Dựa vào “nhân chứng giả” để xét xử?
Các hàng xóm có đất giáp ranh phần đất tranh chấp đều khẳng định không hề thấy có người đến thuê đất trong bốn năm 1975-1979 như hai cấp tòa sơ, phúc thẩm kết luận.
Năm 2000, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu Thủy (ngụ xã Phước Thạnh, Gò Dầu, Tây Ninh) tranh chấp đất mảnh đất rộng hơn 5.500m2 với người chú ruột của bà Thủy là ông N.V.C.
Theo vợ chồng bà Thủy thì đây là đất của cha bà để lại. Trước đây, từ năm 1945, ông bà nội đã cho cha bà mảnh đất này. Sau giải phóng, cha bà canh tác đất này ổn định. Đến năm 1988, cha của bà mất, vợ chồng bà tiếp tục canh tác. Năm 1993, chồng bà có đi kê khai đăng ký đất. Đến năm 2000, ông C vào đất này tranh chấp và trồng nhãn. Vì ông C có nhiều con đã lớn cùng ra “yểm trợ” nên vợ chồng bà không dám đối đầu. Vợ chồng bà viết đơn khiếu nại ra địa phương, nhiều lần địa phương hòa giải không thành nên vụ việc được chuyển đến tòa huyện.
Vợ chồng bà Thủy trên mảnh đất tranh chấp từ năm 2000 đến nay. Ảnh: H.Minh
Năm 2007, TAND huyện Gò Dầu xử sơ thẩm cho ông C thắng kiện vì cho rằng đây là đất của ông C được cha mẹ cho từ năm 1945, đến năm 1996 thì cha bà Thủy tự lấn chiếm, đến năm 1998 thì ông C lấy lại để trồng nhãn. Vợ chồng bà Thủy kháng cáo và nêu rõ cha bà đã mất từ năm 1988 thì không thể có chuyện tự lấn chiếm đất ông C vào năm 1996 được. Mặt khác, không có ai trong gia đình làm chứng cho việc ông bà nội của bà đã cho ông C phần đất này, trong khi cha bà đã sử dụng đất ổn định từ năm 1975 cho đến khi mất.
Năm 2008, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm và vẫn xác định năm 1996, cha bà Thủy tự lấn chiếm đất, sau đó có hứa trả lại đất cho ông C.
Năm 2009, hai bản án sơ, phúc thẩm nói trên đã bị viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Quyết định kháng nghị nêu rõ: Ông C khai đất do cha mẹ cho nhưng ông không có tài liệu chứng minh. Bà Thủy cho rằng ông C tự chiếm đất cũng chưa được làm rõ. Tòa án hai cấp sơ, phúc thẩm chưa xác minh rõ tại sao ông C và con ông quản lý, sử dụng, trồng cây lâu năm trên đất ấy mà lại không kê khai, đăng ký.
Đồng tình với những nhận định của bản kháng nghị, TAND Tối cao đã hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, cho rằng hai bản án bác yêu cầu đòi đất của vợ chồng bà Thủy là chưa đủ cơ sở, cần phải thu thập xác minh thêm chứng cứ về thời gian sử dụng đất của cha bà Thủy đối với phần đất này để làm căn cứ xét xử.
Sau đó, hai lần TAND huyện Gò Dầu đình chỉ giải quyết vụ án và cả hai lần đều bị TAND tỉnh Tây Ninh hủy quyết định đình chỉ và yêu cầu tòa sơ thẩm tiếp tục giải quyết
Đến cuối năm 2014, TAND huyện Gò Dầu mới mở lại phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa lần này, tòa cho rằng theo lời khai của một người thuê đất tên Nguyễn Hồng Cường thì ông này thuê đất của ông C từ năm 1975 đến 1979 nên có cơ sở xác định thời điểm này ông C là người trực tiếp quản lý phần đất trên. Cuối tháng 3.2015, TAND tỉnh Tây Ninh đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vợ chồng bà Thủy tiếp tục khiếu nại giám đốc thẩm. Nhiều hàng xóm giáp đất với vợ chồng bà đã có giấy xác nhận xin địa phương chứng thực với nội dung như sau: Từ sau giải phóng đến năm 2000, họ chỉ thấy cha bà Thủy rồi đến vợ chồng bà Thủy canh tác phần đất này, không hề có ông Cường nào thuê đất ở đó như hai cấp tòa sơ, phúc thẩm xác định cả.
Theo Hồng Minh/Pháp luật TP.HCM