"Nín thở“ mai phục “giang hồ cộm cán“

Sau hơn một năm thành lập, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP.HCM đã bắt được 400 tên tội phạm, trong số đó có 50 kẻ mang lệnh truy nã đặc biệt. Ngoài việc tìm bắt những kẻ phạm tội bỏ trốn, đơn vị còn có nhiệm vụ truy tìm những thứ có liên quan đến vụ án như vật chứng hay nhân chứng…

Ánh mắt nhiều người xung quanh khu vực không bỏ qua bất kỳ động tĩnh nào từ một ngôi cấp 4 tại một khu dân cư có đông người thuộc quận Bình Tân, TP.HCM. Họ đang làm nhiệm vụ trinh sát mật phục tên tội phạm trốn truy nã – một giang hồ "số má" của đất Cảng.

"Nín thở“ mai phục “giang hồ cộm cán“ - 1

Khống chế đối tượng truy nã

Đến khi gã thanh niên mặt xương, mặc áo thun trắng dắt xe máy từ trong nhà đi ra, lập tực một chỉ huy ra hiệu cho đồng đội từ mọi ngả cùng xông đến khóa chặt tay của gã thanh niên này, khẩu rulô đã lên đạn giắt trong lưng quần anh ta cũng bị vô hiệu. Người bị bắt là Trần Quang Việt (tức Việt “Cá”, 36 tuổi, ngụ quận Lê Chân, Hải Phòng). Những người dân có mặt tại đây đều bất ngờ và bày tỏ sự thán phục đối với các trinh sát sau khi ra tay nhanh như chớp để vô hiệu đối tượng nguy hiểm.

Việt "Cá", một tên giang hồ cộm cán tại đất Cảng luôn mang theo “hàng nóng” và sẵn sàng nã đạn vào bất cứ ai gây hấn với hắn. Tháng 9/2010, do tranh giành địa bàn bảo kê, Việt bắn một người đàn ông 40 tuổi rồi bỏ trốn vào TP.HCM.

Dù mang lệnh truy nã tội “Giết người” của Công an Hải Phòng, nhưng Việt vẫn tung hoành trong "nghề" cá độ bóng đá, đòi nợ thuê, thậm chí cả giết người theo "đơn đặt hàng". Tháng 7/2011, thêm một nạn nhân tại TP.HCM suýt chết dưới họng súng của Việt vì mâu thuẫn trong làm ăn với đối tác.

Sau nhiều ngày lần theo dấu vết, các trinh sát PC52 phát hiện Việt “Cá” lẩn trốn tại khu vực quận Bình Tân và luôn thủ sẵn khẩu súng đã lên nòng. Nhiều phương án đã được đưa ra bàn thảo để đảm bảo an toàn cho anh em và cho cả người dân. Theo đó, các trinh sát phong tỏa căn nhà Việt thường lui tới đều phải mặc áo chống đạn.

Ngoài những nhiệm vụ hiểm nguy, cảnh sát truy nã còn cần phải khôn khéo, nhanh nhạy trong cách xử trí. Một Đội trưởng truy nã kể, trong lần truy bắt Trần Quốc Khánh, kẻ mang lệnh truy nã của tỉnh Sơn La về 2 tội Vận chuyển trái phép chất ma túy và Trộm cắp tài sản, nếu không kịp thời xoay chuyển tình hình thì các anh sẽ tuột mất cơ hội bắt hắn.

Hôm nhận được tin báo kẻ tình nghi đang hành nghề sơn nước, lẩn trốn tại khu vực xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Nhiệm vụ khi đó là phải xác minh được nhân thân tên Khánh thật nhanh chóng. Trong vai người cần sửa nhà, vị đội trưởng hẹn gặp anh ta ở gần cầu vượt quận 12.

Lúc này, trời bỗng mưa to, cuộc gặp mặt có nguy cơ bị trì hoãn đồng nghĩa với việc có khả năng mất dấu người này. Vị đội trưởng nghĩ ra kế mời hắn đến "bàn công việc" tại một quán thịt cầy. Sau vài lượt chén chú chén anh, Khánh lộ ra quê quán và vài thông tin lý lịch trích ngang. Thế nên khi vừa ra đến cửa quán nhậu, anh ta đã bị tra tay vào còng.

Ngoài việc đấu trí, đấu sức với các đối tượng, cảnh sát truy nã còn sử dụng biện pháp mềm mỏng hơn bằng những lần vận động tội phạm đầu thú. Khuyên răn, giải thích với gia đình người bị truy nã về sự khoan hồng của pháp luật để họ tác động kẻ lẩn trốn hiểu và ra đầu thú cũng là một quá trình cần phải kiên trì.

Bằng biện pháp này, rất nhiều lần các anh chỉ cần mời gia đình người bị truy nã lên làm việc là vài ngày sau họ dắt con em đến đầu thú. Bản thân người bị truy nã luôn phải chịu sự dằn vặt, lo sợ hành tung bị phát hiện.

"Trong tâm khảm họ chắc chắn từng nghĩ đến việc đầu thú để chấm dứt chuỗi ngày sống chui nhủi. Điều cốt lõi là mình làm cho họ hiểu ra được vấn đề để đối diện với sự thật, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật” - một cán bộ cảnh sát từng nhiều lần vận động thành công tội phạm ra đầu thú chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.Q – V.N (Pháp luật Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN