Bẽ bàng "Tình một đêm"

Sự kiện: Tin nóng

Ham của lạ, nhiều quý ông bị lừa hàng tỉ đồng khi tham gia nhiệm vụ "tình một đêm". Tình đâu chưa thấy nhưng tiền thì đã mất, người đi báo Công an, người lại lẳng lặng "ngậm bồ hòn làm ngọt" mà không biết tỏ cùng ai.

Trắng tay với "Tình một đêm"

Cuối tháng 11/2023, tài khoản Telegram tên "CSKH - Trần Phương Uyên" nhắn tin, tự giới thiệu là quản lý của một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bar, karaoke nổi tiếng tại Đà Nẵng. Đối tượng mời gọi ông M. tham gia hệ thống thành viên để được hưởng các ưu đãi mại dâm như "Xem không giới hạn các video người thật số lượng lớn", "Giảm giá 30% cho lần đầu" "Chat xxx cùng bé, call video thỏa thuận"…

Các đối tượng nhắn tin dẫn dụ "con mồi" chuyển khoản.

Các đối tượng nhắn tin dẫn dụ "con mồi" chuyển khoản.

Đối tượng còn cam kết, nếu là thành viên VIP thì khi đi đến các cơ sở của doanh nghiệp này tại Đà Nẵng đều được giảm giá 50% hóa đơn. Khi ông M. đồng ý thì được đối tượng hướng dẫn truy cập vào một trang web khiêu dâm để đăng ký tài khoản với phí tham gia là 123.000 đồng. Sau khi đăng ký thành công, ông M. tiếp tục được mời vào nhóm Telegram dành riêng cho "VIP" để làm nhiệm vụ và "nhận hoa hồng".

Ban đầu, ông M. được các đối tượng hướng dẫn nạp 1 triệu đồng để tham gia thực hiện "gói nhiệm vụ tình một đêm". Sau khi ông M. hoàn thành các thao tác như hướng dẫn, đối tượng lập tức chuyển khoản lại 1,3 triệu đồng (gồm tiền gốc và "hoa hồng" 30% và thêm nạn nhân vào một nhóm kín trên Telegram gồm nhiều tài khoản "chim mồi" khác. Những tài khoản "chim mồi" có nhiệm vụ khoe chiến tích để dụ những "tấm chiếu mới".

Chỉ vài thao tác đã nhận lại được tiền gốc và thêm 30% hoa hồng khiến ông M. phấn khích. Khi thấy ông M. đã "cắn câu", đối tượng tiếp tục đề nghị thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo với số tiền phải nạp vào ngày càng lớn. Tuy nhiên, các đối tượng liên tục viện lý do là ông M. làm sai nhiệm vụ nên bị treo tiền trên hệ thống, nếu muốn lấy lại tiền và hoa hồng thì phải tiếp tục nạp thêm tiền vào. Đến khi nộp đến những đồng tiền cuối cùng, ông M. mới phát hiện mình bị lừa. Tổng số tiền ông M. bị lừa là hơn 3 tỷ đồng.

Cũng với phương thức mạo danh quản lý của hệ thống quán bar và karaoke nổi tiếng tại Đà Nẵng, các đối tượng đã lừa rất nhiều người khác, trong đó có ông V.N. (trú Hà Hội) với số tiền 1 tỷ đồng.

Ông N. cho biết, các đối tượng lừa đảo một cách bài bản, chuyên nghiệp, từ việc lập các website và các trang mạng xã hội với hình ảnh được lấy từ fanpage "chính chủ" đến phương thức "thả con tép bắt con tôm". Sau khi thực hiện "Gói nhiệm vụ tình một đêm" và được "phần thưởng" 300.000 đồng, các đối tượng liên tục lôi kéo ông N. tham gia các nhiệm vụ khác. Khi số tiền ông N. nạp ngày càng lớn thì đối tượng liên tục lấy cớ nạn nhân thao tác sai và yêu cầu nạp tiền tiếp thì mới không bị phong tỏa tài khoản và có thể rút tiền về. Đến khi nạn nhân không thể nạp thêm tiền vì hết tiền thì các đối tượng liền xóa khỏi nhóm Telegram.

Đáng chú ý, sau khi nắm được thông tin cá nhân và chiếm đoạt số tiền lớn của các nạn nhân, đối tượng lừa đảo còn gọi điện, mạo nhận là Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát đang nghi ngờ và điều tra nạn nhân về hành vi đánh bạc hoặc rửa tiền với mục đích tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều nạn nhân xấu hổ, sợ gia đình, người thân biết nên không dám trình báo với cơ quan Công an...

Trước đó vào tháng 6/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội nhận được đơn trình báo của anh T. (SN 1973) về việc bị lừa đảo hơn 600 triệu đồng. Theo đơn trình báo, anh T. được mời tham gia nhóm "Tình một đêm". Sau khi cung cấp khu vực sinh sống, anh T. được đối tượng gửi "danh sách các em", bảng giá và yêu cầu mở thẻ hẹn hò để "em" đến phục vụ.

Sau khi đăng ký tài khoản xong, anh T. được yêu cầu xác thực để hoàn thành nhiệm vụ, nhận "hoa hồng" bằng cách truy cập vào đường link và nộp tiền theo hướng dẫn của hệ thống.

Anh T. lựa chọn gói dịch vụ, nộp tiền, thực hiện các nhiệm vụ và nhận "hoa hồng" thành công. Hệ thống tiếp tục dẫn dắt anh thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo để nhận "hoa hồng".

Tuy nhiên, khi anh T. thực hiện nhiệm vụ và nạp số tiền lớn vào hệ thống thì hệ thống thông báo "sai dữ liệu, tài khoản bị khóa", thành viên phải nộp thêm tiền để phục hồi dữ liệu, mở khóa tài khoản, được cấp thẻ thành viên hẹn hò.

Sau khi anh T. chuyển thêm tiền, các đối tượng vẫn thông báo lỗi và đưa ra nhiều lý do để dụ người tham gia nộp tiền thêm nhiều lần với giá trị ngày càng cao để chiếm đoạt. Chỉ trong vòng 2 ngày, anh T. đã chuyển hơn 600 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng.

Chiêu trò dụ con mồi

Thời gian gần đây, Công an các địa phương phát hiện có nhiều tài khoản mạng xã hội gắn tên các nhà hàng, khách sạn, vũ trường nổi tiếng đăng tải quảng cáo dịch vụ hẹn hò trực tuyến, mua, bán dâm,...

Những tin nhắn có cả hình ảnh các cô gái xinh đẹp khiến "con mồi" thích thú và tò mò.

Những tin nhắn có cả hình ảnh các cô gái xinh đẹp khiến "con mồi" thích thú và tò mò.

Qua rà soát cho thấy đây đều là những tài khoản giả mạo. Các đối tượng tạo tài khoản và sử dụng tên, hình ảnh của các nhà hàng, khách sạn, vũ trường nổi tiếng nhằm tạo lòng tin với các nạn nhân. Từ những tài khoản này, các đối tượng đăng tin hấp dẫn đánh vào sự tò mò của bộ phận nam giới như: "Hệ thống gái gọi toàn quốc", "Gái gọi", "Tình một đêm"…

Khi đã dụ được con mồi, các đối tượng này dẫn dắt họ vào ma trận ở các hội nhóm khác nhau. Ở các nhóm này, chúng tạo lập sẵn nhiều tài khoản giả là các thành viên đã tham gia từ lâu nên sở hữu nhiều "chân dài". Tiếp tục đánh vào tính tò mò, hám "của lạ" của nạn nhân, các đối tượng đưa ra những gói dịch vụ như "tình một đêm" cho họ lựa chọn. Mỗi dịch vụ, nạn nhân sẽ nạp tiền vào cho chúng với tham vọng sở hữu, các nạn nhân cứ thế bị chúng dắt từ ma trận này đến ma trận khác với số tiền nạp ngày càng nhiều.

Theo cơ quan Công an, đến khi nạn nhân không còn khả năng nạp tiền, đối tượng nhanh chóng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đã nạp vào của họ. Tâm lý chung là những nạn nhân của thủ đoạn này thường xấu hổ, sợ vợ con biết nên không dám trình báo Công an khiến cho công tác đấu tranh tội phạm gặp nhiều khó khăn hơn. Từ đó, càng tạo thêm cơ hội để những đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Thoạt nhìn, chiêu lừa đảo này không quá phức tạp đối với những người đã có kiến thức hiểu biết về MXH cũng như kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, khi tiếp cận, bọn lừa đảo sẽ có những mánh khóe khác nhau để lấy lòng tin của nạn nhân với các thủ đoạn cực kỳ tinh vi. Vì thế, có người bị lừa lên tới hàng tỷ đồng.

Để tránh sập bẫy lừa đảo này, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với các ứng dụng lạ, đặc biệt là chiêu trò "nạp tiền để được nhận ưu đãi, hoa hồng": Không đăng nhập các đường link lạ; không cung cấp hoặc nhập tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet banking, mã OTP, số tài khoản của mình vào trang web hoặc đường link lạ... Đây là một hình thức lừa đảo trực tuyến không mới. Nạn nhân thường bị cài vào trường hợp tâm lý "đâm lao phải theo lao", cho đến khi sực tỉnh thì đã mất một số tiền lớn. Đây cũng là một bài học chung cho người dùng mạng xã hội khi tham gia các hội nhóm mà không xác định được người đứng sau là ai.

Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, hình thức phổ biến nhất được các đối tượng lừa đảo sử dụng hiện nay là tạo ra những quảng cáo giả mạo trên các nền tảng Google, Facebook để dẫn dụ nạn nhân truy cập vào đường dẫn đến các hội nhóm trên Telegram.

Trên Telegram có hẳn "thư viện" lừa đảo với rất nhiều clip ảo, nick ảo và kịch bản thiết lập sẵn. Các nick ảo hay "chim mồi" sẽ phối hợp với nhau tạo nên không khí sôi động trong các nhóm đầu tư hay nhóm cộng tác viên mục đích khiến người dùng tin rằng mình đang đầu tư hoặc làm công việc chính thống, rõ ràng và đầy tiềm năng. Đây cũng là cách mà những kẻ lừa đảo dùng để "thao túng tâm lý" người dùng khiến họ dễ bị cuốn theo, bị lừa mất tiền, có người còn bị lừa tình, tống tình.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam cho biết, Telegram là một trong các ứng dụng nhắn tin miễn phí phổ biến nhất trên thế giới với hơn 700 triệu người dùng. Ứng dụng này cho phép người dùng ẩn danh và dễ dàng tạo nhóm không giới hạn thành viên, chuyển file hình ảnh, video nhanh chóng. Hơn nữa, Telegram có khả năng thu hồi tin nhắn, xóa tin nhắn và xóa cả nhóm, mà khi xóa là sẽ biến mất hoàn toàn trên tất cả các thiết bị liên quan nên các đối tượng lừa đảo dễ dàng xóa mọi dấu vết phạm tội. Đặc điểm này khiến những đối tượng xấu rất thích dùng Telegram để thực hiện hành vi lừa đảo. Điều đặc biệt nữa là ứng dụng này cho phép quản trị nhóm phân nhóm cấp quản lý, tạo ra nhiều chatbox tự động để trả lời kịp thời cho "con mồi". Tất cả dữ liệu đều nằm trên máy chủ đặt ở nước ngoài nên cơ quan chức năng rất khó truy vết những kẻ lừa đảo.

"Theo tôi, cần phải yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ nhắn tin OTP như Telegram, Viber… định danh tài khoản. Bên cạnh đó, nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm bảo vệ và cung cấp dữ liệu khi cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu để làm rõ những hành vi lợi dụng ứng dụng này để lừa đảo", ông Sơn đề xuất.

Nguồn: [Link nguồn]

Làm quen qua mạng rồi hẹn hò yêu đương đang là xu hướng của thời buổi công nghệ phát triển. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng xảy ra nhiều hệ lụy. Từng có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Phương ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN