Nhục hình ở Sóc Trăng: Công an tỉnh hợp thức hóa hồ sơ!
Đại diện VKS thừa nhận trong quá trình điều tra vụ án tài xế xe ôm bị sát hại, Công an tỉnh Sóc Trăng đã hợp thức hóa hồ sơ vụ án bằng cách bắt bị hại lên làm việc nhưng lập biên bản là họ đầu thú, tự thú nên những lời khai đó đều bị bác bỏ.
Sáng nay, 6-10, TAND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục ngày xét xử thứ 4 vụ án “Dùng nhục hình” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khiến 7 thanh niên bị oan sai trong vụ tài xế xe ôm Lý Văn Dũng (ngụ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) bị sát hại vào ngày 6- 7-2013.
Đại diện VKS tranh luận với các luật sư
Trong phần tranh luận với các luật sư về hành vi “Dùng nhục hình” của 2 bị cáo Nguyễn Hoàng Quân (SN 1977) và Triệu Tuấn Hưng (SN 1981), nguyên đội trưởng và đội phó Đội Hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng, đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng thừa nhận rằng do sơ suất trong khâu đánh máy, dẫn đến việc các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bị cáo Hưng đã sai chữ lót, năm sinh, địa chỉ cư trú…Sau khi phát hiện sơ sót này, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã chỉnh sửa lại nhưng vẫn ghi thời gian ban hành như cũ.
Không chấp nhận phần biện hộ này, các luật sư đã chỉ ra trong quá trình lập biên bản lời khai, cán bộ điều tra của VKSND Tối cao đã tự tẩy xóa ngày là hành vi không vô tư khách quan, vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự. Đại diện VKS cũng thừa nhận việc này. Tuy nhiên, ông cho rằng quá trình điều tra còn thể hiện qua rất nhiều biên bản khác, nên biên bản bị tẩy xóa không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại…
VKS thừa nhận có sai sót trong đánh máy nên đã ghi sai năm sinh, chữ lót của bị cáo Hưng
Về việc trong quá trình điều tra bổ sung theo yêu cầu của TAND tỉnh Sóc Trăng, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao không tiến hành cho đối chất giữa bị cáo Hưng và bị hại Trần Văn Đỡ, đại diện VKS giải thích là do anh Đỡ đi làm thuê trên tàu đánh cá nên không thể vào đất liền để tiến hành đối chất. Do vậy, cơ quan điều tra đã lấy lời khai của bị hại này qua điện thoại với sự làm chứng của một lãnh đạo Công an huyện Trần Đề. “Thời hạn điều tra bổ sung sắp hết nên buộc cơ quan điều tra phải áp dụng biện pháp này”- vị đại diện VKS nêu ý kiến.
Việc bị cáo Hưng không hề được phân công điều tra án nên không thỏa mãn chủ thể của tội dùng nhục hình, đại diện VKS lập luận rằng các quy định của pháp luật hình sự đều chỉ rõ “người nào trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dùng nhục hình thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Do đó, dù không có quyết định phân công điều tra nhưng nếu Hưng có đánh đập bị hại thì vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Dùng nhục hình”. “Nếu điều tra viên không được phân công điều tra mà có hành vi đánh đập bị hại mà không truy tố tội “Dùng nhục hình” thì rất nguy hiểm”- vị đại diện VKS thể hiện quan điểm.
Bị hại Sô Phách (trái) và Khâu Sóc
Đặc biệt, lời khai của các bị hại Trần Văn Đỡ, Nguyễn Thị Bé Diễm và Thạch Sô Phách có mâu thuẫn về thời gian với lời khai của 2 nhân chứng Hồ Trung Hiếu (điều tra viên) và Nguyễn Văn Lượng (cán bộ điều tra) cùng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đại diện VKS thẳng thắn thừa nhận trong quá trình điều tra vụ án tài xế Dũng bị sát hại, cơ quan điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng đã hợp thức hóa hồ sơ vụ án bằng cách bắt họ lên làm việc nhưng lập biên bản là họ đầu thú, tự thú nên những lời khai đó đều bị bác bỏ. Vì thế, sau khi bị hại được trả tự do, lời khai sau này của họ mới được công nhận và tương đối trùng khớp với lời khai của nhân chứng và người có quyền và nghĩa vụ liên quan (!?).
Phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.