Bắt 3 lãnh đạo Muaban24

Ba lãnh đạo của Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến đã bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi “sử dụng mạng máy tính viễn thông, internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Sáng 2/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp Ngô Văn Huy (chủ tịch HĐQT Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến - Muaban24), Nguyễn Mạnh Hà (phó chủ tịch HĐQT, phó tổng giám đốc Muaban24), Lê Văn Cường (phó chủ tịch HĐQT, phó tổng giám đốc Muaban24).

Truy tìm tổng giám đốc Muaban24

Theo Phòng CSĐT tội phạm công nghệ cao (PC50) - Công an TP Hà Nội, tối 1/8, Ngô Văn Huy, Nguyễn Mạnh Hà và Lê Văn Cường đến trụ sở của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Hà Nội theo lệnh triệu tập thì bị tạm giữ hình sự. Cùng ngày, CQĐT cũng thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng này và thu thập được nhiều hồ sơ, máy móc liên quan đến hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, Nguyễn Tuấn Minh (tổng giám đốc Muaban24) đã bỏ trốn. Theo một cán bộ điều tra, Minh đang trong thời gian đi nghỉ, không có mặt ở Hà Nội nên đã bỏ trốn khi nghe thông tin bất lợi cho mình. “Chúng tôi đang củng cố hồ sơ và làm các thủ tục cần thiết để truy tìm đối tượng này” - một lãnh đạo PC50 cho biết.

Chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng

Theo kết quả điều tra ban đầu, mạng lưới của Muaban24 đã phát triển tới trên 100.000 gian hàng, có dấu hiệu chiếm đoạt hơn 500 tỉ đồng bằng mô hình nhị phân đa cấp ăn chia hoa hồng. Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang phối hợp với các lực lượng điều tra mở rộng để sớm làm sáng tỏ vụ án. Bộ Công an cũng chỉ đạo công an một số địa phương khẩn trương làm rõ các sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Muaban24.

Trao đổi với phóng viên Báo, luật sư Nguyễn Xuân Bính, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng cách thức kinh doanh của Muaban24 là biến tướng của loại hình kinh doanh đa cấp. Sự khác biệt ở đây là ở hình thức bán hàng đa cấp, thành viên của mạng lưới mua một món hàng thật, còn mua trên mạng Muaban24.vn là hàng ảo.

Tuy nhiên, hai loại hình này đều có cách hoạt động giống nhau: mua hàng hóa chỉ là phụ, lôi kéo được nhiều người tham gia vào các mạng lưới để chia số tiền ban đầu mà người mới phải nộp cho những người môi giới, cấp trên trong mạng lưới là mục đích chính.

Về mặt pháp lý, website của Muaban24 tự xưng là “sàn thương mại điện tử” nhưng chưa hề được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này là vi phạm quy định của pháp luật về đăng ký ngành nghề kinh doanh.

Triệu tập lãnh đạo chi nhánh tại Đắk Lắk

Nhiều người tố cáo Công ty CP Đầu tư Đại Hưng Phát

Ngày 2/8, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệu tập 2 giám đốc và 2 phó giám đốc của 2 chi nhánh Muaban24 tại tỉnh này. Trước đó, chiều 1-8, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra trụ sở của 2 chi nhánh nói trên và thu giữ nhiều tài liệu.

Trong những ngày qua, nhiều người dân ở Đắk Lắk đã gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo chi nhánh Công ty CP Đầu tư Đại Hưng Phát (trụ sở trên đường Lê Duẩn, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) hoạt động bất hợp pháp như Muaban24. Gần đây, nhiều hội viên của gobay.vn (website của Công ty CP Đầu tư Đại Hưng Phát) nghe tin công ty này đổi tên sang website datmuanhanh.com của Công ty CP Dịch vụ Đặt mua nhanh (trụ sở trên đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình - TPHCM) nên hết sức hoang mang. Chị Lê Thị Lệ Thu (ngụ phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) cho biết đã nộp cho công ty 2,8 triệu đồng để mua 1 gian hàng điện tử với lời hứa sẽ được cấp một thẻ mua hàng giảm giá 20% tại các siêu thị nhưng chờ mãi không thấy. “Tôi đến đòi tiền thì công ty không trả” - chị Thu bức xúc.

C.Nguyên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Quyết ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN