Phút chốc thành... tội phạm

Từ những lần tụ tập cùng bạn bè, bị rủ rê, lôi kéo “đi chơi” cho vui, nhiều trẻ vị thành niên đã trở thành tội phạm cướp tài sản...

Thời gian qua, có nhiều vụ án cướp giật tài sản do các nhóm vị thành niên thực hiện. Đáng nói là có những học sinh thiếu sự quản lý của gia đình, theo bạn bè đi chơi, tụ tập rồi phạm tội, vướng vào vòng lao lý...

Bạn rủ thì đi

Bị cáo N.T.T (SN 1995, ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM) bị bắt về tội “Cướp tài sản” khi đang còn là học sinh lớp 9 một trường THCS. Hôm tòa xử phúc thẩm, T. mặc áo sơ mi trắng có phù hiệu nhà trường nhưng tóc mái để dài quá trán hất chéo một bên mặt.

Cha mẹ ly hôn, T. sống với cha. Sau giờ học, T. thường la cà, tụ tập với một số thanh niên bất hảo tại chung cư Nguyễn Ngọc Phương (quận Bình Thạnh). Nhiều lần được rủ rê đi cướp lấy tiền chơi game, T. ngần ngại khước từ nhưng rồi thấy bạn bè đi cướp dễ dàng lại có tiền tiêu xài, T. đã đồng ý tham gia.

Cả nhóm đi trên 3 xe máy đến khu vực cầu Phú Mỹ (quận 7 - TPHCM), phục kích trên đoạn đường vắng. Phát hiện 2 người đi xe máy, nhóm T. ào ra dùng mũ bảo hiểm đánh nạn nhân rồi cướp xe và tài sản. Phi vụ này, T. được “đàn anh” chia 200.000 đồng nhưng ngay sau đó T. bị bắt. Xử sơ thẩm, T. bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”. Cha T. làm đơn kháng cáo xin cho T. được hưởng án treo để tiếp tục đi học.

Phút chốc thành... tội phạm - 1

Bị cáo N.H.V (áo sọc) đang nghe đại diện Viện Kiểm sát luận tội

Tại tòa phúc thẩm, khi được hỏi vì sao lại tụ tập đi cướp, T. hồn nhiên trả lời: “Đi chơi chung, bạn rủ nên con đi. Với lại, thấy lần trước bạn cướp không bị gì nên lần này con tham gia…”.

Quay qua người cha, vị chủ tọa hỏi: “Thường ngày con ông đi đâu, làm gì, với ai, ông biết không? ”. “Dạ, sau giờ học, cháu thường xin tôi đi chơi game. Vì lo làm ăn, tôi cũng không để ý cháu đi với ai nữa…” - cha T. trả lời. Nhận định hành vi của T. là nguy hiểm, tuy nhiên, bị cáo phạm tội trong độ tuổi vị thành niên, vai trò mờ nhạt, HĐXX đã tuyên phạt T. 3 năm tù (giảm 6 tháng).

Muốn có tiền tiêu xài

Cũng có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, bị cáo H.Đ.L phạm tội khi đang học lớp 8. Cha chạy xe ôm từ sáng sớm nên cho tiền để L. tự ăn uống. Bớt tiền ăn để tiền chơi game, dần dần L. nghiện game nặng.

Một hôm, đi học về ngang nhà một người bạn, thấy mẹ bạn ở nhà một mình, L. nảy sinh ý định trộm tài sản. Vờ bước vào hỏi mượn tập để ra tay trộm, bị chủ nhà phát hiện, L. hốt hoảng chụp gạt tàn thuốc đập chủ nhà, yêu cầu đưa tiền nhưng người phụ nữ nói L. lấy tạm đầu DVD. Phần thấy máu chảy, phần sợ bị phát hiện, L. ôm đầu DVD bỏ chạy, bỏ quên cả tập vở. Mới đây, tòa án xét xử đã tuyên phạt L. 3 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”.

Thường ngày sau giờ học, N.T.T (SN 1995, ngụ quận Bình Tân - TPHCM) được bạn trai đưa đón, kể cả đi học thêm. Trong những lần đi chơi cùng nhóm bạn, thấy ai cũng ăn mặc quần áo sành điệu, thời trang, T. cảm thấy chạnh lòng, ao ước được một lần khoác lên mình chiếc áo đắt tiền.

Một lần, bạn trai tỉ tê rủ đi giật đồ để có tiền mua quần áo, T. gật đầu đồng ý. Chập choạng tối, T. vờ nói với cha mẹ đi học thêm rồi đến nhà bạn trai. Cả 2 chạy vòng vòng trên các tuyến đường, phát hiện một phụ nữ đang mua trái cây, bạn trai T. tăng ga lao đến để T. giật túi xách. Tài sản cướp được chỉ mấy chục ngàn đồng và chiếc điện thoại cũ nhưng vài ngày sau, T. bị công an phường mời lên làm việc và phải hầu tòa.

Cướp nhiều lần

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ban ngày, N.H.V (SN 1996, ngụ huyện Hóc Môn - TPHCM) đi bán vé số mưu sinh, ban đêm đi học bổ túc. Sau giờ học, V. thường đi chơi với nhóm bạn cùng lớp, dần dà quen biết với Nguyễn Thanh Tú (SN 1986).

Nhiều lần nghe Tú rủ rê và thấy Tú đi “ăn hàng” mà không sao cả nên sau vài lần nhận được lời đề nghị tham gia “mấy vụ lẻ tẻ”, V. cùng nhiều thanh niên khác đã thực hiện theo kế hoạch của Tú.

“Mấy vụ lẻ tẻ” đó là cướp giỏ xách, xe máy của người đi đường, không chỉ một mà rất nhiều lần.

Phải mất nhiều thời gian, lực lượng chức năng mới phá được băng nhóm phạm tội do Tú cầm đầu. Đồng bọn đều lãnh án nặng, riêng V. bị phạt 8 năm tù.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN