Mở rộng điều tra vụ án Đường – Dương
3 tuần sau khi nổ ra vụ án Đường “Nhuệ”, chúng tôi trở lại quê Lúa để ghi nhận những bước tiến nhanh chóng trong tiến trình điều tra ổ nhóm tội phạm nguy hiểm này.
Chọn “đột phá khẩu” từ một vụ án hình sự nhỏ, Công an tỉnh Thái Bình đã và đang tập trung cao độ về lực lượng, phương tiện, biện pháp để giải quyết rốt ráo nhiều vấn đề từng gây nhức nhối dư luận. Nhờ đó, nhiều tội ác của băng nhóm này đang từng bước lộ diện. Cùng với nó là niềm tin, sự kỳ vọng của dân về quyết tâm trấn áp tội phạm ngày một dâng cao.
Không khoan nhượng
Kỷ luật phát ngôn trong quá trình làm án đã khiến cho những nỗ lực tìm hiểu thông tin của báo giới về tiến trình điều tra ổ nhóm tội phạm do Nguyễn Xuân Đường cầm đầu không mang lại kết quả. Giữ bí mật về hoạt động điều tra là một nguyên tắc bắt buộc, được cán bộ, chiến sĩ tham gia chuyên án này tuân thủ nghiêm ngặt.
Rất hiểu tính chất công việc và trách nhiệm chấp hành kỷ luật công tác của đồng đội nên chúng tôi cũng chỉ còn cách dõi theo kết quả điều tra qua những “động thái” tố tụng như bắt, khám xét, khởi tố, phục hồi điều tra... cùng những phát ngôn ở tầm khái quát nhất của Thượng tá Nguyễn Thanh Trường, tân Giám đốc Công an tỉnh này.
Tuy vậy, chỉ cần nghe vợ con anh em trong tổ làm án bảo họ cả tuần không về là có thể hình dung họ đang tập trung cao độ, vắt sức cho một cuộc điều tra toàn diện về mọi hành vi phạm tội của băng nhóm Đường “Nhuệ”, đồng thời mở rộng diện điều tra, làm rõ sai phạm của các cá nhân liên quan khác. Có thể thấy, cho đến nay, vụ Đường “Nhuệ” không còn là một vụ án hình sự đơn thuần, mà đã có những dấu hiệu cho thấy sự phát triển nhanh chóng để trở thành một “đại án”.
Bị can Nguyễn Xuân Đường.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn kể từ khi vợ chồng Đường “Nhuệ” sa lưới pháp luật, một “núi” việc đã được các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Thái Bình giải quyết với “tốc độ” nhanh chưa từng có.
Ngày 7/4 đánh dấu mốc khởi đầu của chuyên án nhằm vào ổ nhóm Đường “Nhuệ” với việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam về tội “Cố ý gây thương tích” đối với Nguyễn Thị Dương và các đối tượng Nguyễn Đức Mạnh, Phạm Ngọc Quý... Ngay sau khi Nguyễn Xuân Đường sa lưới, dư luận cả nước “nóng” lên từng ngày. Trên mạng xã hội và báo chí tràn ngập thông tin về hoạt động trong “thế giới ngầm” của băng nhóm này. Người dân kỳ vọng và chờ đợi những hành động thực sự quyết liệt của cơ quan chức năng, để thực sự đem lại thái bình cho quê lúa.
Trả lời phỏng vấn của Báo CAND, Thượng tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình khẳng định: “Chúng tôi sẽ khẩn trương điều tra và mở rộng vụ việc một cách khách quan, công tâm, đúng pháp luật. Từ kết quả điều tra, sẽ giải tỏa được dư luận về việc có hay không ai đứng đằng sau, bao che cho các đối tượng gây án”.
Những ngày sau đó, người dân địa phương liên tục chứng kiến những “chuyển động” mạnh mẽ của vụ án. Cụ thể, 2 ngày sau khi bắt được Nguyễn Xuân Đường, lực lượng phá án tiếp tục khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 2 đối tượng là Đào Văn Bằng và Phạm Xuân Hòa là đồng phạm trong vụ án này.
Trụ sở Công ty Đường Dương.
Tiếp đến, ngày 16/4, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thái Bình đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án “Cố ý gây thương tích”, xảy ra ngày 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình và khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Đường để tiến hành điều tra. Vụ án này gây nhức nhối dư luận vì lý do quyết định tạm đình chỉ điều tra (ngày 5/7/2015) thiếu thuyết phục.
Cùng ngày 16/4, một “động thái” khác thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đó là việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam 4 cán bộ thuộc Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Những người này bị bắt vì có liên quan đến hoạt động đấu giá đất đai của vợ chồng Đường - Dương gây bức xúc dư luận từ nhiều năm qua. Sự kiện được coi là bước ngoặt đánh dấu tính chất vụ án không còn dừng lại ở một vụ phạm tội hình sự đơn thuần mà đã có bước phát triển thành vụ án về tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
Mới đây nhất, ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục quyết định khởi tố bị can Nguyễn Xuân Đường và Ninh Đức Lợi về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, liên quan đến hành vi gây sức ép, khủng bố tinh thần để thu phí dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình, theo tố cáo của người dân và các doanh nghiệp địa phương. Đây là vụ án thứ ba Đường “Nhuệ” bị khởi tố bị can, ngoài hai vụ án “Cố ý gây thương tích” trước đó...
Tối 25/4, Ban chỉ đạo 1593 (do Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình chỉ đạo thành lập để giám sát, theo dõi công tác xử lý vụ án này) đã phát đi bản thông cáo báo chí. Theo đó, các vụ án do Nguyễn Xuân Đường cùng đồng phạm thực hiện được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh, để chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Do vụ án có tính chất phức tạp, Ban chỉ đạo 1593 yêu cầu cần phải làm thật kỹ để sáng tỏ mọi vấn đề; cần tiếp tục phát động phong trào để cơ quan, tổ chức, nhân dân... tố giác, tố cáo hành vi phạm tội; có kế hoạch bảo vệ, bảo đảm an toàn cho mọi tổ chức, cá nhân phát hiện, tố giác tội phạm; tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình tố tụng của các vụ án liên quan đến ổ nhóm này, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Nhìn từ các cuộc đấu giá đất ở Thái Bình
Trong nhiều năm liền, dấu hiệu thao túng, lũng đoạn các cuộc đấu giá đất của ổ nhóm Đường “Nhuệ” khiến dư luận vô cùng bức xúc. Anh NTV (một người từng bị đàn em của Đường đe dọa khi tham gia đấu giá đất) đã kể với tôi về thủ đoạn kiếm tiền của ổ nhóm này.
Hà Văn Dũng, nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên.
Theo anh V., vợ chồng Đường - Dương bắt đầu tham gia đấu giá đất từ năm 2015. Thủ đoạn phổ biến là mua gom hết số hồ sơ từ đơn vị tổ chức đấu giá các cấp rồi ỉm đi để bao vây thông tin, không cho ai biết có cuộc đấu giá đất mà tham gia. Khi đó toàn bộ cuộc đấu giá đã nằm trong tay của nhóm này, khiến chúng mặc sức thao túng. Một thủ đoạn khác là đưa đến cuộc đấu giá vài chục đàn em xăm trổ bặm trợn để bao vây địa điểm đấu giá thị uy người dân.
Khi đó, những người đã mua hồ sơ đấu giá sẽ bị giang hồ đuổi đi, đe dọa, thậm chí hành hung hoặc cho ít tiền rồi yêu cầu rút lui, không được tham gia đấu thầu nữa, nếu không nghe sẽ bị đánh. Biện pháp này tỏ ra rất hiệu quả, kết cục là Đường “một mình một chợ”, tha hồ lũng đoạn cuộc đấu giá.
Tại cuộc đấu, “quân xanh” - (đồng bọn, người nhà hoặc thân tín của Đường) trả giá “sàn” (giá khởi điểm) với tài sản đem bán đấu giá, đối tượng này chỉ việc trả nhích hơn một chút là trúng. Có vụ Đường “thả” giá chỉ nhỉnh hơn giá “quân xanh” có 10 nghìn đồng. Mua xong, Đường bán “lướt sóng” cho người có nhu cầu, ăn lãi gấp đôi, trong khi Nhà nước bị thất thu ngân sách.
Anh V nói có dư luận chính các đối tượng công tác tại Trung tâm đấu giá (đã bị bắt) báo danh tính người đã mua hồ sơ đấu giá đất cho Đường để đàn em tên này “làm việc” với họ trước khi cuộc đấu giá diễn ra. Thấy dễ “kiếm ăn”, Đường cùng đồng bọn còn tham gia đấu giá đất thuê cho những người có nhu cầu.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tỉnh Thái Bình Phạm Văn Hiệp.
Với thủ đoạn trên, Công ty Bất động sản Đường Dương liên tục thắng thầu trong các cuộc đấu giá đất. Chẳng hạn, năm 2018, huyện Đông Hưng (Thái Bình) tổ chức đấu giá khu đất xã Đông Phương với giá khởi điểm 1,5 triệu đồng/m².
Cuộc này Nguyễn Thị Dương đã trúng 3 lô với giá cao hơn khởi điểm 10.000 đồng/m²; tháng 1/2019, huyện này tiếp tục tổ chức đấu giá 24 lô đất thuộc xã Lô Giang, cuộc này Đường “Nhuệ” đã trúng 20 lô với giá “không quá cao so với mức sàn”.
Vào cuối năm 2019, tại cuộc đấu giá đất ở xã Bình Nguyên (huyện Kiến Xương), vợ chồng Đường đã trúng 5/38 lô (với diện tích là 100m2/lô). Tại huyện Vũ Thư, cách TP Thái Bình gần 10 km, Công ty Đường Dương trúng đấu giá hơn 10 lô đất ở trung tâm thị trấn, xã Song An. Tương tự, tại các địa phương khác cũng xảy ra tình trạng trúng đấu giá mỗi khi vợ chồng Đường “Nhuệ” góp mặt. Ngoài những lô đã sang tên cho người khác kiếm lời, số còn lại vợ chồng Đường “Nhuệ” bỏ không và chưa nộp tiền cho chính quyền.
Trao đổi với phóng viên ANTG về khía cạnh pháp lý liên quan đến những sai phạm của Nguyễn Xuân Đường cùng đồng bọn trong hoạt động đấu giá đất, Luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích: “Hiện tượng tiêu cực trong đấu thầu dự án, đấu giá đất đang rất phổ biến tại các địa phương trong cả nước, chứ không riêng gì tỉnh Thái Bình. Việc này khiến ngân sách thất thu khoản tiền lớn và gây nhức nhối dư luận. Theo quy định của pháp luật, mọi người nộp hồ sơ tham gia đấu giá đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong hoạt động mua bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản liên quan. Hành vi gây rối trật tự tại nơi bán đấu giá; đe dọa đấu giá viên; gây sức ép, uy hiếp, ép đối thủ bỏ cuộc, không được tham gia cuộc đấu giá đất... dẫn đến việc làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản. Theo Điều 72 Luật Đấu giá tài sản, thì Hợp đồng bán đấu giá tài sản, Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sẽ bị vô hiệu và số đất đã bán đấu giá phải bị thu hồi. Mặt khác, chủ thể thực hiện những hành vi này có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.
Theo luật sư Hiển, hiện nay ở nhiều địa phương trong cả nước tồn tại nhiều băng nhóm giang hồ xã hội đen hoạt động với cách thức tương tự ổ nhóm Đường “Nhuệ”. Công an các địa phương cần lắng nghe phản ánh từ người dân, đặc biệt là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, để kịp thời nắm bắt thông tin về hoạt động của các đối tượng và có biện pháp giải quyết.
Nguồn: [Link nguồn]
Bằng nhiều thủ đoạn gây rối, đe dọa, khống chế, Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn đã buộc doanh nghiệp làm dịch vụ...