Hủy án do vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Nhận định cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng trong khâu điều tra, truy tố và xét xử nên TAND TPHCM đã tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra về xét xử lại từ đầu.

Ngày 5-6, TAND TPHCM xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Trương Văn Mạnh (SN 1989, quê Quảng Bình) đã tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra về xét xử lại từ đầu.

Trước đó, TAND quận Tân Bình đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Mạnh 6 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Theo án sơ thẩm, đầu năm 2011, Mạnh đến hớt tóc và làm quen với chủ tiệm tên là T.Đ.H. (quê Ninh Thuận). Sáng 15-1-2011, anh H. dùng xe tay ga chở Mạnh đi đám cưới bạn anh H. tại Tiền Giang.

Tối cùng ngày, sau đám cưới, Mạnh ngủ lại phòng anh H. Lúc tắt đèn đi ngủ, Mạnh mượn điện thoại anh H. chơi game thì anh H. có hành vi quấy rối Mạnh. Mạnh phản ứng nên anh H. đi ngủ, nhưng 30 phút sau lại dùng dao khống chế y. Trong lúc giằng co, anh H. bị hai vết thương ở lưng và ngực, trong đó vết thương chí mạng ở ngực sâu 10 cm đã làm anh H. chết tại chỗ

HĐXX đồng tình với quan điểm của đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng về công tác điều tra, xét xử và truy tố khi chỉ xét xử tội cố ý gây thương tích. Theo quan điểm này, vụ án không đơn thuần là cố ý gây thương tích mà có dấu hiệu giết người, cướp tài sản.

Ngoài ra, đại diện VKSND còn dẫn ra một số điểm thiếu sót như CQĐT chưa làm rõ nơi tạm trú của Mạnh, nhân thân người ở cùng, vì sao đi đám cưới và ngủ lại nhà một người chỉ mới quen sơ sơ... cho thấy động cơ và mục đích của bị cáo có vấn đề.

Quá trình xét hỏi, Mạnh khai trong lúc giằng co với bị hại, mũi dao đâm trúng ngực Mạnh gây chảy máu và hiện tại thì “vết sẹo chỉ còn mờ mờ”. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đó là thiếu sót của cấp sơ thẩm khi chưa làm rõ tình tiết liệu có vết sẹo nào trên ngực Mạnh hay không, mờ là mờ như thế nào.

Luật sư phía bị hại còn chỉ ra rằng lúc đâm bị hại, hai tay bị cáo dính đầy máu nhưng trong biên bản thu giữ các tang vật của vụ án thì chùm chìa khóa Mạnh cầm lại không một vết máu. Vị luật sư lập luận “Phải chăng chùm chìa khóa được lấy trước khi bị cáo ra tay?”. Quá trình xét hỏi, bị cáo từ chối trả lời câu hỏi của luật sư “Tại sao chiếc điện thoại của bị hại lại nằm gọn trong túi bị cáo”.

Tại phiên tòa, Mạnh khai do anh H. cầm dao, Mạnh đã khống chế, bẻ quặt tay nạn nhân ra sau để tước dao. Tuy nhiên, bị cáo không trả lời được tước dao như thế nào để tay không bị thương?

Lời khai ban đầu của Mạnh thể hiện sau khi bỏ điện thoại vào túi quần, “hai bên giằng co, đẩy qua đẩy lại trong tư thế ngồi rồi nằm. Tôi tước được con dao, một tay cầm dao và một tay đè anh ấy xuống, vai anh H. va vào tay cầm dao của tôi, lưỡi dao đâm vào vai anh H., anh la lên cướp, cướp”.

Tuy nhiên, cáo trạng và lời khai của bị cáo tại phiên tòa lại khẳng định “hai bên giằng co trong tư thế đứng’’ vậy mà khi chủ nhà phát hiện thì xác nạn nhân có quấn mền ngang bụng. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại phân tích: “Điều này rất vô lý. Không ai có thể đứng vật lộn mà có mền quấn ngang người”.

Mạnh khai tại tòa trong lúc hai người vật lộn, mùng bị đứt nhưng biên bản hiện trường cho thấy mùng vẫn được treo từ trái sang phải. Cáo trạng thể hiện sau khi anh H. ngã quỵ, bị cáo chụp xâu chìa khóa định bỏ trốn thì bị bắt. Nhưng nếu lúc đó tay Mạnh dính máu thì vì sao xâu chìa khóa không dính máu?

Ngoài ra, vụ án xảy ra ban đêm, ánh đèn mập mờ nhưng lại được thực nghiệm hiện trường vào ban ngày với ánh sáng tự nhiên. Mùng, mền, nệm được đưa ra trong buổi thực nghiệm nhưng không được sử dụng, vị trí thực nghiệm không tương xứng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN