Đã trên 60 tuổi, có nên níu kéo?
Hơn 30 năm kết hôn, đã trên 60 tuổi, họ ra tòa chỉ vì những mâu thuẫn hằng ngày chất chứa trong lòng.
Người đàn ông ăn mặc lịch sự, quần áo chỉn chu ngồi bên trái hàng ghế đầu phòng xử. Ông là nguyên đơn của vụ ly hôn. Ngồi bên phải là vợ ông, người bạn đời đã đi cùng ông 32 năm. Giữa họ được ngăn cách bởi 2 chiếc giỏ xách nằm cạnh nhau…
Không hạnh phúc
Ông và bà cưới nhau năm 1976, khi cả 2 vừa tròn 21 tuổi. Với số vốn liếng cha mẹ cho, bà làm nghề buôn bán còn ông làm tài xế cho những chuyến xe đường dài. Những ngày chồng đi vắng, bà và mẹ chồng thường phát sinh mâu thuẫn. “Lái xe đường dài mệt mỏi, về đến nhà lại bị mẹ mắng như tát nước vào mặt vì con dâu hay cãi lời.
Năn nỉ vợ chín bỏ làm mười để hòa hợp với cuộc sống mới nhưng sự việc vẫn tiếp diễn khiến tôi mệt mỏi. Năm 1982, tôi từng đơn phương ly hôn nhưng không được chấp nhận. Từ đó, cuộc sống vợ chồng trôi qua trong chán nản, bức bối...” - ông cho biết.
Đồng tạo lập những tài sản trong gia đình nhưng ông không được bà tôn trọng trong nhiều quyết định. Mỗi ngày, bà phát cho ông vài chục ngàn tiền xăng, cà phê, thuốc lá. Sống trong căn nhà của mình nhưng ông cảm thấy ngột ngạt vì không được thể hiện vai trò của một người chồng, người cha. Bà thường chửi mắng, chì chiết ông trước đám đông khiến ông bẽ mặt với bạn bè.
Mỗi khi ông ra ngoài với người này thì bà nói đi đánh đề, với bạn khác thì bà nói đi cá độ, vợ chồng lại cãi nhau. Chán nản, ông bỏ vào chùa sống. Năm bữa, nửa tháng bà lại đến kêu ông về. “Có lần bả còn la hét, quậy chốn chùa chiền, nói tôi yêu người này người nọ, thử hỏi làm sao tôi chịu được?” - ông lắc đầu ngao ngán.
Sau lần đó, ngại ảnh hưởng đến các sư ở chùa, ông lặng lẽ dọn về nhà sống, cố gắng nhẫn nhịn và làm tròn vai trò của người đàn ông trong gia đình. Thế nhưng, có những ngày ông đau ốm triền miên, bà cũng không thèm nhìn ngó, chăm sóc.
Ông lại đòi ly hôn, bà không đồng ý, nhiều lần phường tiến hành hòa giải. Lần cuối cùng, ông quyết định nhờ tòa án can thiệp là sau hôm bà vác dao rượt ông chạy vòng vòng khắp xóm... Trước khi tòa thụ lý vụ án, ông quyết định dọn ra ở trọ với tài sản duy nhất là chiếc xe máy.
Không cho ly hôn
Xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Đức - TPHCM bác yêu cầu xin ly hôn của ông. Không đồng tình, ông tiếp tục kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét cho ông được chấm dứt với cuộc hôn nhân không hạnh phúc này. “Tôi không thiết tha với cuộc sống vợ chồng, sao không chịu giải thoát cho tôi?” - ông thở dài nói.
Được mời lên, bà trình bày: “Mặc dù không còn chung sống nhưng mỗi tháng tôi vẫn chu cấp cho ông vài triệu đồng đổ xăng, uống cà phê. Chưa kể, tôi còn trả nợ rất nhiều vì ông đánh đề. Mong muốn của tôi trong cuộc hôn nhân này là hạnh phúc. Tôi chỉ muốn ông trở về nhà, phụ tôi dọn dẹp nhà cửa, chở cháu nội đi học và lúc rảnh rỗi thì cùng nhau đi chùa, vậy là hạnh phúc rồi...”.
Bà cho rằng những chứng cứ mà luật sư của ông đưa ra nhằm yêu cầu tòa giải quyết ly hôn là không có căn cứ. “Luật sư là người ngoài, không thể cảm nhận được mái ấm gia đình tôi đang bên bờ vực thẳm...” - bà phân bua.
Nghe đến đây, ông bức xúc cắt ngang: “Bây giờ, tôi không còn tình cảm với bà nữa, tôi muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này, tôi quá mệt mỏi bởi cách sống tính toán, đối xử tệ bạc của bà. Khoảng thời gian qua đối với tôi như sống trong địa ngục trần gian. Tôi chỉ muốn giải thoát và không đòi phân chia bất kỳ phần tài sản nào, kể cả ngôi nhà bà đang ở. Tôi cần có cuộc sống riêng của mình”.
Mặc dù ông kiên quyết như thế nhưng sau khi nghị án, HĐXX đã bác yêu cầu xin ly hôn của ông với nhận định: “Vợ chồng sống với nhau cả đời, trong cuộc sống nảy sinh những mâu thuẫn là điều tất yếu, điều quan trọng là cả hai phải biết nhường nhịn và dìu dắt nhau qua những khó khăn, bất đồng quan điểm. Vả lại, mâu thuẫn mà nguyên đơn trình bày là không nghiêm trọng, cả hai cố gắng hoàn thiện để nắm lấy hạnh phúc”.
Rời phòng xử, 2 vợ chồng họ lại lớn tiếng với nhau. Ông tuyên bố nếu bà vẫn khăng khăng giữ ý định níu kéo, một năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục làm đơn xin ly hôn.
Tình cảm vợ chồng đã không còn, gương đã vỡ, liệu cuộc sống chung của họ có thể nào hạnh phúc?