Vì sao khó buộc tội vụ “kỳ án vườn mít”?

Số phận của Lê Bá Mai – bị cáo vụ “kỳ án vườn mít” thu hút tâm điểm dư luận – có nhiều điều kỳ lạ. 8 năm nay, tại các phiên tòa, cơ quan tố tụng buộc tội Lê Bá Mai vẫn chưa thành. Vì sao vậy?

“Điểm chết” của vụ án…

Hiện nay, đa phần quy trình tố tụng của các nước trên thế giới đều trọng chứng hơn trọng cung. Luật tố tụng tại Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Mấu chốt quan trọng của vụ kỳ án này là lời khai báo của Thị Hằng – khi đó 9 tuổi, nhân chứng duy nhất và trực tiếp tại hiện trường.

Đầu tiên Hằng khai đã đứng ở vị trí 100m, thấy một thanh niên đi xe gắn máy màu xanh – đen, đầu đội nón lá…chở theo bình xịt thuốc màu xanh, bình nước đá màu đỏ, người ngồi sau xe là Thị Út.

4 ngày sau, khi người dân phát hiện thi thể Út tại vườn mít trong trang trại ở địa phương, Thị Hằng khai báo rõ hơn: người thanh niên chở Út là Lê Bá Mai.

Để làm rõ Thị Hằng trước đây khai báo ra sao, cơ quan điều tra đã mời Công an viên Trần Văn Sinh (CA xã An Khương, huyện Bình Long) lên thẩm vấn.

Tuy nhiên, chính ông Sinh cũng có nhiều lời khai thay đổi. Ban đầu khai là một người thanh niên, sau đó khai người thanh niên đó giống Lê Bá Mai, rồi có lúc lại khai, chiếc xe máy mà người thanh niên đó đi là của Lê Bá Mai.

Sau nhiều phiên tòa ông Sinh cũng không lý giải được sự thay đổi lời khai khá “lộn xộn” này ?

Vì sao khó buộc tội vụ “kỳ án vườn mít”? - 1

Cơ quan tố tụng thừa nhận quá trình điều tra, khám nghiệm hiện trường, tử thi, thu giữ vật chứng có nhiều sai sót

Các nhân chứng khác như: Điểu Cẩn (cha ruột của Thị Út), Điểu Ky (cha ruột của Thị Hằng)… cũng chỉ khai báo dựa trên lời kể của Hằng và liên tục thay đổi lời khai khi Thị Hằng thay đổi lời khai.

Ban đầu ông Điểu Ky khai, ông nghe con gái kể có người thanh niên chở Út đi. Nhưng sau khi phát hiện ra thi thể Thị Út trong vườn mít, Điểu Ky lại khai, cháu Hằng có về kể: chở Út đi là một thanh niên, gia đình ông và người dân xung quanh nghi ngờ là Lê Bá Mai ?

Đây chính là “điểm chết” của vụ án mà các luật sư cần làm rõ tại các phiên tòa từ trước đến nay.

Có thể nói việc buộc tội Lê Bá Mai là dựa trên khai báo của Thị Hằng. Tuy nhiên, theo luật sư Trịnh Thanh và Phan Long Ẩn (bảo vệ cho Lê Bá Mai) lời khai của Hằng đã không thống nhất. Các nhân chứng gián tiếp khác cũng không thể lý giải được vì sao lời khai của họ thay đổi theo sự thay đổi của nhân chứng Thị Hằng ?

Ngoài ra một tình tiết quan trọng để buộc tội Mai chính là lời nhận tội của bị cáo này. Được biết trong 6 bản khai cung, chỉ có lời khai cung ban đầu là Lê Bá Mai không nhận tội, 5 bản còn lại đều nhận tội. Đại diện VKS cho rằng, một lần khai thì không đáng tin cậy bằng nhiều lần khai.

Vì sao khó buộc tội vụ “kỳ án vườn mít”? - 2

“Điểm chết” của vụ án chưa được làm rõ là lời khai của nhân chứng Thị Hằng và các nhân chứng gián tiếp khác.

Trong các phiên xử, Mai đều khẳng định là bản thân không hiểu biết pháp luật, không biết tử hình là gì? Bị bạn tù dụ dỗ nhận tội đại, ở tù vài ba năm thì về.

Bị cáo Mai còn khai từng bị đánh đập, ép cung, bị điều tra viên bắt học thuộc lòng theo nội dung chuẩn bị sẵn. Và đến nay, Lê Bá Mai liên tục kêu oan.

Các luật sư bào chữa cũng khẳng định, không thể lấy số lần khai phạm tội nhiều hơn số lần khai không phạm tội để làm cơ sở kết tội cho bị cáo ? Trong khi lời nhận tội không phù hợp với khai báo của các nhân chứng cũng như vật chứng của vụ án.

Không thể buộc tội ?

Như đã phân tích, những lời khai của các nhân chứng về bản chất đã có vấn đề; trong khi đó vật chứng của vụ án lại càng có vấn đề hơn.

Vật chứng cho đến giờ là những dụng cụ mà cơ quan tố tụng cho rằng Lê Bá Mai đã mang theo khi chở Thị Út, lúc xảy ra vụ án. Thị Hằng khai báo, Lê Bá Mai mang theo bình xịt màu xanh, bình nước đá màu đỏ…nhưng ông Dương Bá Tuân (chủ trang trại nơi Lê Bá Mai làm việc) và nhiều người khác lại khẳng định: trang trại không có những vật dụng này ?

Các bản cung nhận tội, ban đầu Lê Bá Mai khai không mang theo đồ vật. Sau này có khai mang theo bình xịt inox màu trắng, can đựng nước màu vàng. Vật chứng mà công an thu giữ được xác định là bình inox, can đựng nước màu vàng ố.

Nhưng khi luật sư truy hỏi trong phiên tòa ngày 19/6, ông Dương Bá Tuân khẳng định thời điểm đó Mai không thể mang theo vật dụng vì các vật dụng đó đang nằm trong kho là một container được khóa, ông là người giữ chìa khóa.

Cho đến nay, sau 8 năm, cơ quan tố tụng vẫn chưa buộc tội được Lê Bá Mai!

Sỡ dĩ vụ án hiếp – giết này trở thành “kỳ án” xuất phát từ giai đoạn tố tụng ban đầu (khâu khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu giữ vật chứng…) của cơ quan công an tỉnh Bình Phước đã được thực hiện lỏng lẻo, thậm chí là rất cẩu thả…

Luật sư Phan Long Ẩn từng trao đổi với P.V VietNamNet rằng: tình tiết một số cọng tóc rơi tại hiện trường, sát thi thể nạn nhân có thể là của nạn nhân hoặc của hung thủ gây án, hay tình tiết củ sắn mà Thị Út ăn dở trước khi bị sát hại đều bị cơ quan điều tra…bỏ quên.

Chính cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Phước và đại diện Viện KSND các cấp từng thừa nhận có sai sót trong quá trình điều tra vụ án.

Có một thực tế cần nhìn nhận, vụ kỳ án đã từng bị trả hồ sơ để điều tra lại; tuy nhiên sau đó thì không có tình tiết gì mới phát sinh. Sự thật mà ai cũng biết là việc làm rõ các tình tiết, các lời khai, vật chứng cho đến nay là điều không dễ. Bởi lẽ lời khai sau 8 năm có nhiều tình tiết không thể nhớ, vật chứng bị lãng quên cũng trở thành cát bụi.

Đến nay có dư luận cho rằng Lê Bá Mai bị oan, cũng có hướng tin Mai phạm tội nhưng là “cao thủ” trong việc che dấu hành vi tội ác ? Việc Lê Bá Mai có phạm tội hay không, việc chứng minh là của cơ quan tố tụng.

Nhưng cái vòng tròn lẩn quẩn tuyên tử hình rồi không phạm tội, hủy án, xử lại theo hướng có tội…càng làm cho vụ “kỳ án” trở nên phức tạp, kéo dài.

Điều này tạo ra bi kịch không điểm dừng cho chính Lê Bá Mai và những người liên quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đàm Đệ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN