Chém bạn thương tích bị khởi tố tội Giết người, 2 học sinh đối diện hình phạt nào?

Sự kiện: Tin pháp luật

Theo luật sư, việc khởi tố tội "Giết người" thay vì tội "Cố ý gây thương tích" căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó vùng bị thương tích của bị hại là căn cứ quan trọng.

Ngày 12/1, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Hoàng Văn Bắc (SN 2005) và Đỗ Duy (SN 2006, cùng ở xã Cẩm Xá, thị xã Mỹ Hào) - học sinh Trường Tiểu học – THCS – THPT Hồng Đức về tội "Giết người".

Bắc và Duy là 2 đối tượng dùng dao, kiếm chém cháu N.G.B (học sinh lớp 10 cùng trường) khiến nạn nhân bị 52% thương tích vào ngày 9/5/2022.

Nhóm học sinh chém bạn trước cổng trường Hồng Đức (Ảnh cắt từ clip)

Nhóm học sinh chém bạn trước cổng trường Hồng Đức (Ảnh cắt từ clip)

Từ vụ việc trên, nhiều độc giả đặt câu hỏi về việc vì sao 2 học sinh chưa đủ 18 tuổi bị khởi tố tội "Giết người" thay vì tội "Cố ý gây thương tích"? Căn cứ nào để xác định 2 tội danh nói trên?

Trả lời câu hỏi trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định các tội danh khác nhau là căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội; căn cứ vào quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi của mình (lỗi); căn cứ vào nhân thân người phạm tội, trong một số trường hợp căn cứ vào giới tính, độ tuổi của người phạm tội và bị hại…

"Vì vậy, việc phân biệt tội “Giết người” với tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” trong nhiều trường hợp rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi người thực hiện tố tụng không những nắm vững cấu thành tội phạm cơ bản mà cần phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp và kinh nghiệm thực tiễn giải quyết vụ án", luật sư Bình nói.

Theo luật sư Bình, khi phân biệt tội “Giết người” (Điều 123) với tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134) cần lưu ý ở cả 2 tội này, người phạm tội đều thực hiện hành vi là do lỗi cố ý, đều thực hiện hành vi khách quan tương tự như nhau (bắn, đâm, chém, đánh, đấm, đá…) và nạn nhân đều bị thương tích, hậu quả nặng nề hơn là chết.

Tuy nhiên, đối với tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác”, người phạm tội chỉ cố ý làm cho nạn nhân bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, không mong muốn cho nạn nhân bị chết, cũng không bỏ mặc cho nạn nhân chết; nạn nhân bị chết là ngoài ý muốn của người phạm tội.

"Đối với tội “Giết người”, người phạm tội cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Nếu không phải là do cố ý trực tiếp hay còn gọi là cố ý có dự mưu, cố ý xác định thì cũng là cố ý gián tiếp hoặc cố ý đột xuất hay cố ý không xác định, tức là không cần quan tâm đến hậu quả. Hành vi của người phạm tội quyết liệt hơn, cường độ tấn công mạnh hơn, nhằm vào những nơi xung yếu của cơ thể như: vùng đầu (sọ não, gáy), ngực, ổ bụng…", luật sư Bình phân tích.

Đối với tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, người phạm tội tấn công nạn nhân không quyết liệt. Nếu có quyết liệt thì cũng chỉ tấn công vào những nơi khó gây ra cái chết cho nạn nhân như chân, tay, mông.

"Do đó, để khởi tố tội "Giết người" hay tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào các điều trên. Trường hợp 2 học sinh, có thể 2 đối tượng đã quyết liệt tấn công vào những nơi xung yếu của cơ thể nạn nhân, hoặc có động cơ, dấu hiệu của tội giết người nên cơ quan điều tra đã khởi tố tội "Giết người" để tiếp tục xử lý", luật sư Bình nhận định.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật

Luật sư Bình cho hay, về hình phạt, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định đối với 28 tội danh thuộc loại rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị xử lý hình sự dù ở thời điểm phạm tội mới trên 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Nhà nước quy định các hình phạt cho họ không mang tính chất trừng trị độc ác hay tước đi quyền sống, quyền tự do của đối tượng này. Nếu người dưới 18 tuổi phạm tội, họ phải chịu trách nhiệm hình sự thì khi cơ quan có thẩm quyền xét xử cần tuân thủ theo những nguyên tắc như sau:

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Theo luật sư Bình, căn cứ những nguyên tắc và quy định trên, trường hợp của Bắc và Duy gây án khi chưa đủ 18 tuổi sẽ không nhận án phạt cao nhất của tội “Giết người” là chung thân hay tử hình mà chỉ xử phạt tù có thời hạn không quá 18 năm tù giam. Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định theo khoản 1, Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Chia sẻ về vấn nạn bạo lực học đường, luật sư Bình cho rằng đây là một vấn nạn xã hội, không chỉ riêng Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới đang đặt nhiều sự quan tâm và đang lên án vấn nạn này. Bởi lẽ, những hậu quả nghiêm trọng và đau xót mà bạo lực học đường mang lại đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tinh thần và nặng hơn là tính mạng của trẻ đang trong độ tuổi hoàn thiện bản thân.

"Dù ở đâu thì vấn đề này đều đang trong tình trạng báo động. Chúng ta không ngừng tìm ra các giải pháp để hạn chế và ngăn chặn bạo lực học đường diễn ra, ta có thể dễ dàng nhận thấy từ các bộ phim cho đến các chính sách của nhà nước đều đã từng đề cập đến vấn đề này", luật sư Bình nói.

Theo luật sư Bình, học sinh chủ yếu là những đối tượng từ 12 – 17 tuổi đang trong quá trình học tập và biến đổi về thể chất, tâm sinh lý để hình thành nên tính cách của con người. Đây cũng là giai đoạn mà đòi hỏi nhà trường và gia đình có các biện pháp bảo vệ trẻ từ các yếu tố độc hại bên ngoài bởi các em sẽ là đối tượng mà các thế lực tiêu cực trong xã hội nhắm đến. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đến trẻ và nên dành thời gian giáo dục, dạy bảo trẻ để trẻ có sự cảm nhận từ tình cảm của người thân tạo một môi trường sống lành mạnh. Bố, mẹ nên hạn chế các hành vi bạo lực gia đình trước mặt trẻ. 

"Đồng thời gia đình nên có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học. Giáo dục trẻ nhận thức những điều tốt, tránh xa những thói hư, tật xấu không phải là trách nhiệm của riêng nhà trường mà còn là của gia đình và xã hội", luật sư Bình chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Hưng Yên: Bắt 2 học sinh về hành vi giết người

2 đối tượng vốn là học sinh ở Mỹ Hào (Hưng Yên) đã có hành vi đâm chém một bạn học cùng trường dẫn tới học sinh này mất 52% sức khỏe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nhật ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN