Tình người sau vành móng ngựa

Tình yêu thương con người đã cảm hóa cái xấu, cái ác; xua đi sự nặng nề, u ám sau nhiều phiên tòa ở chốn pháp đình.

Nhiều năm tháng có mặt ở tòa án để ghi nhận các vụ xử kiện tụng, tranh chấp, giết người, cướp tài sản…, chúng tôi thường xuyên bắt gặp và chứng kiến những nỗi bất hạnh, tuyệt vọng, bức xúc hoặc phẫn nộ. Thế nhưng, giữa những mất mát và tội ác lại không thiếu những câu chuyện cảm động, đầy ắp tình người.

Vị tha

Đã có chồng và 3 con nhỏ, N.T.T (SN 1981, ngụ tỉnh Đồng Tháp) lại có quan hệ với N.V.P (SN 1986, thợ hồ). T. cương quyết ly hôn, dắt con về sống tại nhà mẹ ruột là bà V.T.Đ. Trước tình yêu mù quáng của con, bà Đ. ra sức ngăn cấm P. qua lại, khuyên nhủ T. quay về với chồng cũ khiến 2 mẹ con nảy sinh mâu thuẫn gay gắt. T. đã cùng người tình sát hại mẹ ruột rồi đem xác ném xuống sông phi tang.

Nuốt nỗi đau có người vợ phản bội và độc ác, dù đã ly hôn, chồng cũ của T. vẫn lo chu toàn đám tang cho mẹ vợ cũ, sau đó xin phép gia đình cô ta đem con về chăm sóc, nuôi dưỡng. Thương các con thiếu vắng tình thương của mẹ, anh lại thường xuyên đưa con vào trại giam thăm nuôi.

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM bác kháng cáo, giữ nguyên mức án của TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt P. tử hình, T. tù chung thân về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Người đàn ông ấy lại lầm lũi làm lụng, vừa nuôi con vừa đi thăm nuôi T., hy vọng một ngày vợ cũ ăn năn hối lỗi, sớm được trở về.

Mới đây, TAND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa vụ án vô ý làm chết người ra xét xử đối với Đ.V.V (SN 1974).

Theo cáo trạng, do lúa bị chuột cắn phá, V. đấu nối điện nhà vào dây thép giăng quanh ruộng để diệt chúng. V. thông báo việc này với một số hộ dân sống lân cận, đồng thời cắm 2 biển cảnh báo. Một lần, em H.T.K (trú cùng thôn) đi học xa về, vô tình qua ruộng lúa và bị điện giật chết.

Cái chết của cậu bé 16 tuổi khiến gia đình nạn nhân đau đớn, uất nghẹn. Vậy mà, khi ra tòa, nhìn 4 đứa con thơ dại của V, trong đó có cháu bị di chứng của căn bệnh bại não, cha của K. đã nuốt nước mắt, tha thiết cầu xin tòa tha cho bị cáo: “V. có đi tù, con tôi cũng không sống lại được mà bầy con dại của chú ấy chỉ có nước dắt nhau đi ăn mày”. Không chỉ vậy, khoản tiền bồi thường chi phí mai táng, cha mẹ K. cũng chỉ lấy một nửa.

Tình người sau vành móng ngựa - 1

Bị cáo N.T.T sau phiên tòa phúc thẩm với mức án tù chung thân

Tòa tuyên phạt V. 1 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo. V. và gia đình bật khóc vì vui mừng. Đứng cạnh đó, cha của K. cũng thở ra nhẹ nhõm.

Tấm lòng người mẹ

Phòng xử C của TAND TP HCM hôm ấy có 2 phụ nữ đã luống tuổi, đôi mắt đau xót đến tột cùng ngồi ở hàng ghế của người dự khán. Đó là mẹ của bị cáo Đ.P.T và mẹ của nạn nhân C.V.D.

Suốt phiên xử, ngoài việc ngồi sụt sùi khóc, mẹ D. không nói gì. Bà ủy quyền cho cháu ruột phát biểu tại tòa, đề nghị HĐXX xử mức án nghiêm đối với T. Thế nhưng, khi HĐXX tuyên bố nghị án, bà hoảng hốt đứng bật lên, vừa khóc vừa nói: “Đứa con tôi mang nặng đẻ đau, chắt chiu từng đồng để nuôi ăn học, vậy mà mới tốt nghiệp đại học được 3 tháng đã phải chết oan vì mấy nhát dao của kẻ say rượu. Sau khi con tôi bị sát hại, gia đình tôi không hề nhận được lời thăm hỏi của gia đình T. Tôi hận lắm, chỉ muốn có thể giết chết nó để đền mạng cho con. Nhưng bây giờ, khi tới đây, nhìn thấy T. còn quá nhỏ tuổi, tôi không đành… Có đền bù bao nhiêu hay xử nặng T, con tôi cũng không sống lại được nữa. Thôi thì xin tòa giảm án để bị cáo sớm trở về làm lại cuộc đời”.

Nghe tòa tuyên phạt T. tù chung thân, mẹ D. run rẩy: “Xin tòa xử 5 năm đến 10 năm tù thôi”. Suốt phiên tòa, T. quanh co chối tội nhưng trước lòng vị tha, nhân hậu của mẹ D., bị cáo đã bật khóc. Những giọt nước mắt hối hận muộn màng.

Cũng mang nỗi đau của người mẹ có con bị hại, bà N.T.T đến Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại.

TP HCM cùng con trai nằm bất động trên ghế bố với tỉ lệ thương tật 95%. Chỉ vì sự hiểu lầm dẫn đến mâu thuẫn, anh T.T.H (SN 1981, ngụ tỉnh Đồng Nai) đã bị N.M.H (SN 1990) dùng cây đánh liên tiếp vào đầu gây nứt sọ, liệt tứ chi, trí tuệ sa sút hoàn toàn…

Sau ngày xảy ra tai nạn, do các con ở xa và đều nghèo khó, bà T. là người duy nhất chăm sóc, tắm rửa cho T.T.H. Để có tiền lo thuốc thang, bà phải bán căn nhà đang  ở bởi tiền bồi thường chưa nhận đồng nào mà bệnh của con trai không thể một ngày không có thuốc.

Vậy mà nghe tòa tuyên phạt N.M.H 10 năm tù, bà lại xót xa: “Con người ta cũng như con mình… Từ lúc xảy ra vụ án đến nay, tôi nghĩ âu đó cũng là phần số của con, tha được cho người ta thì tha. Tôi không muốn có người mẹ nào phải đau khổ nữa”. Đó cũng là lý do bà khuyên các con rút kháng cáo tăng hình phạt đối với N.M.H tại phiên tòa phúc thẩm.

Khi cái ác đã bị trừng phạt, chỉ có tình thương và sự sẻ chia mới có thể thanh lọc tâm hồn, xoa dịu mọi vết thương. Điều này đã được minh chứng qua rất nhiều phiên tòa mà chúng tôi từng tham dự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Hiếu - Hạ Lan - Kha Miên (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN