Đơn xin ân xá của tử tù giết 2 phụ nữ

Biết chị Lan đã chết, hắn định dở trò bẩn thỉu, nhưng thấy chị Lan đang có kinh nguyệt nên thôi.

Trên tay chúng tôi là lá đơn xin ân giảm án tử hình của tử tù Lê Minh Hiếu, 30 tuổi (tên thường gọi: Ty, Sang), viết từ Trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Chủ tịch nước xin tha tội chết.

Lá đơn viết khúc triết, nét chữ đẹp, dễ đọc, chứng tỏ người viết có văn hóa. Nhưng nội dung lá đơn thì hoàn toàn trái ngược, kẻ gây ra tội ác tự nhận mình là kẻ "không được đi học", hoàn cảnh gia đình éo le, không được dạy dỗ từ nhỏ nên phạm tội theo "bản năng"...

Hỏi ra mới biết, hắn không biết chữ thật, lá đơn do người khác viết hộ. Song dù cái bản năng "con" trong con người hắn lớn đến cỡ nào, thì cũng không biện minh được tội ác tày trời mà hắn gây ra cho đồng loại. Chính vì vậy, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã có tờ trình Chủ tịch nước bác đơn ân giảm hình phạt với Lê Minh Hiếu.

Đúng là, hoàn cảnh của hắn khá đặc biệt, chưa lọt lòng, cha hắn đã bỏ đi biệt tích. Đến năm 3 tuổi, mẹ hắn cũng đi đâu không rõ, để lại hắn cho bà ngoại ở xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nuôi dưỡng. Nhờ bà ngoại, hắn cũng được ăn học để biết nghề lái xe, cho dù không biết chữ. Do thiếu tình cảm chăm sóc, dạy dỗ của bố, mẹ ngay từ nhỏ; nên khi trưởng thành, hắn như một con thú hoang, không chịu tu chí làm ăn bằng nghề nghiệp đã được đào tạo mà bỏ nhà đi "bụi" triền miên. Dĩ nhiên, để có tiền tiêu xài, hắn phải trộm cắp, cướp giật. Trong một lần như vậy, hắn bị bắt và bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phạt 8 năm tù giam.

Ra tù, đã chững tuổi, những tưởng hắn sẽ tu chí làm ăn. Nhưng tính hoang dã, lười lao động trong con người hắn vẫn không thay đổi. Hắn tiếp tục sống lang thang nay tỉnh này, mai tỉnh nọ, để rồi, trong hơn một tuần lễ, hắn đã gây ra 2 vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hai người phụ nữ vô tội.

Hôm đó là một ngày cuối tháng 9, hắn dắt theo người một con dao, đi bộ từ thị trấn Phước Bửu về huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tới chiều, hắn vào quán cà phê "Tình quê" tại ấp Thanh An, xã Láng Dài để uống nước và nằm nghỉ trên võng trong chòi lá của quán. Khi uống nước, hắn quan sát thấy quán chỉ có một mình chị Huỳnh Thị Tú Lan nên nảy sinh ý định giết chị Lan để cướp tài sản và hiếp dâm.

Thấy chị Lan đi ra sau quán đổ rác, hắn đi theo bóp cổ và rút dao đe dọa chị Lan. Chị Lan chống cự, đạp mạnh vào người hắn. Thì hắn như con thú điên vung dao đâm liên tiếp và bóp cổ chị Lan cho đến chết. Biết chị Lan đã chết, hắn định dở trò bẩn thỉu, nhưng thấy chị Lan đang có kinh nguyệt nên thôi. Trước khi đi, hắn cướp của nạn nhân 2 chiếc nhẫn vàng có đính hột đá, 1 điện thoại di động Nokia.

Không một chút hối hận, không một chút mảy may lo sợ về tội ác giết người. Tám ngày sau, hắn lại từ TP HCM về thị xã Bà Rịa và đi bộ đến quán cà phê "Cây điệp" ở phường Long Hương để uống cà phê. Trong lúc nằm nghỉ trên võng trong chòi lá của quán, thấy chỉ có một mình chị Nguyễn Thị Nhành trông coi quán. Hắn lại nảy ý định giết chị Nhành để cướp tài sản và hiếp dâm.

Thực hiện âm mưu này, hắn thủ sẵn một viên gạch. Lợi dụng chị Nhành đi vào trong nhà, hắn dùng gạch đập vào đầu chị Nhành làm chị choáng. Chị Nhành van xin, bảo hắn muốn lấy gì thì lấy. Sau khi lấy của chị 3 chiếc nhẫn, hắn đẩy chị Nhành vào nhà tắm thực hiện hành vi thú tính. Mặc dù chị Nhành không có ý định chống lại, nhưng sau khi lục soát không tìm thêm được tài sản gì, hắn điên tiết dùng gạch đập vào đầu chị Nhành và siết cổ chị Nhành cho đến chết. Sợ chị chưa chết hẳn, hắn còn bồi thêm 2 nhát dao vào cổ chị...

Gây án xong, hắn đón xe lên TP HCM sống lang thang. Sau đúng một tuần gây ra vụ án thứ hai, hắn bị bắt. Hai cấp Tòa sơ thẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đều tuyên án tử hình đối với Lê Minh Hiếu.

Khi tử tù Lê Minh Hiếu có đơn xin ân giảm án tử hình, TAND Tối cao đã có tờ trình gửi Chủ tịch nước. Quan điểm của TAND Tối cao là: Không thể dung thứ cho tội ác của Lê Minh Hiếu. Cùng một lúc hắn đã phạm 3 tội, trong đó có tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là "giết người". Hành vi của hắn mang tính côn đồ, tái phạm nguy hiểm. Do đó, việc loại bỏ hắn ra khỏi xã hội là cần thiết, đúng pháp luật.

Về góc độ xã hội, tuổi thơ của Lê Minh Hiếu cũng khá thiệt thòi. Nhưng cũng biết bao nhiêu thanh niên khác có hoàn cảnh như vậy, thậm chí còn hơn vậy (bị tàn tật bẩm sinh, bị bệnh hiểm nghèo...) nhưng bằng nghị lực, bằng tình yêu lao động, bằng trách nhiệm với xã hội, bằng lòng tự trọng, tự khẳng định bản thân đã nỗ lực, vượt lên trên số phận để mưu sinh, lập nghiệp.

Vì vậy, Lê Minh Hiếu không thể vì "hoàn cảnh", vì "sự thiếu giáo dục" mà có thể cho mình cái quyền tước đi quyền được sống của người khác... Vì vậy, việc loại bỏ tên tội phạm này vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa mang tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Pháp luật đã cách ly hắn khỏi xã hội một lần để giáo dục cải tạo hắn; nhưng ra tù hắn vẫn "chứng nào tật ấy", gây ra tội ác đặc biệt nghiêm trọng. Bây giờ, những dòng chữ này trong đơn xin ân giảm cũng khó lòng cứu được hắn: "Từ lúc mới sinh ra, bố tôi đã bỏ đi biệt tăm, đến 5 tuổi thì mẹ chết. Tôi phải sinh sống cùng bà ngoại... Không được đi học, vì vậy không am hiểu gì về pháp luật cũng như không được sự dạy dỗ của cha mẹ về đạo đức sống trong xã hội... cho nên hành động phạm tội của tôi không xuất phát từ nhận thức mà chỉ hành động theo bản năng... Tôi thấy hối hận về hành động của mình đã gây ra đau thương lớn lao cho người khác, gánh nặng cho xã hội. Tôi xin hứa khi được ân giảm án tử hình bản thân sẽ cố gắng cải tạo tốt. Sống có ích cho đến cuối đời còn lại".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Minh Khoa (Công An Nhân Dân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN