Đằng sau vụ đột kích vũ trường đất cảng

Sự kiện MOS Club (MOS) bị Công an Hải Phòng đột kích ngày 29/6 và bắt giữ được nhiều tang vật liên quan tới ma túy không khiến người dân địa phương ngỡ ngàng. Bởi lẽ, từ lâu MOS trong vỏ bọc phòng trà đã là nơi ăn chơi khét tiếng của những thanh niên thành phố Cảng. Dư luận đặt nghi vấn, nếu không có sự bao kê, liệu MOS có dễ dàng qua mặt các cơ quan hữu quan?

Phòng trà hóa vũ trường

Theo hợp đồng hợp tác số 01/HTKD- VHTTTN ký ngày 09/09/2010 giữa Cung VHTTTN (Cung văn hóa) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Văn hóa Việt (VHV), bên Cung văn hóa sẽ cho đối tác VHV thuê diện tích mặt bằng trong khuôn viên là 1.000m2, thời hạn 5 năm.

Diện tích mà ông Tạ Quang Thanh- nguyên Giám đốc Cung văn hóa đứng ký cho VHV thuê vốn là nhà thi đấu thể thao tiêu chuẩn quốc tế phục vụ Đại hội Thể thao châu Á lần 3. Sau khi ký kết hợp tác, tận dụng mặt bằng này, VHV nâng cấp, cải tạo thành vũ trường và xin cấp phép chứng nhận đầu tư để hoạt động kinh doanh, sinh hoạt văn hóa, thể thao, biểu diễn ca múa nhạc, thời trang.

Tháng 12/2011, sau khi công trình hoàn thiện, MOS Club bắt đầu đi vào hoạt động. Cũng từ đây, chân tướng phòng trà hóa vũ trường của MOS bị lộ diện khi đêm đêm, dân chơi tụ tập kéo nhau vào đây để “bay”.

Kể từ ngày hoạt động, lực lượng an ninh khu vực và các ngành chức năng quận Ngô Quyền đã bắt được hai vụ buôn bán ma túy đá, ketamine, thuốc lắc của một nhóm đối tượng bán trước cửa MOS phục vụ dân chơi vào “nghe nhạc”. Để rồi sự cố này lên đến đỉnh điểm khi cái chết của DJ Mỹ Quyên khiến bao người lo ngại về sự phức tạp của nó.

Đằng sau vụ đột kích vũ trường đất cảng - 1

Các đối tượng bị tạm giữ sau khi Công an đột kích MOS. Ảnh: TG

Trước tình hình phức tạp trên, Cung văn hóa đề ra lịch họp hàng tháng với các đối tác, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định đã nêu trong hợp đồng, đặc biệt vấn đề đảm bảo an ninh, chính trị, văn hóa lành mạnh. Ràng buộc nêu rõ, đối tác sử dụng mặt bằng kinh doanh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung hoạt động của mình trước pháp luật. Phớt lờ quy định và những cam kết đã ký với Cung văn hóa, MOS vẫn ngang nhiên làm những gì mình muốn.

Trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập, quyền Giám đốc Cung văn hóa cho biết, hiện tại đã có văn bản yêu cầu MOS ngừng hoạt động do vi phạm điều khoản đã cam kết và nội quy hoạt động. Ông Lập khẳng định, giấy phép hoạt động của MOS là phòng trà chứ không phải vũ trường.

Chính quyền ngỡ ngàng, người dân bức xúc

Lý giải về sự bất thường của một vũ trường đội lốt phòng trà, một lãnh đạo của Sở VH,TT&DL Hải Phòng cho hay: “Chúng tôi chỉ được biết, MOS Club đã có giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, chưa được cấp giấy phép hoạt động vũ trường. Chúng tôi tuyệt đối không cho phép hoạt động vũ trường, quán bar tại MOS Club. Nếu chủ đầu tư cố tình làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Đằng sau vụ đột kích vũ trường đất cảng - 2

Các "dân chơi" được đưa về để phân loại, thử phản ứng với ma túy sau khi vũ trường bị 300 cảnh sát đột kích (ảnh: NLĐ).

Trước đó, giữa năm 2011, khi công trình MOS đang trong giai đoạn hoàn thiện, đích thân ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã “vi hành” tận Cung văn hóa và kinh ngạc, bất bình trước công trình đồ sộ kiểu vũ trường, không phù hợp với nơi dành cho hoạt động thể thao, văn hóa quần chúng. Theo đó, ông Thành đã yêu cầu các cơ quan chức năng cho dừng ngay việc cải tạo này, trả lại cảnh quan cũ cho Cung văn hóa. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, chỉ sau thời gian ngắn ngừng thi công, MOS vẫn tiếp tục hoàn thiện và đi vào hoạt động (?!).

Mặc dù giấy phép do Sở VH,TT&DL Hải Phòng cấp chỉ hoạt động phòng trà, ca nhạc, nhưng không hiểu sao MOS Club vẫn ngang nhiên biến thành sàn nhảy. Dư luận địa phương cho rằng đã có sự bảo kê, thiếu trách nhiệm của những đơn vị liên quan khi để cho MOS biến phòng trà thành vũ trường. Bởi lẽ, nếu không có sự bảo kê, liệu “con voi có thể chui lọt lỗ kim?”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Đăng Thuỳ (giadinh.net.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN