Ngũ sắc trong mâm xôi

Sự kiện: Món ngon Việt Nam

Phải là những ngày lễ, tết thực sự lớn, hay khi gia đình có việc trọng đại hoặc ít ra là có “khách quý” thì người Cao Lan ở bản Khe Nghè, xã Lục Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) mới làm xôi ngũ sắc. Món xôi độc đáo này không chỉ thơm, ngon, đẹp mà còn chứa đựng cả những ý nghĩa triết lý vũ trụ, nhân sinh quan trong ngũ hành.

Bản Khe Nghè nằm lọt thỏm giữa những dãy núi điệp trùng của vùng núi phía Tây Yên Tử. Có lẽ do tách biệt hẳn với bên ngoài nên dường như đồng bào Cao Lan nơi đây vẫn bảo tồn nguyên vẹn nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Nhìn đĩa xôi với đủ năm màu (xanh, đỏ, tím, vàng, trắng) thật bắt mắt đã làm tôi khó thể cưỡng lại được cái cảm giác muốn ăn ngay cho thoả. Ấy vậy mà khi nghe kể về các công đoạn cầu kỳ, phức tạp làm món xôi này, tôi thực sự không nỡ lòng nào phá cỗ sớm.

Là chỗ thân quen nên tôi thường lên nhà anh Dương Văn Quang, bí thư chi bộ bản Khe Nghè, vậy nhưng món xôi ngũ sắc lần đầu tiên tôi biết đến khi anh đãi khách. Có điều tôi thấy rất lạ là không chỉ phụ nữ trong bản biết làm xôi mà cả những đấng mày râu ở đây cũng rất thành thục làm món này. Anh Quang kể: Không phải mùa nào cũng có thể làm được xôi ngũ sắc, bởi còn phụ thuộc vào lá rừng. Ví như muốn có màu tím để làm xôi thì phải chờ quãng tháng 7 đến tháng 10, lúc đó lá cây thau vừa đủ độ già, còn khi mùa đông về lá cây sẽ rụng hết. Để có màu xanh đồng bào lấy từ lá gừng, màu đen lấy từ lá cây thau, màu vàng lấy từ củ nghệ vàng hoặc từ quả giành giành, màu đỏ được tạo từ lá cẩm hồng hoặc cẩm tía, còn với màu trắng thì chính là màu của gạo nếp có sẵn.

Ngũ sắc trong mâm xôi - 1

Để tạo màu, người Cao Lan sử dụng lá cây rừng trích li lấy nước

Để tạo màu, đồng bào lấy từng loại lá rừng trên đem nghiền nhỏ rồi chiết lấy nước đặc, mỗi màu đem ngâm riêng với gạo nếp trong nước chừng 6 – 7 giờ đồng hồ rồi cho từng loại gạo đã được tẩm màu vào chõ xôi để đồ (giai đoạn này gọi là đồ xôi). Gạo nếp mà người Cao Lan dùng, là loại nếp trồng trên nương có vị đậm đà, thơm hơn nếp bình thường. Với màu sắc hấp dẫn, hương vị đặc trưng của gạo nếp nương, thêm những mùi vị rất riêng của các loại lá rừng tạo cho xôi ngũ sắc có những dư vị thật độc đáo và khác lạ. Điều đặc biệt hơn, đây không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn là tinh hoa văn hoá ngàn đời. Mỗi màu sắc trong xôi đều mang ý nghĩa triết lý riêng, năm màu tương ứng với năm chất trong “ngũ hành” có sự tương sinh, tương khắc. Các màu thường là: đỏ, đen, trắng, vàng, xanh hoặc tím (tuỳ vào quan niệm của mỗi vùng mà có những màu sắc khác nhau). Nhưng về cơ bản thì họ quan niệm màu đỏ tượng trưng cho hoả, đen là màu của thuỷ, trắng là màu của kim, vàng là màu của thổ, xanh hay tím tượng trưng cho mộc.

Có nhiều cách để thưởng thức xôi ngũ sắc nhưng theo kinh nghiệm và truyền thống của dân tộc Cao Lan thì ăn xôi ngũ sắc cùng với thịt gà, giò, chả là ngon nhất. Tết, người Cao Lan còn làm xôi với đề tài chúc tụng, mừng xuân, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình, bản thân như xôi có chữ “Phúc – Lộc – Thọ”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Ngoan (Sài Gòn tiếp thị)
Món ngon Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN