Hưng Yên: Nỗi ám ảnh mang tên Tú “kỷ”
Tay giang hồ Phạm Khắc Tú (tức Tú “kỷ”) cùng nhiều đệ tử thân tín bị bắt hơn 2 tháng trước, nhưng đến nay những bức xúc của người dân (Khoái Châu, Hưng Yên) về sự lộng hành, ngang ngược của băng nhóm này mới thực sự bùng nổ. Trước đây, ít người dám hé răng bởi nghe đến tên Tú “kỷ”, họ đã tự nhủ mình nên cư xử sao cho khỏi gặp họa.
Thoát án vì “bệnh hiểm nghèo” (!?)
Với nhiều người dân xã Đại Tập, Đông Ninh (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), sự kiện Phạm Khắc Tú và băng nhóm của Tú bị bắt vì liên quan đến nhiều tội danh khiến họ bàng hoàng bởi “người dân quê nói đến đánh nhau thôi tay chân đã rụng rời”.
Ngày 27/3, Cục CSHS Bộ Công an triệt phá băng nhóm côn đồ hoạt động theo kiểu xã hội đen ở Hưng Yên, do Phạm Khắc Tú (SN 1975, tức Tú “khỉ” ở xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cầm đầu.
Tú “khỉ” và đồng bọn bị bắt khi đang cưỡng đoạt 200 triệu đồng của Cty gạch Sông Hồng (ở xã Đại Tập). Tại hiện trường, cảnh sát thu giữ 1 súng K59, 14 viên đạn, nhiều dao kiếm các loại và một túi chông sắt…
Khi nhóm PV về Khoái Châu tìm hiểu mới hay, bố đẻ của Tú tên Kỷ nên người dân thường gọi hắn là Tú “kỷ”. Trước đó, nhiều tờ báo đưa tên biệt danh của Tú là Tú “ khỉ”. Tú có vợ làm thợ may và 3 con. Ngoài xe hơi Camry bạc tỷ và nhiều tiền bạc, Tú còn sở hữu một ngôi nhà khá đồ sộ tại xã Đông Ninh. Số tài sản đó tại vùng quê thuần nông được xem là mục tiêu phấn đấu của nhiều người.
Xét về “thành tích” giang hồ của Tú “kỷ” trong sổ đen của chính quyền địa phương cũng không có gì đáng kể ngoài việc bị Công an huyện Khoái Châu bắt về hành vi đánh bạc năm 2009, rồi lĩnh 9 tháng tù. Song, sau đó Tú được hoãn, rồi miễn thi hành án… Một cán bộ công an huyện Khoái Châu kể, nghe nói Tú bị “bệnh hiểm nghèo” nên được miễn án. Còn trước khi bị Cục CSHS Bộ Công an bắt, Tú khoẻ như vâm. “Nếu anh muốn biết rõ hơn Tú bị mắc bệnh gì có lẽ nên sang hỏi Toà án, Viện KSND huyện”- vị công an này nói.
Sau cú thoát hiểm như trong mơ đó, tên tuổi Tú thêm nổi trong giới cộm cán địa phương. Các đệ tử, đàn em quy tụ dưới trướng Tú “kỷ” ngày một nhiều, hình thành nên một băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Thanh thế của Tú có lúc vượt xa khỏi huyện Khoái Châu, vươn ra nhiều tỉnh, thành phía Bắc.
Sau khi đưa ổ nhóm của Tú nhập trại, đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSHS Bộ Công an cho biết, Phạm Khắc Tú cầm đầu băng nhóm nhiều đối tượng hình sự, có cả đối tượng trốn truy nã, chuyên hoạt động cờ bạc, cá độ, bảo kê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh phía Bắc. Băng nhóm Tú “kỷ” thường nhắm vào các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, khai thác cát, và các doanh nghiệp hoạt động “chui” để ép nộp tiền...
Truy sát dân, vô tình có mặt?
Theo phản ánh của người dân, băng nhóm của Tú “kỷ” đã gây ra những vụ chém người khiến dư luận nhân dân bức xúc, song cơ quan chức năng lại kết luận “không đủ căn cứ chứng minh sự liên quan của Phạm Khắc Tú”(?).
Biểu hiện của Tú trong quan hệ thôn xóm rất bình thường, không gây khó khăn gì cho địa phương. Khi Tú bị bắt quần chúng rất vui mừng. Ông Nguyễn Ngọc Quân, Bí thư Đảng bộ xã Đông Ninh |
Điển hình là vụ 3 đệ tử của Tú “kỷ” vác dao lùa một trong số những người dân tham gia “quây” ô tô của một Cty gạch gây ô nhiễm trên địa bàn. Vụ việc xảy ra ngày 27/9/2011, xuất phát mâu thuẫn do Cty gạch HK (xã Đại Tập) đốt lò gây ảnh hưởng tới hoa màu nên người dân tụ tập bao vây không cho xe gạch ra. Sau đó, một nhóm đệ tử của Tú “kỷ” mang theo dao, kiếm ra hiện trường, truy sát một người dân về tận nhà. Người dân cho rằng, chính Tú “kỷ” đã đích thân dẫn quân đi giải vây cho nhà máy gạch.
Lật lại hồ sơ vụ việc trên, trung tá Phạm Thế Tùng, Trưởng Công an huyện Khoái Châu cho biết, bị chặn xe, một người tên Hòa (ở Phú Xuyên, Hà Nội) đã điện thoại cho Nguyễn Sỹ Hòa (xã Đông Ninh) ra trợ giúp. Sau đó, Nguyễn Sỹ Hòa cùng Phan Văn Âu, Đỗ Văn Tuấn mang theo dao, kiếm xuống truy sát một người về tận nhà riêng. Chưa hả, bọn chúng hùa nhau ném gạch đá vào nhà anh này gây hư hại lớn.
Ông Tùng cho rằng, theo hồ sơ, do bị hại từ chối giám định thương tích và không yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản nên Công an huyện Khoái Châu chỉ ra quyết định xử phạt hành chính 3 đối tượng côn đồ.
“Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc nhìn thấy Tú “kỷ” ngồi trên xe ô tô 7 chỗ chở nhóm côn đồ cùng dao kiếm, Công an huyện đã mời Tú lên làm việc. Tú thừa nhận có mặt tại hiện trường, song chỉ là tình cờ đi qua. Ba đối tượng gây ra vụ việc cũng khẳng định không liên quan đến Tú” – trung tá Tùng nói. Vụ việc chìm vào quên lãng, người dân nuốt hận, Tú và đàn em “ngẩng cao đầu”.
Mở rộng điều tra vụ án Tú “kỷ”, Cục CSHS Bộ Công an đã bắt giữ nhiều đàn em của Tú “kỷ”, trong đó có 3 tay đao búa gồm Nguyễn Sỹ Hòa, Đỗ Văn Tuấn và Phan Văn Âu. Vậy, việc Tú “kỷ” chỉ tình cờ có mặt tại thời điểm 3 đàn em vác dao, kiếm rượt đuổi dân và các đối tượng không liên quan tới nhau liệu có thể chấp nhận?
Không những rượt chém dân, Nguyễn Sỹ Hòa còn dùng dao chém anh Bùi Văn Huy, công an xã Đông Ninh vì nghi ngờ anh Huy có quan hệ bất chính với vợ mình. Sau một thời gian ngắn bị tạm giam, Hòa được thả vì anh Huy rút đơn tố cáo.
Trả lời câu hỏi của PV về khả năng các bị hại đã bị đe dọa, uy hiếp tinh thần, trung tá Tùng giải thích: “Tôi mới nhận nhiệm vụ tại Công an huyện từ tháng 2/2012, thời điểm xảy ra 2 vụ việc trên tôi không trực tiếp chỉ đạo điều tra nên khó trả lời”.
Đại ca Tú ngoạn mục thoát cảnh cơm tù, đàn em rượt chém người chỉ bị xử lý hành chính! Những sự việc trên khiến nhiều người dân vẫn hoài nghi việc có một thế lực nào đó đã bao che, dung túng cho băng nhóm của Tú “kỷ” lộng hành. Và cái tên Tú “kỷ” đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn các xã Đông Ninh, Đại Tập.
(Còn nữa)