16 năm chú "vác đơn" đi kiện cháu

Vụ kiện tranh chấp thừa kế giữa người chú và cháu ruột kéo dài 16 năm chưa có hồi kết nhưng tình cảm máu mủ ruột rà của họ đã mất đi từ đó.

Cầm tờ đơn khởi kiện trên tay, ông Lâm Thành Hiếu (SN 1940, ngụ ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi - TPHCM) buồn bã: “Thấy tôi vác đơn đi tới đi lui, người ta hỏi tôi kiện ai. Tôi trả lời kiện cháu, nghe cũng chột dạ nhưng các đứa cháu kiên quyết không chịu chia thừa kế mấy căn nhà cha mẹ tôi để lại, đành phải nhờ luật pháp giải quyết”.

Khúc ruột cắt làm đôi

Lặng lẽ dắt chiếc xe đạp cũ kỹ vào quán nước ven đường, ông Hiếu cho biết tuần nào cũng đón xe buýt từ Củ Chi xuống TP để theo dõi vụ kiện. Giở xấp hồ sơ dày cộm gồm đơn khởi kiện, giấy biên nhận của tòa án, biên bản hòa giải của phường... Ông kể lại câu chuyện buồn của gia đình.

Cha mẹ ông chỉ có 2 người con trai, gồm ông và anh trai L.V.T (SN 1938 - đã mất). Do chăm chỉ làm ăn, buôn bán, ông bà mua được nhiều căn nhà nằm trên đường Nơ Trang Long, Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh - TPHCM. Cả gia đình sống và mở quán cơm tại 2 căn nhà trên đường Nơ Trang Long, những căn còn lại cho thuê.

Rồi mẹ ông mất, anh của ông lập gia đình có đến 11 người con, quán cơm được vợ chồng người anh quán xuyến. Năm 1976, trước khi mất, cha ông gọi 2 con lại nói về chuyện lập di chúc “nhưng tôi không quan tâm, nghĩ nhà chỉ có 2 anh em, chẳng lẽ khúc ruột lại cắt làm đôi?” - ông Hiếu nói.

Rồi ông lập gia đình. Thấy nhà đông đúc, ông dọn đến căn nhà từ đường của dòng tộc nằm gần cầu Thị Nghè ở. Đến năm 1986, gia tộc họp bàn về việc phân chia tài sản của cha mẹ ông cho 2 anh em nhưng mọi việc không thành vì các cháu ông muốn sở hữu cả 2 căn nhà trên. Thương lượng mãi không xong, năm 1996, ông viết đơn khởi kiện tại TAND quận Bình Thạnh.

“Từ ngày khởi kiện, tình cảm chú cháu không còn như xưa, các cháu nhìn tôi như người xa lạ. Mùng 5 Tết năm rồi, tôi buồn quá, ghé nhà các cháu chơi, chúng kêu công an phường đến mời tôi về làm việc. Tôi thấy đau vô cùng. Biết vậy, hồi trước tôi nghe lời để cha lập di chúc cho êm chuyện…” - ông thở dài.

Đợi đến bao giờ?

Tháng 10/1996, ông Hiếu đến UBND phường 7, quận Bình Thạnh khiếu nại vụ việc. Phường mời hai bên lên hòa giải nhưng không thành. Ông nộp đơn khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế tại TAND quận Bình Thạnh. Tòa nhận đơn, ông phải đợi đến năm 2000 mới được gọi lên chỉ để nghe nói: “Quá thời hạn khởi kiện”. Ông tiếp tục nộp đơn kiện, tòa nhận đơn và ông lại tiếp tục chờ đến... 10 năm sau vẫn không động tĩnh gì.

Năm 2010, ông quyết định làm lại từ đầu: nộp đơn khiếu nại tại UBND phường 7. Hòa giải không thành, ông khởi kiện tại TAND quận Bình Thạnh. Lần này, tòa nhận đơn và yêu cầu ông bổ sung chứng cứ như giấy tờ chứng minh nguồn gốc căn nhà. “Hai căn nhà chưa được hợp thức hóa giấy tờ nhưng nguồn gốc mua bán trước đây mấy đứa cháu giữ hết, làm sao tôi có?” - ông than thở.

Đầu năm 2012, có người thương tình chỉ ông đến Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước (quận 10). Một hành trình mới với bao hy vọng mở ra khi ông được các luật sư ở đây tận tình giúp đỡ. Thế nhưng, mọi việc vẫn chưa tiến triển. Đã hơn 6 tháng kể từ ngày trung tâm gửi đơn yêu cầu tòa án sớm giải quyết vụ kiện nhưng vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ vì “tòa phải thụ lý quá nhiều hồ sơ”, “hồ sơ của ông Hiếu còn thiếu”…

“Tuần sau, tôi lại lên tòa hỏi thăm nữa. Lần này, tôi kiên quyết lắm, đến khi nào tòa xử kiện mới thôi. Ước nguyện của tôi là đòi lại quyền lợi chính đáng để có mặt bằng cho vợ con buôn bán. Ở quê, vợ tôi đan lát mỗi ngày kiếm vài ba chục ngàn đồng; còn tôi nhổ cỏ thuê, làm rẫy mướn; hai đứa con trai đứa làm công nhân, đứa phụ hồ… không đủ trả nợ tiền vay mượn cho thằng nhỏ đi hợp tác lao động ở nước ngoài...” - ông cho biết.

Đủ điều kiện để tòa thụ lý

Luật sư Đào Thị Bích Liên (Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước), người trực tiếp giúp ông Hiếu, cho biết: “Những yêu cầu của tòa án tôi đã làm đơn trình bày. Theo đó, giấy tờ nguồn gốc căn nhà hiện cháu ông Hiếu giữ, bản thân ông cũng không thể đến cơ quan Nhà nước trích lục giấy tờ liên quan vì muốn trích lục phải có giấy giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền như tòa án. Đến thời điểm này, theo tôi, đã đủ điều kiện để tòa thụ lý vụ việc.

Chưa kể, ông Hiếu thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Với đối tượng này, tòa án nên xem xét sớm thụ lý vụ kiện để đáp ứng quyền lợi chính đáng của họ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hồng (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN