“Quan xã” nuốt không trôi đất khống

Trong 2 ngày (12 và 13/11), TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Quốc Sơn (SN 1957) - nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội cùng đồng phạm, theo tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cũng bị đưa ra xét xử với cùng tội danh còn có Lê Tư Sáu (SN 1959) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã, Lê Hữu Suốt (SN 1971) - nguyên cán bộ địa chính, Đoàn Tô Hải (SN 1958) - nguyên Chỉ huy trưởng quân sự xã Hải Bối và Vũ Yến Sơn (SN 1972) - nguyên cán bộ Ban quản lý dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì (gọi tắt là MPMU).

Tài liệu truy tố các bị cáo thể hiện, năm 2002, UBND TP Hà Nội có các quyết định thu hồi hơn 730.000m2 đất tại 6 xã của huyện Đông Anh, trong đó có xã Hải Bối để xây dựng hệ thống mương thoát nước, thuộc Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Bắc Thăng Long - Vân Trì. Trong quá trình GPMB, một số hộ dân thắc mắc, khiếu kiện vì cho rằng diện tích đất bị thu hồi của họ là đất ở chứ không phải đất lấn chiếm hoặc đất nông nghiệp. Giải quyết vướng mắc đó, UBND huyện Đông Anh đã quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn do Nguyễn Quốc Sơn làm chủ tịch. Mục đích của hội đồng này là xác định lại nguồn gốc, thời gian sử dụng đất và các tài sản gắn liền trên đất. Trường hợp đủ căn cứ để xem xét bồi thường theo giá đất ở thì UBND xã Hải Bối và MPMU lập lại phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Thực hiện nhiệm vụ, Nguyễn Quốc Sơn cùng “ê kíp” đã ký xác nhận lại nguồn gốc và thời gian sử dụng đất cho 90 trường hợp để họ được hưởng bồi thường theo giá đất ở. Ngoài ra, một số cán bộ xã do Sơn cầm đầu còn hợp thức hóa hồ sơ chia tách hộ, nhân khẩu, chuyển nhượng, thừa kế đất đai cho hàng chục trường hợp để được hưởng chính sách mua đất tái định cư bằng thủ đoạn lập khống và ghi lùi thời gian trước khi có quyết định thu hồi đất của huyện.

Với việc xác nhận của Hội đồng Tư vấn, UBND xã Hải Bối và MPMU đã “phù phép” từ 86 phương án đền bù thành 171 trường hợp, trình UBND huyện Đông Anh phê duyệt. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện ra những gian dối này. Cụ thể, có 62 phương án bồi thường (tương đương hơn 7.000m2) là đất có nhà lấn chiếm đất nông nghiệp sau năm 1994 đã được xác nhận thành đất ở từ trước 15/10/1993 và 33 hộ dân có diện tích đất lớn hơn hạn mức đất ở cũng đã được chính quyền cơ sở xác nhận.

Bên cạnh đó, trong các trường hợp được xác nhận khống còn có hàng chục hộ gia đình chỉ có HKTT ở địa phương, nhưng không hề ăn ở hoặc có một mét vuông đất nào “dính” dự án và hoàn toàn không “dính dáng” gì đến việc GPMB, nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận bồi thường. Được giao nhiệm vụ cùng chính quyền địa phương xác định hiện trạng sử dụng đất và lập phương án đền bù, tái định cư, Vũ Yến Sơn biết rõ việc làm trái pháp luật của các “quan xã” Hải Bối, song vẫn “mắt nhắm mắt mở” cho qua. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Bối cùng đồng phạm đã làm thất thoát của Nhà nước hơn 22 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan công an còn làm rõ nhóm tội phạm này cũng đã “đút túi” hơn 2,6 tỷ đồng “lót tay” từ các hộ dân và nhận khống tiền hỗ trợ đền bù của Nhà nước.

Trong 2 ngày xét xử, nhóm cán bộ xã Hải Bối đều thành khẩn khai nhận tội. Khẳng định quan điểm tại phiên toà, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng hành vi của các bị cáo đã gây ra hậu quả vô cùng lớn, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan Nhà nước và xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Mặt khác, tội phạm về tham nhũng đang gây nhức nhối xã hội, do đó đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt nghiêm khắc các bị cáo. Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án và cá thể hoá hành vi của từng bị cáo, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Quốc Sơn 4 năm tù, Vũ Yến Sơn, Lê Hữu Suốt cùng 3 năm tù và Đoàn Tô Hải 2 năm tù giam theo đúng tội danh bị truy tố. Riêng cựu Bí thư Đảng uỷ xã Lê Tư Sáu chỉ phải nhận 30 tháng tù, hưởng án treo với cùng tội danh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trịnh Tuyến (An Ninh Thủ Đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN