VietinBank quản lý lỏng lẻo
Đó là nhận định chung của nhiều luật sư khi tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo.
Ngày 14-1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM - nguyên phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) và đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư đối với nhóm bị cáo nguyên là trưởng phòng, phó trưởng phòng, giao dịch viên của nhiều phòng giao dịch VietinBank. Các bị cáo này bị truy tố về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo các luật sư, các bị cáo từng là đồng nghiệp, thuộc cấp của Huyền Như “bị oan” vì không biết việc làm dối trá cũng như tin tưởng Như nên đã phạm tội. Ngoài việc viện dẫn nhiều chứng cứ để chứng minh cho luận cứ của mình, các luật sư còn nhấn mạnh đến vai trò của VietinBank trong vụ án.
“Bị cáo Như đã dễ dàng thực hiện hành vi chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng kéo dài hơn 1 năm rưỡi mà hệ thống kiểm tra, giám sát của VietinBank vẫn không hề phát hiện. Vậy trách nhiệm của VietinBank ở đâu?” - luật sư Nguyễn Đăng Trừng (bào chữa cho bị cáo Bùi Ngọc Quyên) đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh) thắc mắc: “Trong điều kiện VietinBank có cả một hệ thống và bộ máy quản lý, kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhưng vẫn không phát hiện hành vi sai phạm của Huyền Như thì làm sao các nhân viên có khả năng phát hiện?”.
Trước đó, trong phiên tòa ngày 13-1, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (bào chữa cho bị cáo Huyền Như) cũng cho rằng sự quản lý cán bộ và kiểm soát tín dụng của hệ thống quản trị rủi ro tại VietinBank quá lỏng lẻo, nhiều sơ hở chính là môi trường thuận lợi tạo ra các hành vi phạm tội của Huyền Như.
“Nhiều chứng từ và chữ ký giả vẫn lọt qua mọi cửa kiểm soát. Nhiều ngàn tỉ đồng đã được chuyển đi và rút bất hợp pháp một cách dễ dàng. Huyền Như giả mạo chứng từ, rút tiền gửi tại VietinBank hầu như không gặp bất cứ trở ngại nào. Đây chính là nguyên nhân giúp Huyền Như thực hiện được hành vi chiếm đoạt” - luật sư Quỳnh Thi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, luật sư Quỳnh Thi cũng liên tục đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Đề nghị HĐXX xác định công tác giám sát nội bộ của VietinBank như thế nào? Cơ cấu tổ chức bộ máy và dây chuyền hoạt động, đại diện của các văn phòng, chi nhánh hoạt động ra sao mà để Huyền Như có thể lũng đoạn được cả dây chuyền mà toàn bộ nhân viên làm cùng không phát hiện? Phải xem xét trách nhiệm này thuộc về những người đứng đầu ngân hàng chứ không phải chỉ mỗi bị cáo Huyền Như”.
Ngoài ra, các luật sư còn cho rằng nếu VietinBank không bị thiệt hại và không chịu trách nhiệm dân sự đối với số tiền Huyền Như đã chiếm đoạt thì không thể quy buộc các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Hôm nay (15-1), phiên tòa tiếp tục.