Ai bồi thường oan vụ "đi tè bị đổ tội cướp"?

Sự kiện: Tin pháp luật

Ba anh Khưu Khánh Sỹ, Trần Văn Uống và Ong Văn Sệt đã được VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm.

Ai bồi thường oan vụ "đi tè bị đổ tội cướp"? - 1

Đại diện VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM trao quyết định đình chỉ minh oan cho Ong Văn Sệt.  Ảnh: Hoàng Giang

Điều này có nghĩa các cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh đã khởi tố, bắt tạm giam, điều tra, truy tố và kết án oan họ.

Liên quan đến việc làm oan đối với anh Sệt thì căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN), VKSND huyện Bình Chánh có trách nhiệm bồi thường. Bởi anh Sệt đã bị bắt và bị truy tố sau khi tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại rồi chính VKS đình chỉ vì không phạm tội.

Đối với anh Sỹ và anh Uống, hai anh đã bị VKS truy tố lần hai sau khi tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, rồi chính VKS đình chỉ. Trường hợp này, Luật TNBTcNN vẫn chưa quy định cụ thể, rõ ràng cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hai anh.

Theo khoản 3 Điều 31 Luật TNBTCNN thì VKS có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp “Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội”. Trong khi đó, theo điểm a khoản 1 Điều 32 Luật TNBTCNN thì tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp “Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội”.

Tuy nhiên, tinh thần của điểm a khoản 1 Điều 32 Luật TNBTCNN cần hiểu là sau khi tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà trong quá trình điều tra lại, bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án (được minh oan), tức là không có quyết định truy tố lại lần hai của VKS thì tòa án cấp sơ thẩm mới có trách nhiệm bồi thường.

Đối với trường hợp cụ thể này, sau khi tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại, VKSND huyện Bình Chánh ra cáo trạng lần hai, Tòa Bình Chánh đã có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung và cuối cùng VKSND huyện Bình Chánh đã đình chỉ (được minh oan sau khi bị truy tố) nên VKSND huyện Bình Chánh là cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo khoản 3 Điều 31 Luật TNBTCNN. Tức là trường hợp này không áp dụng điểm a khoản 1 Điều 32 Luật TNBTCNN.

Phân tích trên cũng phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật TNBTCNN với nội dung “Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự phải bồi thường thiệt hại đã phát sinh trong các giai đoạn tố tụng trước đó”. Tức là cơ quan làm oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong vụ án này, sau khi điều tra lại thì VKSND huyện Bình Chánh đã truy tố lần hai rồi chính cơ quan này đình chỉ oan. cơ quan làm oan sau cùng là VKSND huyện Bình Chánh nên VKSND huyện Bình Chánh có trách nhiệm bồi thường cho anh Sỹ và anh Uống.

Các cơ quan tố tụng chưa lên tiếng

Sáng qua (14-12), anh Trần Văn Uống và Ong Văn Sệt đã đến VKSND huyện Bình Chánh để nộp đơn yêu cầu xin lỗi công khai tại quê nhà ở ấp Trà Teo, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng (đã thay đổi nơi xin lỗi so với đơn nộp chiều qua). Về vấn đề bồi thường thiệt hại, hai anh sẽ có yêu cầu sau.

Chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại, anh Khưu Khánh Sỹ cho biết sẽ xin chủ cho nghỉ một ngày để lên TP.HCM nhận quyết định đình chỉ minh oan cho mình và sẽ yêu cầu VKSND huyện Bình Chánh xin lỗi công khai.

PV đã liên hệ VKSND huyện Bình Chánh, VKSND TP.HCM và TAND huyện Bình Chánh để hỏi về vấn đề xin lỗi, bồi thường oan vụ này nhưng chưa nhận được câu trả lời.

ThS Nguyễn Trương Tín,

giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Pháp luật TP.HCM
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN