Acid độc hại: Nên quản chặt

Nhiều người cho rằng cần đưa các loại acid nguy hiểm vào diện kinh doanh có điều kiện.

Trên số báo trước chúng tôi đã đề cập đến chuyện nhiều người lạ lẫm với phiếu kiểm soát mua bán acid và việc mua bán loại hóa chất này rất dễ dàng.

Acid cũng như dao, rựa?

Tuy nhiên, từ sau vụ Nguyễn Văn Dũng tạt acid khiến sáu người phải vào viện ngày 3-11 ở TP.HCM, việc mua bán acid quanh khu vực chợ Kim Biên (quận 5) khác hẳn. Nhiều người buông câu cụt ngủn “Không có”, “không biết” khi chúng tôi hỏi mua.

Tại một điểm bán hóa chất trên đường Vạn Tượng, khi nghe chúng tôi hỏi mua acid, chủ quán lắc đầu rồi chỉ điểm bán đối diện: “Bên đó có bán acid, qua hỏi thử coi”. Sang điểm này, người bán nhìn chúng tôi rồi lắc đầu bảo không có. Đến thêm vài điểm bán hóa chất cố tìm mua acid nhưng ai cũng lắc đầu.

Dường như những người bán acid hiểu quá rõ từ nhiều vụ án thương tâm nên e dè. Trong khi đó, luật không xem các loại acid đậm đặc là hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh và nhiều người đồng tình với quy định này.

Acid độc hại: Nên quản chặt - 1

Một bệnh nhân bị tạt acid phải băng bó toàn thân tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC

Luật sư Nguyễn Trần Thúy Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lập luận: Nếu xem acid là hóa chất nguy hiểm thì dao, rìu, rựa, hay một số loại vật dụng khác cũng nguy hiểm tương tự. “Việc acid có nguy hiểm hay không là do người sử dụng nó cũng như các vật dụng dao, kéo, búa, … nên không cần phải quản lý chặt” - luật sư Hà nêu.

Đồng quan điểm, luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng sử dụng acid để tấn công người khác thì hậu quả chưa đến mức gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư nên không cần đưa vào danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện hoặc hóa chất bị cấm.

Nên đưa vào diện kinh doanh có điều kiện

Chỉ ra nhiều vụ án nghiêm trọng trong đó acid được sử dụng như là một loại phương tiện cực kỳ nguy hiểm, luật sư Lê Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định: Acid là một loại hóa chất nguy hiểm nên sản xuất, bảo quản, vận chuyển,… đều được thực hiện một cách cẩn thận, theo quy trình chặt chẽ. Acid khác với dao, rựa, rìu… vì các vật dụng này phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Trong khi đó, acid là hóa chất nguy hiểm, không phải là nhu cầu thường ngày của đại đa số. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa acid vào danh mục hóa chất cần được quản lý chặt trong việc sản xuất, kinh doanh. Mua bán phải có những điều kiện cụ thể.

Ở một góc nhìn khác, một thẩm phán TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) nhận xét ngày càng có nhiều vụ tạt acid nghiêm trọng, làm thỏa mãn tâm lý của người phạm tội là khiến nạn nhân “sống không bằng chết”. Mặt khác, việc mua acid lại dễ dàng, dễ che giấu và cũng dễ sử dụng chớp nhoáng rồi tẩu thoát. Do vậy, khi có mâu thuẫn cá nhân, không ít người đã chọn acid.

“Trước thực tế các vụ án đã xảy ra trong thời gian qua và những hình ảnh thương tâm của các nạn nhân, Nhà nước cần sớm đưa các loại acid nguy hại đến sức khỏe con người vào danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện, đồng thời phải thắt chặt quản lý việc mua bán acid” - vị thẩm phán này kiến nghị.

Theo chúng tôi, trong khi xem xét việc có nên đưa loại “vũ khí” này vào diện sản xuất kinh doanh có điều kiện hay không, cơ quan chức năng cần xem lại cách quản lý việc mua bán acid vì hiện nay việc này dường như bỏ ngỏ.

Kiểm soát mua bán acid ở các nước

Việc tấn công bằng acid xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới. Đứng đầu về tình trạng này là Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Campuchia, Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Anh, Kenya, Nam Phi, Uganda, Ethiopia… Nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn tình ái.

Tại Ấn Độ, từ đầu tháng 11, các cửa hàng mua bán acid phải có giấy phép, thường xuyên báo cáo số lượng với chính quyền. Nếu giấu giếm, khai man số lượng sẽ bị phạt 50.000 rupee (hơn 20 triệu đồng VN). Các cửa hàng chỉ được bán cho người có đăng ký thông tin với cửa hàng như hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại, mục đích sử dụng… Ai vi phạm có thể bị khởi tố theo Luật Thuốc độc của Ấn Độ năm 1919.

Các cơ sở y tế và giáo dục phải xin phép cơ quan tư pháp địa phương nếu muốn mua acid. Chính phủ phải bồi thường 300.000 rupee (102 triệu đồng VN) cho mỗi nạn nhân bị tạt acid.

Năm 2002, Bangladesh thông qua luật Luật Kiểm soát acid. Theo đó, sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, bán, sử dụng acid không giấy phép sẽ bị phạt từ ba đến 10 năm tù. Ai sở hữu thiết bị và nguyên liệu hóa học để sản xuất acid không giấy phép cũng bị phạt mức tù tương đương.

Tháng 1-2011, Bangladesh chỉ cho phép cửa hàng nào có đăng ký với Bộ Thương mại mới được mua và bán acid. Bên bán phải thu thập thông tin của bên mua bất kể là cá nhân hay tổ chức.

Năm 2011, Pakistan yêu cầu các cơ sở kinh doanh acid chỉ được nhập khẩu khi có giấy phép của chính phủ. Chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa cũng yêu cầu chính phủ sửa đổi luật, chỉ một số cửa hàng đáp ứng được các điều kiện đặc biệt mới được cấp phép mua bán acid.

Ở Bangladesh, thủ phạm tạt acid sẽ bị tử hình hoặc tù chung thân nếu nạn nhân mất khả năng nghe, nhìn, biến dạng mặt, ngực, bộ phận sinh dục. Nếu nạn nhân bị tàn phế các bộ phận khác, hình phạt sẽ từ bảy đến 14 năm tù. Hành vi tạt acid không gây hậu quả nào cũng sẽ bị 3-7 năm tù…

ĐĂNG KHOA

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NHÓM PV (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN