Chuyện về những gia đình liệt sỹ Công an hy sinh trong cuộc chiến với tội phạm ma túy

Sự kiện: Tin pháp luật

Giữa thời bình, vẫn có những cuộc chiến đấu rất khốc liệt với tội phạm ma túy để bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân. Trong những trận đấu quyết tử ấy, có những chiến sỹ Công an đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ và những nỗi đau thật khó nguôi ngoai cho những người đồng đội.

Mùa xuân năm 2010, trong trận quây bắt đối tượng trùm ma túy có lệnh truy nã Vàng A Khua tại bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình), 3 đồng chí cán bộ Công an Hòa Bình đã ngã xuống dưới làn đạn hung hãn của tên tội phạm. Trong số 3 cán bộ đó, có liệt sỹ Sùng A Trư đã để lại giọt máu của mình trong cơ thể người vợ trẻ. Thay anh, chị tiếp tục đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an huyện Mai Châu, vừa làm mẹ, vừa làm bố cho cháu bé Sùng Hà Sơn năm nay đã 8 tuổi…

Tôi gặp được ngay Hà Thị Thủy, cán bộ Công an huyện Mai Châu, vợ của liệt sỹ Sùng A Trư trên hội trường của đơn vị. Cô gái 23 tuổi năm ấy giờ đã chững chạc hơn nhiều, chị cười nhiều hơn nhưng tôi vẫn nhận thấy được vị chát của nước mắt dù chị đang cố giấu tận đáy lòng. Khi anh Sùng A Trư hy sinh, Thủy mới có thai được khoảng 1 tháng. Mặc dù chưa đi khám nhưng Thủy vẫn cảm nhận được mầm sống trong cơ thể mình. Khi nhắn tin cho chồng ở trận đánh định mệnh ấy, Thủy bảo: “Anh giữ gìn sức khỏe để về với vợ, với con…”. Nhưng Trư đã lao vào trận chiến đấu và đã không trở về nữa.

Chuyện về những gia đình liệt sỹ Công an hy sinh trong cuộc chiến với tội phạm ma túy - 1

Vợ liệt sỹ Sùng A Trư vừa làm mẹ, vừa làm bố nuôi dạy con lớn khôn.

Khi nhận được tin  Sùng A Trư hy sinh, Thủy ngất lên ngất xuống. Mọi người định tiêm thuốc trợ lực nhưng Thủy nhất định ngăn lại, bởi linh tính cho Thủy cảm nhận sắp được làm mẹ, chị ko muốn mũi thuốc ảnh hưởng đến thai nhi.

Hết ngày này qua ngày khác, Thủy cứ khóc chồng, nước mắt như dòng suối chảy qua bản làng của chị. Lúc nào Thủy cũng chuẩn bị sẵn một ba lô quần áo. Trong đầu chị nung nấu ý nghĩ, nếu lúc nào anh Trư về gọi, là chị xách ba lô lên đường theo anh.Rồi khi người nhà đưa chị xuống bệnh viện khám do quá yếu, các bác sỹ phát hiện chị có thai. Chị đã gắng gượng để nuôi dưỡng mầm sống trong cơ thể. Chồng mất, từ 41kg, chị sụt xuống 37kg, sau đó mới nhỉnh lên được 5kg thì sinh em bé.

Ơn giời, cháu Sơn cũng được 3,3 kg. Sau khi sinh bé Sơn, chị Thủy vẫn mất ngủ triền miên, trong giấc ngủ chập chờn, nhiều đêm chị vẫn thấy hình bóng của chồng. Rồi chị uống thuốc ngủ, từ 1 viên, rồi tăng dần liều lượng, cho đến khi chị cảm giác như cơ thể teo dần vì tác hại của thuốc. Tay chị gầy guộc, ẵm bé Sơn mà run run. Lúc đó, chị như bừng tỉnh, chị nghĩ rằng, chị phải vững lên vì chính giọt máu để lại của anh Trư.

Khi con còn bé, Thủy vẫn giấu con chuyện về người bố Sùng A Trư. Ngày bé Sùng Hà Sơn hơn 2 tuổi, con hay sang nhà hàng xóm chơi. Thấy chị bé nhà hàng xóm gọi bố, bé Sơn cũng gọi bác hàng xóm là bố.

Một lần, chị bé bảo: “Đây là bố chị, chứ có phải bố Sơn đâu mà Sơn gọi”. Thế là thằng bé chạy về nhà, òa khóc hỏi mẹ : “Mẹ ơi, bố Sơn đâu? Sơn gọi bố chị là bố mà chị không cho”. Thủy chỉ biết khóc thương con. Nghĩ con còn quá nhỏ, chưa thể hiểu được sự hy sinh của người bố nên Thủy bảo con: “Bố con là cán bộ Công an, đang đi công tác xa. Khi nào xong nhiệm vụ, bố Sơn sẽ về”. Bé Sơn cũng tin là thế.

Rồi khi bé vào mẫu giáo. Một lần, cô giáo cho cả lớp giới thiệu về gia đình. Các bạn thường kể gia đình có bố, có mẹ, có anh chị em. Khi Sơn lên, cậu bé chỉ kể được những đặc điểm về mẹ, về ông bà nội, ngoại… Khi nói về bố, cậu bé ngắc ngứ vì chưa biết bố mình như thế nào, cậu chỉ bảo: “Bố Sơn đang đi công tác, chưa về”. Nhưng ở dưới, một số bạn chắc được bố mẹ kể cho nghe hoàn cảnh của gia đình Sơn nên nhao nhao: “Sơn làm gì có bố, bố Sơn chết rồi”.

Cậu bé đứng như chôn chân trên bảng, rồi òa khóc nức nở. Cô giáo thương quá, lên ôm lấy Sơn và bảo cả lớp: “Các con không được nói thế nhé, bố Sơn là một chiến sỹ Công an. Chú ấy đã anh dũng hy sinh để bảo vệ bình yên cho cuộc sống của người dân, cho cô trò mình hôm nay được đến trường”.

Từ hôm đó, trong đầu cậu bé Sơn đã biết được 2 chữ “Hy sinh”. Cậu đã biết được rằng bố sẽ không bao giờ đi công tác về nữa. Thương con, Thủy chỉ biết dồn hết tình thương để nuôi dạy con lên người. Lúc đầu, 2 mẹ con ở trong khu nhà tập thể của Công an huyện. Còn quá trẻ để làm mẹ, khi ông bà nội đã trở về quê, Thủy phải quen dần với cuộc sống vừa làm mẹ, vừa làm bố.

Khu tập thể cơ quan thì toàn các chú, các anh nam giới, nhiều người chưa có gia đình nên cũng chẳng có kinh nghiệm nuôi trẻ con. Nhưng mọi người rất lo lắng, quan tâm đến mẹ con Thủy. Có những đêm con ốm, sốt nóng rực, Thủy chỉ biết khóc, gọi các chú, các anh giúp đỡ. Người luống cuống lấy nước đắp cho cháu, người chuẩn bị xe để chở đi bệnh viện huyện… Ân tình của mọi người chắc sẽ không bao giờ mẹ con Thủy có thể quên.

Sau đó, có một gia đình bán căn nhà gần trụ sở Công an huyện giá 180 triệu đồng. Đúng thời điểm đó, Báo CAND viết bài, kêu gọi tài trợ, có 3 gia đình ở Hà Nội ủng hộ 80 triệu đồng, còn lại hai bên gia đình, họ hàng cho vay mượn để mẹ con Thủy có một mái ấm. Sau đó, Thủy phấn đấu đi học Trung cấp An ninh dưới Hà Nội, ông bà nội phải xuống trông Sơn, mỗi lần con trai gọi điện cho mẹ, con khóc, nước mắt mẹ chảy dài nhưng Thủy vẫn cố gắng vững vàng, dạy con không được khóc, phải tập dần cuộc sống khi xa mẹ.

Ông bà nội nói tiếng dân tộc nhiều nên con bị hạn chế ngôn ngữ, khi đi học tiểu học gặp nhiều khó khăn. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp An ninh trở về đơn vị công tác, ngoài thời gian ở cơ quan, Thủy nói chuyện với con, dạy con rất nhiều để con hiểu cuộc sống hơn, vốn từ phong phú hơn.

Trong câu chuyện của Thủy, tôi cảm nhận được ở chị nghị lực và tình yêu thương vô bờ bến đối với cậu con trai nhỏ. Chị đang đi tiếp con đường của chồng, lại vừa làm mẹ, vừa làm bố, cũng đã và đang phải hy sinh, dìm tận đáy lòng những nỗi khát khao của một người phụ nữ còn rất trẻ đã thiếu vắng đi người đàn ông của cuộc đời.

Và tôi tin rằng, lớn lên từ sự yêu thương ấy, cậu bé Sùng Hà Sơn sẽ trưởng thành, sẽ tự hào về sự hy sinh của bố, sẽ là bờ vai cho người mẹ đã chịu quá nhiều mất mát của mình.

Một cảnh sát đặc nhiệm mà giang hồ nghe đến là… run!

Nói đến Trung tá Dương Minh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN), Công an TP Hà Nội là nói đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.Hòa ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN