Bi kịch từ những món quà "trên trời rơi xuống"

Bỗng dưng trúng thưởng những món quà rất có giá trị như điện thoại iPhone 14 Promax, xe máy SH… một số chị em cả tin hết lần này đến lần khác chuyển các khoản tiền thuế, phí với hy vọng nhận được quà. Có những người đã chuyển cho các đối tượng hàng tỉ đồng mà chỉ nhận được lời yêu cầu chuyển thêm, thêm nữa, thêm mãi.

Thậm chí có những chị em vì bị lừa mất sạch tiền tiết kiệm, phải vay nợ khiến cho vợ chồng mâu thuẫn, gia đình đứng trước viễn cảnh tan vỡ…

Ngỡ nhận quà to, bay ngay tiền tỷ    

Quen rồi lấy chồng trong một chuyến du lịch ra Hà Nội, sau đó sinh liên tiếp mấy bé, chị Lan Anh (quê Quảng Bình), hiện đang sống trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chỉ ở nhà làm nội trợ. Tiền nong eo hẹp, chị muốn có chiếc điện thoại để chụp ảnh con, thi thoảng gọi video cho nhà ngoại trong quê mà chị vẫn lần lữa không dám xin tiền chồng để mua.

Bỗng dưng nhận được những món quà có giá trị, nhiều chị em đã sập bẫy và bị lừa rất nhiều tiền.

Bỗng dưng nhận được những món quà có giá trị, nhiều chị em đã sập bẫy và bị lừa rất nhiều tiền.

Cuối tháng 7/2023, chị nhận được tin nhắn messenger từ mạng xã hội Facebook thông báo chị là khách hàng duy nhất nhận được phần quà là chiếc điện thoại iPhone14 Promax (giá trên thị trường là hơn 20 triệu đồng). Đối tượng nói rằng đây là quà tri ân khách hàng của mạng V., yêu cầu chị gửi thông tin cá nhân và khoản lệ phí 200.000 đồng để nhận thưởng.

Là người cả tin, chị Lan Anh nhanh chóng gửi thông tin và số tiền các đối tượng yêu cầu. Ngay sau đó, đối tượng yêu cầu chị chuyển thêm 500.000 đồng để "xuất hóa đơn". Không do dự chị Lan Anh lập tức làm theo. Với các lý do như làm hồ sơ xác thực thông tin người nhận thưởng; tiền bảo hành điện thoại; tiền đặt cọc giao hàng do món hàng có giá trị cao… nhóm đối tượng đã vét sạch những đồng xu cuối cùng trong tài khoản tiết kiệm của chị Lan Anh.

Chưa hết, chị còn vay mượn anh chị em ruột trong nhà, nói dối là để mua điện thoại, rồi con ốm mà chồng chưa có lương; mua xe ôtô cho chồng chạy grab… với tổng số tiền lên đến… 400 triệu đồng để gửi cho các đối tượng.

Chị Lan Anh cay đắng kể lại: "Sau khi chuyển tiền lần thứ nhất, thứ hai tôi đã thấy hơi nghi nghi. Song vì nghĩ rằng bỏ ra vài trăm ngàn đồng mà được cái điện thoại thì cũng bõ. Nhưng sau đó số tiền chuyển đi đã vượt quá giá trị cái điện thoại, thì lại xót xa, tiếc của chỉ mong các đối tượng trả lại số tiền của mình đã gửi. Nhưng càng chuyển khoản thì tiền lại càng mất hút".

Đường cùng, hết cả tiền mua bỉm sữa cho con chị Lan Anh đành phải thú nhận tất cả với chồng. Anh chồng cũng bàng hoàng, không thể tin được vợ mình lại có thể dính vào một quả lừa to đến thế. Trước nay thi thoảng vợ cũng bị người giúp việc lừa đòi ứng lương trước rồi bỏ việc, hay bị lừa khi mua hàng qua mạng anh cũng chỉ nhắc nhở. Song lần này vì không nói với anh câu nào, mà cứ nhắm mắt nhắm mũi vay mượn để rồi bị mất một khối tài sản lớn thì anh không thể chịu được nữa nên quyết định… ly thân.

Tương tự như chị Lan Anh, chị Trần Thị Linh cũng dính cú lừa hết sức đau đớn. Hai vợ chồng công nhân, sống nơi đất khách quê người đã phải hết sức tằn tiện. Khi chị mang bầu 8 tháng thì về nhà ngoại "dọn ổ". Mỗi tháng chồng chị gửi cho 3-5 triệu đồng để mua đồ cho con, chuẩn bị đón em bé.

Thời gian rảnh rỗi, chị lướt mạng và bất ngờ nhận được một tin nhắn từ mạng xã hội nói rằng chị may mắn nhận được phần thưởng từ Công ty Honda là một chiếc xe SH "đập hộp". Đối tượng còn gửi cho chị hàng loạt ảnh những chị em may mắn khác - đang ôm hoa đứng bên cạnh chiếc xe - khiến chị Linh rất tin tưởng.

Thế rồi năm lần bảy lượt chị chuyển tiền cho các đối tượng để làm hồ sơ, đóng các khoản phí, lệ phí, bảo hiểm... Số tiền mấy chục triệu trong tài khoản để chuẩn bị sinh em bé vèo cái bay sạch, chị Linh phải vay thêm mẹ đẻ và bạn bè đồng nghiệp. Tổng số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng. Chị đã nhắn tin van xin lạy lục các đối tượng để xin lại tiền, song đã bị chúng chặn liên lạc. Tiếc số tiền quá lớn, lại sợ chồng mắng chị Linh nghĩ quẩn ra sông tự tử. May mà có người trông thấy, kịp thời vớt lên...

Trường hợp bị lừa "khủng" nhất rơi vào bà Nguyễn Thị N. (SN 1964, trú tại một tỉnh thành phía Nam). Ngày 8/7/2023, bà tham gia đăng ký nhận quà "chào hè" trên mạng xã hội Facebook. Sau khi đăng ký, trang "Quà Tặng Yody"… yêu cầu bà cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhận quà và hướng dẫn tạo tài khoản Telegram để cấp "phiếu xác nhận quà tặng".

Bà N. được hướng dẫn từng bước cho đến khi nhận được "phiếu xác nhận quà tặng" và mã nhận quà. Tiếp đó, bà được yêu cầu kết bạn và nhắn mã nhận quà với quản lý có tên Ngọc Anh qua phần mềm nhắn tin Telegram để được hướng dẫn. Sau đó, username "giám đốc kinh doanh" hướng dẫn các bước giúp hệ thống các cửa hàng thời trang Yody tăng doanh số bán hàng trên các trang mạng thương mại điện tử.

Tiếp tục, tài khoản này đề nghị bà N. thanh toán trước 300.000 đồng bằng phương thức chuyển khoản. Sau khi hoàn thành tăng doanh số, bà N. sẽ nhận được 360.000 đồng, ngoài ra được nhận thưởng phần quà trị giá 500.000- 2,5 triệu đồng. Sau một thời gian ngắn chuyển khoản 300.000 đồng, điện thoại bà N. báo tin nhắn đã nhận được 360.000 đồng. Ngay lập tức, bà N. được nhắn tin yêu cầu tham gia nhiệm vụ số 2, lúc này số tiền bà N. phải chuyển lên gần 2,6 triệu đồng và sẽ được hưởng hoa hồng 30%. Liên tiếp những ngày sau nhóm lừa đảo dụ bà N. chuyển tiền với số tiền tăng dần lên 7,9 triệu, rồi 28 triệu, 88 triệu… 230 triệu đồng. Bà N. mù quáng chuyển cho bọn chúng số tiền lên đến gần… 2 tỷ đồng thì không thể liên lạc được với quản lý, kế toán trưởng, tổng giám đốc nữa. Đến lúc đó bà mới nhận ra mình bị lừa và kể lại với chồng và đi trình báo lên cơ quan công an.

Món quà từ trên trời rơi xuống chỉ có thể là… nước mưa

Mới đây, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) bắt giữ một nhóm chuyên lừa đảo dưới hình thức tặng quà trên mạng xã hội.

Nhóm đối tượng lên kịch bản tặng quà để chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ.

Nhóm đối tượng lên kịch bản tặng quà để chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ.

9 đối tượng gồm Lê Hùng Công (SN 1988); Trần Hữu Bắc (SN 1988); Trần Văn Thành (SN 1987); Trần Hoàng Phan (SN 2003); Lê Mạnh Oai (SN 1995); Trần Phương Dương (SN 1992); Trần Văn Nam (SN 1995) cùng trú tại huyện Đan Phượng và Ngô Thị Thu Hiền (SN 2000 tạm trú tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Lê Hùng Công và Ngô Thị Thu Hiền thuê nhà ở cùng tại khu đô thị Tân Tây Đô, huyện Đan Phượng. Trong quá trình sinh sống, Công đã đầu tư mua hệ thống máy tính, trực tiếp quản lý thực hiện hành vi lừa đảo. Công "dựng sẵn" lên kịch bản các bước để lừa đảo người bị hại rồi hướng dẫn cho từng người trong nhóm để thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước tiên, các đối tượng thực hiện đăng bài ở các hội, nhóm trên Facebook với nội dung tặng quà là điện thoại iPhone 14 Pro Max. Sau đó các đối tượng sử dụng các tài khoản Facebook ảo lập sẵn nhắn tin qua ứng dụng Messenger với những người bình luận trong bài viết tặng quà để hướng dẫn họ cách nhận thưởng.

Khi bị hại cung cấp thông tin cá nhân thì các đối tượng yêu cầu bị hại phải nộp phí "xuất hóa đơn" là 200.000 đồng. Khi bị hại chuyển tiền thành công thì các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiếp số tiền 500.000 đồng để làm hồ sơ xác thực thông tin người nhận thưởng. Rồi các đối tượng yêu cầu chuyển tiếp 1,5 triệu đồng tiền làm thẻ bảo hành cho máy điện thoại.

Sau bước 3, các đối tượng tiếp tục yêu cầu bị hại chuyển tiếp số tiền 4 triệu đồng là tiền cọc giao hàng do đơn hàng giá trị cao. Khi bị hại chuyển thành công 4 triệu đồng thì các đối tượng lại yêu cầu bị hại chuyển tiếp 5 triệu đồng là tiền thuế. Khi đã chuyển 5 triệu đồng thành công thì các đối tượng yêu cầu chuyển tiếp 6 triệu đồng để kích hoạt hồ sơ. Số tiền này, các đối tượng nói là sẽ được hoàn lại khi bưu tá giao hàng.

Bị hại có thể chuyển tiền bằng cách gửi ảnh thẻ nạp điện thoại hoặc chuyển khoản vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Khi bị hại gửi thẻ điện thoại, các đối tượng sẽ chụp ảnh và gửi đến một tài khoản Facebook khác "chuyển hóa" thành tiền.

Sau khi các đối tượng lấy được tiền và thẻ nạp điện thoại thì Công và các đối tượng chặn liên lạc với các bị hại. Vào chủ nhật hàng tuần, Công sẽ tổng hợp lại số tiền và phân chia cho các thành viên với tỷ lệ Công được hưởng 40%, các thành viên được hưởng 60% đối với từng vụ lừa đảo. Riêng Hiền được nhận toàn bộ số tiền mà Hiền lừa đảo chiếm đoạt được mà không phải ăn chia với Công. Tỷ lệ chia trên là do Công đã thống nhất với tất cả các thành viên trong nhóm và đều được đồng ý. Tổng kết các phi vụ, Công chuyển số tiền "lương" chính là số tiền mà các đối tượng lừa đảo được đến tài khoản của từng thành viên trong nhóm.

Với thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều bị hại với số tiền khoảng 60 triệu đồng. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam để điều tra đối với 8 đối tượng về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Thủ đoạn lừa đảo thông qua phương thức tặng quà không phải là quá mới, song vẫn có nhiều chị em mắc bẫy. Nguyên nhân một phần do chị em cả tin, hoặc do tham lam, thích những thứ "free". Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận được những món quà miễn phí. Phải kiểm tra thông tin hết sức rõ ràng tại các địa chỉ uy tín. Không chuyển tiền theo yêu cầu của những đối tượng lạ. Đặc biệt, hãy nhớ rằng những món quà "từ trên trời rơi xuống" thường chỉ là... nước mưa.  

Nguồn: [Link nguồn]

40 lần chuyển tiền mới nhận ra mình bị lừa

Anh T thực hiện 40 lần giao dịch chuyển tiền với số tiền 2,4 tỉ đồng, sau đó, anh này mới nhận ra mình đã bị lừa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Khang ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN