Giám đốc 'thừa kế 5.000 tấn vàng ở Mỹ' lãnh 18 năm tù

Nguyễn Minh Hiệp “tay không vốn” lập ba công ty và "nổ" sở hữu tài sản khủng tại các tổ chức tài chính quốc tế có thể tiếp vốn đầu tư cho thương nhân, từ đó lừa đảo hơn 10 tỉ đồng.

Ngày 29-9, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hiệp (sinh năm 1985) 18 năm tù, Đỗ Phú Phong (sinh năm 1974) 16 năm tù và Võ Văn Cậm Em (sinh năm 1964) 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hồ sơ thể hiện, từ năm 2018 đến năm 2019, Hiệp “tay không vốn” thành lập Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu TFF (Công ty TFF), Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Rolex (Công ty Rolex) và Công ty TNHH đầu tư tài chính HCT. Hiệp sử dụng các pháp nhân trên để cùng với Phong, Em và Nguyễn Văn Mực thực hiện các phi vụ lừa đảo.

Bị cáo Hiệp (giữa) cùng hai đồng phạm lúc chờ HĐXX nghị án. Ảnh: H.YẾN

Bị cáo Hiệp (giữa) cùng hai đồng phạm lúc chờ HĐXX nghị án. Ảnh: H.YẾN

Cụ thể, khi biết ông TSH (Giám đốc bán hàng khu vực Châu Á Công ty Glocal Green) và ông PHN (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hữu Nghị Toàn Cầu) đang cần nguồn vốn lớn để kinh doanh, Hiệp tự nhận có khả năng giúp đỡ.

Hiệp tung các giấy tờ giả mạo như: Hối phiếu (Bankdraft), chứng nhận sở hữu tài sản, di sản thừa kế có giá trị hàng triệu đến hàng tỉ USD, các hình ảnh số lượng lớn tiền USD. Kèm theo đó là “nổ” có mối quan hệ với các cán bộ cấp cao trong cơ quan nhà nước để các bị hại tin tưởng.

Hai ông H và N tin Hiệp có khả năng tài chính lớn khi ký kết các Hợp đồng hợp tác kinh doanh và chuyển giao tiền gọi là chi phí mở cổng thanh toán để chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. Từ đó bị Hiệp cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định Phong đã cung cấp bản Hối phiếu (Bankdraft) giả của Ngân hàng HSBC cho Hiệp để làm công cụ, phương tiện lừa đảo ông H, chiếm đoạt số tiền hơn 7,4 tỉ đồng. Phong đã nhận được gần 1,3 tỉ đồng từ Hiệp.

Ngoài ra, Phong còn cung cấp các tài liệu giả là Giấy Chứng nhận sở hữu 5.000 tấn vàng, trị giá 10 tỉ USD, tại Ngân hàng Citibank of New York; làm giả Giấy ủy quyền cho Công ty HCT để Hiệp sử dụng lừa đảo chiếm đoạt của Công ty Hữu Nghị Toàn Cầu số tiền hơn 3,3 tỉ đồng.

Còn Em đã cùng Hiệp gặp gỡ, đưa ra thông tin giả tạo là kế toán trưởng của Công ty TFF, soạn thảo hợp đồng và giúp sức cho Hiệp sử dụng tài khoản cá nhân của mình để tiếp nhận hơn 6,5 tỉ đồng của ông H. Sau đó, thực hiện theo yêu cầu của Hiệp, rút và chuyển tiền sang các tài khoản khác đưa cho Hiệp chiếm đoạt.

Ngoài ra, Mực có hành vi giả mạo là cán bộ của “Ban Kế hoạch Tài chính Trung ương" làm cho bị hại tin tưởng ký hợp đồng tư vấn cho thuê số dư 30.000 USD với Mực.

Mực còn giúp sức cho Hiệp, Em, đứng tên là Phó giám đốc Công ty TFF làm cho các bị hại tin tưởng hơn khi tiếp xúc và đi đến ký tiếp Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TFF do Mực đại diện. Sau đó chuyển số tiền tổng cộng hơn 7,4 tỉ đồng theo yêu cầu của Hiệp để chiếm đoạt.

Mực được Hiệp hứa cho hưởng 0,5% và chiếm đoạt là 100 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Ngày 5-7-2021, Mực chết tại Khu điều trị dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 của Trại tạm giam T30 nên được đình chỉ điều tra.

Nguồn: [Link nguồn]

Hai đứa con kéo mẹ đẻ vào đường dây giả danh công an gọi điện lừa đảo

Phạm Hương Liên và Dương Mai Nam đã lôi kéo mẹ ruột cùng đồng phạm tham gia nhận và chuyển tiền lòng vòng giúp nhóm đối tượng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, gọi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN