Cả đời chịu nhục, chỉ 1 lần "hoạn" chồng

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Những lúc cay độc nhất, anh ta thường gọi tôi là "gái già", là "cơm thiu", là loại đàn bà ế chỏng ế chơ, không ai thèm rước. Bất cứ người phụ nữ nào cũng đau lòng khi bị xúc phạm như thế. Tôi cũng đâu phải là gỗ đá...

LTS: Chị có cái tên rất mộc mạc: Nguyễn Thị Mơ. Là người phụ nữ nông thôn học chưa hết lớp 7, lại không may lấy phải người chồng vũ phu và thiếu chung thủy, cuộc đời chị đã quen với hai từ chịu đựng và nhẫn nhục, bởi chị luôn cho rằng, số phận đã sắp đặt cho chị kiếp này chỉ có phúc phận đến thế. Chính chị cũng không hiểu sao vào cái đêm hôm đó, chị lại phạm phải cái tội ấy - cái tội mà nhiều bạn tù mỗi lần nghe chị kể xong vẫn vừa ái ngại, xót xa, vừa cười ra nước mắt: cắt "của quý" của chồng, cả đời chị chưa bao giờ cảm thấy ghen tuông với người chồng công khai bồ bịch. Đến cả lúc làm tổn thương chồng, chị cũng không hề cảm thấy ghen tuông. Nhưng như một người đàn bà cả đời bị đàn áp, cuối cùng, chị đã phản kháng, chỉ có điều cách chị lựa chọn phản kháng lại người chồng của mình đã khiến cho cuộc đời chị thêm nhiều nước mắt.

Người đàn bà cả đời cam chịu

Tôi là con gái trong một gia đình nông dân nghèo, mẹ mất sớm, bố bệnh tật, ốm yếu. Khi lên 8 tuổi, tôi đã giúp bố gánh vác việc nhà cửa và chăm sóc 2 đứa em nhỏ. Tôi quan tâm, lo lắng cho mấy đứa em nhỏ từng chút một: từ quán xuyến việc học hành, lo tắm rửa, lo cái ăn, cái mặc đến dạy dỗ, bảo ban các em. Sống trong vất vả từ thuở ấu thơ, là chị cả, tôi đã rèn được cho mình đức tính chịu đựng và hi sinh. Từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ tranh giành với 2 đứa em bất cứ cái gì. Bữa ăn có cái gì ngon nhất, tôi đều phần bố và 2 em.

Mỗi dịp tết đến, bố tôi cố gắng lắm mới dành tiền may được bộ quần áo cho con mặc Tết, 2 đứa em nhỏ của tôi năm nào cũng có quần áo mới mặc chơi Tết, còn tôi thì không, bởi số tiền để may đồ mới cho tôi, bố dành để mua sắm thêm cho cái tết nghèo của gia đình. Thương bố, thương em, tôi đã chọn cho mình cuộc sống hi sinh vì người khác ngay từ lúc bé.

Đến lúc đến tuổi dựng vợ, gả chồng, tôi vẫn ở vậy lo lắng cho mấy đứa em đến khi chúng yên bề gia thất. Vì thế, khi các em đề huề con cái, tôi mới bắt đầu tính chuyện chồng con. Khi trở thành 1 người vợ, tôi đã 29 tuổi, cái tuổi đã bị coi là quá lứa, lỡ thì với các cô gái nông thôn.

Cuộc hôn nhân của tôi không có tình yêu. Chồng tôi là người cùng làng, đã qua một đời vợ, nhưng vì không sống được với nhau nên đã li dị. Khi tôi đi lấy chồng, đã nhiều người khuyên can bởi người đàn ông mà tôi định lấy vốn nổi tiếng khắp làng trên, xóm dưới vì tính tình cục súc, thô lỗ, hay đánh vợ, nhưng cuối cùng, tôi vẫn nhắm mắt đưa chân, vì tôi biết mình chẳng có nhiều cơ hội để lựa chọn, và vì muốn bố tôi không phải mang tiếng có một đứa con không lấy được chồng.

Tôi đã nếm trải sự vũ phu của chồng ngay từ những ngày đầu tiên làm vợ. Tối nào, chồng tôi cũng bắt tôi mang nước đến tận giường cho anh ta ngâm chân. Những đêm anh ta kêu mỏi lưng, mỏi chân, tôi phải thức trắng đêm đấm bóp, dù đi làm đồng cả ngày mệt đến rũ rượi, tôi vẫn không dám cãi lời, vừa đấm bóp chân cho chồng, tôi vừa ngủ gật. Nhưng chiều người như anh ta chẳng dễ. Đấm bóp nhẹ, chồng cũng mắng chửi, đấm mạnh tay thì chồng cũng chì chiết. Tôi quen với sự chửi bới của chồng đến nỗi, coi nó bình thường như người ta ăn cơm, uống nước, hít thở khí trời.

Chỉ cần bữa ăn nấu không đúng ý, chồng tôi sẵn sàng ném cả mâm cơm tôi nấu ra sân. Mỗi lần anh ta đi đâu về, có chuyện gì tức giận, tôi trở thành nơi xả cơn giận dữ. Những lúc cay độc nhất, anh ta thường gọi tôi là "gái già", là "cơm thiu", là loại đàn bà ế chỏng ế chơ, không ai thèm rước. Bất cứ người phụ nữ nào cũng đau lòng khi bị xúc phạm như thế. Tôi cũng đâu phải là gỗ đá. Tôi cũng biết tổn thương, cũng thấy mắt mình cay cay khi bị chồng xúc phạm bằng những lời lẽ chẳng ra gì, nhưng tôi vẫn âm thầm hi sinh, chịu đựng, để nhà cửa êm ấm.

3 năm về làm vợ, tôi sinh liền 2 đứa con. Nhưng sự có mặt của những đứa con không làm cuộc sống của tôi bớt đi ngột ngạt, bởi vì chồng tôi vẫn trái tính trai nết, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với tôi mỗi khi có chuyện không vừa lòng. Có hôm, chỉ vì tôi trông con không cẩn thận, khiến đứa con trai 1 tuổi ngã sứt môi, chảy máu, chồng tôi đã cầm dao đuổi tôi khắp làng trên xóm dưới, đến nỗi tôi phải bế con trốn qua nhà hàng xóm đến tận khuya mới dám về.

Khi đứa con đầu học lớp 2 thì chồng tôi bắt đầu nảy sinh thói bồ bịch, công khai đi lại với một người đàn bà có chồng đi tù. Có bao nhiêu của nả trong nhà, chồng tôi đều mang cho nhân tình. Có người đàn bà khác, anh ta càng hắt hủi, càng trở nên thô lỗ, cộc cằn với tôi. Tôi chịu đựng tất cả những điều đó, vì thương 2 đứa con nhỏ và vì nghĩ rằng kiếp trước chắc mình nợ nần nhiều, nên kiếp này nghiệp chướng lớn.

Bi kịch từ lần duy nhất trong đời biết phản kháng

Thấy tôi không có bất cứ sự phản kháng nào, dù là yếu ớt nhất, chồng tôi ngày càng lấn tới. Bị người tình bỏ bùa mê thuốc lú, anh ta gần như ở hẳn bên đó chứ không về nhà, mỗi lần về thì đều tìm cách gây sự, rồi cái gì lấy được thì đều mang đi. Tôi cũng không buồn kêu ca, ghen tuông, tức giận, cứ cúi đầu cam chịu nuôi con, để cố gắng bù đắp cho 2 đứa con nhỏ những thiệt thòi khi có một người bố chẳng ra gì.

Có lẽ tôi sẽ còn tiếp tục sống như thế đến hết đời, nếu không có ngày chồng tôi về nhà mang nốt chiếc xe đạp mà tôi chắt chiu dành dụm tiền bao ngày mới mua được cho đứa con trai đi học. Chiều hôm đó đi làm đồng về, nhìn đứa con trai vừa ngồi ở hiên nhà vừa khóc mếu máo, nói không thành lời kể với mẹ chuyện bị bố giằng xe, mắt tôi cay xè. Đó là lúc tôi hận người đàn ông mà tôi lấy làm chồng hơn bao giờ hết. Tôi không hận anh ta đối xử với tôi chẳng ra gì, nhưng tôi hận anh ta đến chiếc xe đáp để con đi học cũng không tha. Mà tiền để mua chiếc xe đó, là tiền mồ hôi nước mắt tôi kiếm được, chứ nào phải tôi xin anh ta.

Cả một đời kìm nén, nỗi uất ức như được dịp dâng trào, bung ra, không có cách nào kiềm chế được. Tối hôm sau, chồng tôi trở về trong trạng thái nửa say nửa tỉnh. Tôi vẫn như thường lệ, lấy nước bê đến giường rửa chân cho chồng như bao năm qua tôi vẫn làm thế. Nhưng đêm đó, tôi đã không còn cam chịu người chồng vũ phu, tàn nhẫn của mình nữa. Giữa đêm, khi chồng tôi đang say ngủ, tôi đã dùng con dao cắt phăng "của quý" của chồng mình. Bất ngờ trước hành động của tôi, chồng tôi chỉ kịp rú lên, hoảng hốt lao đến cướp cái "của quý" của mình vừa bị cắt. Chưa bao giờ tôi thấy chồng mình hoảng sợ đến thế. Nhưng điều đó chưa làm tôi thỏa mãn. Ngay sau khi làm chồng bị thương, tôi chạy ra bờ ao cạnh nhà và thản nhiên vứt cái thứ tôi vừa cắt đi của chồng xuống ao.

Lúc đó, chồng tôi đau đến lịm người, nhưng vẫn lao vào cấu xé tôi trong tuyệt vọng. Thú thật là khi ấy tôi chẳng cảm thấy thương xót, chỉ cảm thấy hả hê, vì đã trừng phạt được chồng mình, để trả lại cho anh ta những năm tháng tôi đã phải sống trong đầy đọa, để trả lại cho anh ta nỗi đau của con trai tôi khi bị cướp đi chiếc xe đạp đầu đời mà nó vô cùng yêu thích.

Sau câu chuyện buồn đầy ngang trái và bi hài đó, tôi đi tù. Nhưng nếu cái lúc gây án, tôi hả hê bao nhiêu, thì lúc vào trong trại giam, tôi đau lòng bấy nhiêu. Cả đời tôi chưa bao giờ biết phản kháng. Nhưng đến lúc phản kháng, tôi đã chọn cho mình cách phản kháng sai lầm. Cách phản kháng đó khiến cả tôi và chồng tôi đều phải trả giá đắt. Nhưng người thiệt thòi nhất cuối cùng chính là các con.

Tôi đi tù, con tôi bơ vơ không người chăm sóc. Không chỉ thế, mỗi lần đến lớp học, chúng đều bị bạn bè chế giễu về chuyện xảy ra giữa bố mẹ. Vừa thương con, tôi vừa ân hận, không biết bao nhiêu đêm tôi nằm khóc ướt gối vì nghĩ sự nông nổi của mình đã làm khổ con cái một đời. Tôi đi tù, con tôi phải cậy nhờ 2 người em ruột mỗi người chăm sóc 1 đứa. Thương các con mới tí tuổi đầu đã phải sống xa mẹ, lại phải chịu cảnh chia rẽ mỗi đứa một nhà, mỗi lần con lên thăm về, là mỗi lần tôi bịn rịn không nỡ chia tay, rồi ngơ ngẩn suốt cả tháng trời.

Tôi không phải người hay thân trách số phận, nhưng đôi lúc tôi vẫn luôn ao ước giá mẹ tôi đừng mất sớm, để tôi không lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của mẹ, để tôi có người dạy dỗ, khuyên bảo và chỉ dạy cho tôi những kinh nghiệm sống, để học được cách tự vệ, cách phản kháng mà không làm tổn thương đến những người xung quanh và đến chính bản thân mình. Nhưng sau những buồn đau và sai lầm đã qua, tôi đã tự rút ra cho mình một bài học, để biết cách sống sau này, để vừa học được cách phản kháng mà vẫn tự bảo vệ được mình, bảo vệ được những đứa con mà tôi hết mực yêu thương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đang Yêu
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN