tắc trong cuộc sống. Khi xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ cần phải có quan điểm xem xét toàn diện mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người phạm tội khi gây án, nguyên nhân nào dẫn đến việc người phạm tội giết người. "Đây là một vụ án mạng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi đối tượng đang tâm dùng dao sát hại vợ một cách tàn nhẫn. Với tình tiết định khung trách nhiệm hình sự là "giết người có tính chất côn đồ" nên nếu bị kết tội, Hùng sẽ đối diện với khung hình phạt cao nhất là tử hình", luật sư Long phân tích.

Đối tượng Vũ Thanh Hùng tại cơ quan công an (ảnh TL)

Đối tượng Vũ Thanh Hùng tại cơ quan công an (ảnh TL)

Trong khi đó, nhìn nhận ở một khía cạnh khác, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua liên tiếp xảy ra một số vụ truy sát người thân trong gia đình với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây kinh hoàng trong dư luận. Những vụ án điển hình như: Chồng sát hại vợ và con gái 4 tuổi rồi treo cổ tại một phòng trọ tại phường An Bình (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương); vụ Nguyễn Văn Đông (ở huyện Đan Phương, Hà Nội) sát hại 4 thành viên trong gia đình em trai vào tháng 9/2019, nguyên nhân được cho là tranh chấp mảnh đất do bố mẹ để lại; Vụ sát hại gia đình em gái tại tỉnh Thái Nguyên mà nguyên nhân chính được cho là mâu thuẫn trong việc nợ nần tiền bạc.

Có thể thấy, nguyên nhân các vụ án mạng liên quan đến người thân chủ yếu thường xuất phát từ những mâu thuẫn, thậm chí bộc phát. Nó được tích tụ qua thời gian và ngày càng tăng lên cùng với sự bức xúc dẫn tới thiếu kiềm chế bản thân. Khi lên đến đỉnh điểm, nếu các bên không biết kìm chế cảm xúc thì lúc đó tình nghĩa ruột thịt cũng không còn ý nghĩa.

Cuộc sống ngày nay, với sự tác động của mạng xã hội cũng như nền kinh tế thị trường đã khiến có những trường hợp cốt lõi đạo đức, giá trị sống truyền thống bị đẩy lùi bởi tiền bạc. Điều này khiến một số người sống vì lợi ích cá nhân. Do đó, nếu phát sinh mâu thuẫn, họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.

"Giết người thân là nỗi đau lớn không chỉ với chính gia đình nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này cần có sự vào cuộc của các đoàn thể xã hội đối với những gia đình tiềm ẩn mâu thuẫn. Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, cơ quan công an cần tăng cường nắm tình hình, phát hiện, giải quyết sớm, triệt để các mâu thuẫn phát sinh trong gia đình, dòng họ ngay từ ban đầu, chủ động hòa giải không để xảy ra xô xát dẫn đến án mạng. Có như vậy mới ngăn chặn được những vụ việc đau lòng xảy ra trong tương lai", luật sư Anh tâm sự.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

n) Có tính chất côn đồ;

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội: Chồng chém chết vợ trong ngày mùng 5 Tết

Cơ quan công an đã khống chế, bắt giữ người chồng ngay sau khi nhận được tin báo từ người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hằng ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN