Điệp viên xinh đẹp và liều lĩnh (Kỳ 4)

Sau cuộc phiêu lưu tình ái với "chàng" thua 20 tuổi, Mata làm điệp viên cho cả Pháp và Đức vì... tiền.

Người tình thua 20 tuổi

Với mong muốn trở lại Paris nhưng vì tình hình an ninh đang quá căng thẳng, Mata Hari lại bị các sỹ quan Pháp nghi ngờ là gián điệp của Đức khiến cô trở nên giận dữ và khó chịu. Đặc biệt từng động thái của Mata Hari đều bị theo dõi càng khiến cô thêm phần chán nản.

Paris từ lâu được coi là thành phố của sự lãng mạng và cũng là nơi Mata Hari gặp gỡ tình yêu cả đời của cô. Đó chính là một sĩ quan người Nga tên Vladmir Masloff, thường được gọi là “Vadim”. Chàng trai này mới chỉ 21 tuổi khi gặp “nàng” Mata Hari, lúc này đã 40 tuổi. Mái tóc đen và chiếc mũi nhọn, dài, Vadim đẹp trai và dáng người nhỏ nhắn, trông như nghệ sĩ của một dàn nhạc. Mối tình đầy lãng mạng và đam mê là quãng thời gian ý nghĩa nhất của cuộc đời Mata Hari. Dù Vadim chỉ tầm tuổi con của Mata nhưng chàng trai này đóng vai trò hết sức quan trọng về đời sống tình cảm của cô. Có lẽ bản ngã của Vadim đã bị hoàn toàn đánh gục bởi người phụ nữ nổi tiếng, xinh đẹp và thông minh, người được rất nhiều đàn ông giàu có và quyền lực ngưỡng mộ.

Điệp viên hai mang cho cả Đức và Pháp: Vì tiền

Nhưng cô có trở thành điệp viên hay không, mà nếu có thì là của ai, khi nào, cô có cung cấp được cho các ông chủ những nguồn tin quý báu hay không, hay là cô chỉ ghi danh vào “cơ quan điệp vụ” và nhận tiền của họ?

Thực sự Mata Hari là ai? - điệp viên, kẻ phiêu lưu, hay nạn nhân của toà án bất công? Nếu có người hỏi: “Cô làm việc cho ai?" thì cô có thể thành thật trả lời rằng “Cho chính mình”, và như thế cũng không xa sự thật là mấy.

Một cách lý giải cho rằng Mata Hari là điệp viên của Đức một thời gian dài trước chiến tranh, năm 1914, ngay sau khi ly dị, khi cô đang rất cần tiền, dù chỉ là những khoản nhỏ. Phụ họa cho cách lý giải này là sự kiện cô đã mang biệt danh H-21, trong đó chữ cái “H” là biệt danh chung của các điệp viên thời trước chiến tranh (những người hoạt động ngay sau khi bắt đầu chiến tranh có mã số AP). Ngoài ra, không hề có các bằng chứng nào khác. Cũng không hề có thông tin gì nói rằng đã có những bí mật của Pháp trước chiến tranh bị rò rỉ sang Đức.

Một cách lý giải khác: Tháng 7/1914, mấy tuần trước khi bắt đầu đánh nhau, Mata Hari đã rời Paris sang Đức. Vào ngày tuyên bố chiến tranh người ta thấy cô ngồi ăn sáng với trùm cảnh sát Berlin. Sau này người ta vin cớ đó để khẳng định rằng anh chàng này đã tuyển mộ được cô. Bản thân Mata Hari giải thích rất đơn giản. Trước toà cô nói: “Tại Đức cảnh sát có quyền kiểm duyệt quần áo của nhà hát. Người ta bảo tôi ăn mặc hở hang quá. Ông cảnh sát trưởng đã đến xem xét và thế là chúng tôi quen nhau”.

Cũng có một cách lý giải khác cho rằng Mata Hari được tuyển mộ trong thời kỳ chiến tranh bởi một tuỳ viên quân sự Đức ở Madrid là Hans fon Kalle, mà cô là người tình trong một thời gian. Cách lý giải này gần giống với sự thật, bởi vì về sau chính từ Madrid xuất hiện một bản tin mật mang tai họa đến cho Mata Hari. Hơn nữa, người ta còn kể rằng tham gia vào việc tuyển người này còn có đô đốc tương lai Canaris, lúc này ông mới là một thuyền trưởng khiêm tốn của một chiếc tàu ngầm, nhưng nhiều năm sau ông là người lãnh đạo ngành tình báo quân sự của nước Đức Hitler. Khi các bạn bè hỏi về sự kiện này ông chỉ cười trừ không đáp. Một số người khẳng định rằng chính nam tước Fon Mirbakh đã tuyển chọn cô ở Madrid. Tuyển chọn xong cô đã nhận một khoản tiền lớn.

Mata Hari lúc nào cũng cần tiền: cô luôn luôn bội chi. Nhưng lấy tiền ở đâu? Cô đã chấp nhận một quyết định ngược đời và tai họa: “Nếu tình báo Đức đã dễ dàng cho ta một khoản tiền lớn, thì tại sao lại không đòi hỏi cả tình báo Pháp nữa?”.

Mata Hari đến gặp người chỉ huy phản gián, đại uý Liadu, với lý do cô cần giấy thông hành đi đến thành phố sát mặt trận Vittel, là nơi ông Thị trưởng đã mời cô từ lâu, hơn nữa, cô cũng cần tới đó điều trị một đợt.

Cô đã thương lượng được với đại uý Liadu và bắt đầu phục vụ cho tình báo Pháp, mà không hề nói rằng cô làm cho tình báo Đức. Cô nhận được nhiệm vụ đầu tiên đi Tây Ban Nha, sau đó đi Bỉ.  

Khi chia tay, đại uý Liadu đã cố ý nhắc nhở cô rằng đừng bao giờ làm việc cho cả hai mặt trận, cần chọn lấy một, nếu không thì kết cục sẽ rất xấu. Mata Hari trả lời bằng một câu bóng bẩy theo kiểu Phương Đông, đại ý rằng cô sẽ phục vụ tình báo Pháp bằng tấm lòng trung thành và bằng sự thực.

Để cho Mata Hari đi Tây Ban Nha, Liadu đã hành động gần như chắc chắn: Tình báo Pháp đã biết được mật mã mà tuỳ viên quân sự Đức đã dùng để liên lạc với Bộ Tổng tham mưu ở Berlin.

Cuộc đời của Mata Hari tiếp tục thế nào? Mời các bạn đón đọc Điệp viên xinh đẹp và liều lĩnh (Kỳ 5) vào SÁNG SỚM ngày 20/1/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Tân (Theo Trutv) ([Tên nguồn])
Điệp viên xinh đẹp và liều lĩnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN