Lời sám hối của "yêu râu xanh"

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Bình nói, ham “của lạ” nên đã “bẫy” những cô gái trẻ để cướp tình họ. Chuyện chị Hà đe tự tử nếu bị xâm hại, phạm nhân này quả quyết, tưởng chị chỉ dọa…

“Bẫy” việc làm!

Trò chuyện với Nguyễn Hữu Bình, SN 1982, quê Vĩnh Phúc, chẳng ai nghĩ, phạm nhân này lại có máu “yêu”. Khuôn mặt tử tế, ăn nói điềm đạm, Bình dễ gây thiện cảm với người đối diện. Nhưng khi lật giở tập hồ sơ liên quan đến Bình, PV phải “giật mình”.

Chiều 11-8-2008, Bình phóng xe máy đến khu vực trường Trung cấp dạy nghề số 11, tỉnh Vĩnh Phúc, săn “của lạ”. Đến cổng khu trọ của sinh viên, Bình dựng xe ngoài cổng và thấy chị Nguyễn Thị Hà, SN 1986, quê Vĩnh Phúc, đang nấu cơm. Bình xưng là Tùng, có quán bia ở gần cổng CA tỉnh Vĩnh Phúc, vờ tuyển người. Chị Hà nghe vậy mừng ra mặt, xin Bình 1 suất. Đúng lúc đó, chị Nguyễn Thị Như, chị Đào Thị Xuân, bạn cùng trọ, về. Biết Bình từng ghé khu này, chị Như cất lời: “Ơ anh à?”. Chị Như, chị Hà mời Bình vào phòng uống nước nhưng Bình từ chối vì đang hút dở điếu thuốc.

Thay quần áo xong, chị Hà lên xe máy của Bình đến quán bia. Bình đã chở chị Hà đi lên hướng huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Thấy vậy, cô gái này thắc mắc thì Bình bảo rằng, đến nhà bạn có chút việc. Gã này cho xe chạy chậm hòng kéo dài thời gian, chờ trời tối và tìm địa điểm thuận lợi.

Khi đến khu vực mỏ đá Vinh Quang, xã Trung Mỹ, tỉnh Vĩnh Phúc, trời tối hẳn. Bình bật đèn xe máy, tiếp tục đi sâu vào trong đồi thì gặp ông Trương Văn Thông, trú tại xã Trung Mỹ, đang loay hoay dắt xe máy vì bị sa lầy. Bình hỏi đường ông Thông rồi dắt xe, cùng chị Hà quay trở lại. Đến đường mòn men theo hồ Trại Ngỗng, xã Trung Mỹ, Bình dừng xe và nói với chị Hà “chờ cho xe nguội rồi đi tiếp”. Chị Hà chẳng chút nghi ngờ, xuống xe. Bình dựng chân chống, đứng trước mặt chị Hà xin “ôm một tý”. Cô gái phản ứng, chống cự và đe: “Anh bỏ em ra, nếu anh làm gì em sẽ chết trước mặt anh”. Bình vừa nói “sờ một tý thôi” vừa vật ngã cô gái xuống rồi thực hiện hành vi giao cấu. “Xong việc”, Bình mặc quần áo; trong khi đó, chị Hà bỏ chạy, nhảy xuống hồ nước tự tử. Bình chẳng chút lo lắng, thản nhiên bỏ đi. Ngày hôm sau, xác chị Hà được người dân địa phương phát hiện và Bình bị bắt giữ.

“Yêu râu xanh” còn khai nhận, trước đó, sáng 27-6-2008, Bình tới khu công nghiệp Khai Quảng, tỉnh Vĩnh Phúc gặp chị Nguyễn Thị Hằng, SN 1991. Chị Hằng đến đây tìm việc làm. Bình đã buông lời tán tỉnh, hứa xin việc giúp. Vì thế, cô gái này đồng ý gửi xe đạp của mình ở nhà ông Dương Hồng Doanh, trú tại phường Khai Quang, rồi lên xe đi cùng Bình. Hai người dừng ở đồi bạch đàn thuộc xã Trung Mỹ nhưng chị Hằng nghi ngờ Bình có ý đồ xấu nên bỏ chạy. Cũng vì sự nhanh trí của chị Hằng mà ý định của Bình không thành.

TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên Bình án tù chung thân về tội “Hiếp dâm”, 1 năm tù tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”; tổng hình phạt bị cáo phải chịu là mức án chung thân. Ngay sau đó, Bình kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Nhưng HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, Bình nại ra việc không biết gần hiện trường có hồ và không nhìn thấy nạn nhân nhảy xuống hồ là không có căn cứ. Bình là người địa phương, vả lại, trước khi tự tử, chị Hà đã cảnh báo: “Em sẽ chết trước mặt anh”. Tòa cũng không chấp nhận kháng cáo của bị hại đề nghị tăng nặng hình phạt với Bình vì chưa có tình tiết mới. TAND TC tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo.

Sự hối hận và niềm tin hướng thiện!

Tham gia cuộc thi viết “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” dành cho phạm nhân của Tổng cục VIII, Bộ Công an, Bình được trao giải Khuyến khích. Phạm nhân này nói, phần thưởng là đáng quý nhưng điều khiến anh vui hơn là nhận được sự đồng cảm. Bình chia sẻ về tác phẩm của mình:

“Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi gây không thiếu trò nghịch ngợm. Bố mẹ lúc nào cũng mệt mỏi, đầu óc căng như dây đàn vì tôi. Có bận, tôi bị bố đánh một trận nhừ tử. Ông bảo với tôi thế này: “Mày như thế này rồi sau sẽ là đứa con hư thôi con ạ”. Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu nhận biết được thói hư, tật xấu của mình, tôi càng thấm thía lời bố. Hiểu được nỗi nhọc nhằn của mẹ, tôi biết yêu thương và hiếu thảo hơn. Khi tôi đậu cấp 3, niềm hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt bố mẹ tôi. Vì họ, tôi bắt đầu thực hiện những hoài bão, rồi tôi bước chân vào cổng trường trung học chuyên nghiệp và tốt nghiệp với tấm bằng khá. Tôi thấy “thượng đế” đã mỉm cười với mình khi dễ dàng xin được chân ở một Cty với mức lương mà nhiều người mơ ước. Người ta nói “Tam thập nhi lập” nhưng 24 tuổi tôi đã yên bề gia thất. Vợ tôi là một cô gái không xinh đẹp nhưng bù lại rất hiền hậu. Cô ấy xuất thân từ một gia đình nghèo khó như tôi nên hai vợ chồng đồng cảm. Hạnh phúc thật ngọt ngào khi trong nhà có tiếng khóc của trẻ thơ. “Cậu ấm” kháu khỉnh làm chúng tôi thêm khăng khít. Những tưởng sẽ là bình yên như thế…

Tôi không hiểu nổi mình nữa, tự nhiên tôi “thèm của lạ” và bắt đầu đặt vợ lên bàn cân với những cô gái trẻ đẹp khác. Sự chân chất, giản dị, xuề xòa của vợ mà tôi vẫn coi là điểm mạnh thì giờ tôi thấy chán ghét và nhạt nhẽo. Ai cũng nói, tôi bảnh bao, phong độ còn vợ tôi ngược lại. Tôi bắt đầu để ý những lời nhận xét đó, thấy hổ thẹn vô cùng. Mỗi ngày trôi qua, cái cảm giác ấy đè nặng, đầu độc và biến tôi thành kẻ khác. Tôi đã quên đi sự bươn chải, tất tả của vợ giúp tôi có một mái ấm. Chẳng biết tự bao giờ, tôi lao vào những cuộc tình chớp nhoáng. Trong vòng tay những người đẹp, tôi dần quên đi trách nhiệm với gia đình. Lúc ấy, cả những đồng tiền dành cho mấy miệng ăn, tôi chỉ dành “đốt” vào những cơn mê đắm. Và, tôi bị trừng phạt bởi chính thói buông thả, vô trách nhiệm của mình.

Ngày hôm đó, cái ngày đã ăn sâu vào trong tâm trí mà cả cuộc đời tôi không lúc nào không day dứt. Ngày 23-8-2008, chỉ một phút không kiềm chế được tình cảm của bản thân, tôi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng và mãi mãi, tôi không thể tha thứ cho mình vì tội lỗi ấy. Tôi đã phải nhận bản án chung thân của tòa tuyên vì gieo tội với Hà. Đáng sợ hơn, bản án lương tâm thì bám riết tôi từng ngày, từng tháng, từng năm.

Không hiểu tại sao tôi lại vô cảm đến vậy. Đó là hành động của một kẻ vô đạo đức, vô lương tâm. Những ngày mới bước vào Trại giam Vĩnh Quang, tôi sống trong sự đau đớn, tuyệt vọng khi nhận ra mình chẳng còn gì; chỉ còn lại những năm tháng cải tạo mà chưa biết đến ngày về. Và, có lẽ nặng nề hơn tất cả là nỗi xấu hổ ê chề trước gia đình, bạn bè, hàng xóm và đặc biệt là với vợ. Tôi - một gã chồng bạc bẽo, phụ tình. Ý nghĩ đó đã khiến giấc ngủ của tôi không bao giờ trọn vẹn. Những đêm trắng nối dài hơn sự ân hận. Ở ngoài kia, vợ con tôi và gia đình đã phải gánh chịu búa rìu dư luận. Gặp người thân mỗi lần thăm gặp, tôi gặng hỏi đến mấy thì mọi người vẫn giấu. Ai cũng cố gượng nói cười vui vẻ khiến lòng tôi như bị xát muối. Thật may là bố mẹ còn khỏe mạnh. Lần nào cũng thế, đã dặn không phải mang nhưng cả nhà lại xách theo đủ thứ; cân ruốc, lọ muối vừng, mắm tép đến bộ quần áo… Mỗi bữa ăn, nhìn thấy thức ăn quê mà tôi nhớ da diết người thân, càng xót xa. Có bận, mẹ đưa thằng cháu nội thăm bố. Thấy gương mặt bà xanh xao, tôi hỏi thì cu con nhanh nhảu đáp: “Bà vất vả sớm tối, dành dụm tiền để mua đồ cho bố”. Đang ăn dở miếng bánh mà miệng tôi đắng ngắt, khóc như một đứa trẻ trước mặt con. Tôi vừa biết ơn bố mẹ đã tha thứ vừa sượng sùng vì không đáng được hưởng ân huệ đó.

Gần 5 năm qua, nhìn lưng mẹ thêm còng, mắt bố hằn sâu những nếp nhăn, tôi chỉ biết cố gắng cải tạo, lao động thật tốt để mong được giảm xuống án có thời hạn. Chẳng biết, bố mẹ có chờ đợi được đến ngày tôi về. Tôi sẽ không vượt qua được chính mình nếu thiếu sự động viên, khích lệ của Ban giám thị trại. Biết tôi nhiều tâm tư, cán bộ quản giáo đã khơi gợi cái đẹp trong tâm hồn tôi, giúp tôi tìm lại lạc quan, sự hướng thiện. Con đường sắp tới rất dài và tôi phải bước từng bước nỗ lực”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoa Đỗ (Pháp luật & Xã hội)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN