Trổ tài làm bánh thốt nốt

Ngoài cho đường, cơm thốt nốt có mùi thơm mít chín còn dùng để làm bánh.

Thốt nốt được trồng nhiều nhất là ở vùng Tịnh Biên, Tri Tôn (Bảy Núi, An Giang). Ngoài việc cho đường, cơm thốt nốt có mùi thơm mít chín, được dân địa phương chế biến thành một số loại bánh, phổ biến nhất là bánh bò hoặc nấu chè và bánh thốt nốt.

Bánh thốt nốt được làm từ nước thốt nốt, trái thốt nốt và gạo Nàng Nhen - loại gạo đặc chủng chỉ canh tác được ở vùng Bảy Núi.

Để làm bánh, người ta lấy gạo xay thành bột, ủ một đêm cho lên men, hoặc gạo xay xong, đem phơi khô và cất trong vòng một năm, mới cho thứ bánh không mềm nhão và ngon giòn.

Lấy bột trộn với cơm thốt nốt (lựa cơm dày) và nước thốt nốt rồi gói trong tấm lá chuối theo hình chữ nhật, xong đem hấp. Chừng tiếng đồng hồ, theo hơi nóng bốc ra từ nắp xửng là mùi thơm ngào ngạt lan tỏa.

Mở gói lá ra, bánh thốt nốt có màu vàng sáp trông rất bắt mắt. Người ta còn làm bánh theo cách khác: Trái thốt nốt già chà vào rổ lấy bột, trộn với gạo, chút dừa nạo rồi gói trong tấm lá chuối (hoặc lá dừa, lá thốt nốt) đem hấp...

Thốt nốt có tên khoa học Borassus, thuộc họ Arecaceae, là một giống dừa lớn gồm 9 loài, nguồn gốc tại các vùng nhiệt đới châu Phi, Éthiopi, Sénégal...

Thốt nốt cũng được dân bản địa ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao như vitamin C, B1, B2, B3, calcium, sắt, phosphor và potassium. Cây non được dùng như một loại rau, trái thì ăn sống hay nấu chín, nước có vị thơm ngon và dịu mát được uống tươi hoặc thắng làm đường.

Trổ tài làm bánh thốt nốt - 1

Thốt nốt được dân bản địa ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh: shutterstock

Theo một số nghiên cứu về dược liệu, những phần khác của thốt nốt cũng có khả năng trị liệu tốt. Hoa thốt nốt đực có thể xoa dịu các bệnh viêm nhiễm da do nấm hoặc vi trùng, hỗ trợ ức chế và loại bỏ các tế bào ung thư dạ dày. Ngoài cùi nạc được sử dụng tươi trong các món nước và chè, đường thốt nốt cũng được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực, tốt cho những người bệnh tiểu đường, sỏi thận, bệnh tim mạch... và hiện được xếp vào danh sách thực phẩm sạch.

Lưu ý: Khi mua nên chọn đường màu trắng xanh là ngon nhất, để lâu được; màu vàng là đường cũ, bị lọt gió, mau chảy, không thể để lâu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Kiều (ihay)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN