Đa tình như rau me

Quý ông hay quý bà đa tình thêm nhiều phiền toái. Song rau cỏ đa tình chỉ có lợi!

Đơn cử như me đất.

“Lá me đất màu xanh lục gồm có ba cánh hình trái tim, xếp châu đuôi lại với nhau rất đều đặn... Bây giờ tôi lại phát hiện thêm hoa me đất rất đẹp. Màu hoa hồng tươi năm cánh, ở giữa là nhụy vàng cam. Hoa nở rộ lên khi ánh nắng chan hòa trong vườn. Búp hoa hình bình hoa, màu trắng ngà, khi hàm tiếu chúm chím mà tím hồng ở giữa và khi nở ra, màu tím hồng tươi của hoa xen lẫn giữa những đám lá màu xanh lục trông thật đẹp.” (“Bát canh me đất”, Phong Sơn, trích Hương Sen Huế - Nhớ Huế 6, NXB Trẻ TP.HCM)

Thật sững sờ, khi người bạn gốc “Thành kinh” (cố đô Huế) để nước cốt me đất “vuốt ve” da thịt “em” cá lóc nướng tỏa hương thơm lừng. Không ngờ, vị chua khẽ khàng lẫn chát dịu đã đánh bật chất tanh cố hữu trên da con cá nuôi. Không chỉ thế, hương vị chua dìu dặt còn thấm đẫm vào thịt cá, kích thích khẩu vị vô cùng.

Đa tình như rau me - 1

Thường mọc ké các chậu kiểng nhiều phân hữu cơ, me đất đẹp mộng mơ, chua quyến rũ! - Ảnh: Tạ Tri

Cá được làm sạch, dồn chả gồm: giò sống, bún tàu, nấm mèo, tiêu, tỏi... Nướng trên đá cuội đã hầm đỏ rực. Thỉnh thoảng, người nướng “son phấn” cho cá bằng ít dầu phộng để da vừa không quá khô vừa tăng thêm độ béo thực vật lẫn hương thơm quyến rũ. Sau cùng, ít nước xốt lá me đất được rưới lên.

Thêm dĩa rau sống lấp lánh sắc màu: chuối chát, khế, tía tô...; bánh tráng và chén mắm cái cá cơm đầy đặng hương sắc. Ngon quên thôi!

Một chị bạn ở Hội An còn quả quyết rằng, canh chua me đất nấu với cá cơm bạc đầu mùa hoặc hến sông Thu Bồn mới ngon nhất... thế giới! Nghe có vẻ “một tấc tới trời”, nhưng chị có lý lẽ riêng: không đâu có thổ nhưỡng như Đà Nẵng!

Chính thổ nhưỡng đã tạo nên nét duyên “tiền định” cho cọng hành hương Trà Quế, thơm đắm thơm say dân mộ điệu trong ngoài nước. Chính lượng phiêu sinh trong lòng sông Hoài (Thu Bồn) đã nuôi nấng con hến lớn không quá đầu ngón tay nhưng cho thịt thơm ngon “trên cả tuyệt vời”! Đã vậy, để cho anh me đất “ve vãn”, thì những món trên ngon khỏi bàn là... “chính xác”!

Có điều, me đất được nêm sau cùng trong món canh mới “hấp dẫn đến giọt sau cùng”. Vấn đề là làm sao “dụ dỗ” me đất về mọc lũ lượt trong vườn nhà? - Khá đơn giản, me đất thường “ăn ké” chất phân hữu cơ từ những chậu kiểng trồng hoa mai, sứ...

Hoặc lỡ bạn bị viêm họng nhẹ, có thể nhâm nhi 5-7 cọng lá me đất, 2-3 lần/ngày, sẽ khỏi. Gặp nắng hạ chói chan, bạn có thể giã nhuyễn nhúm lá me đất, thêm vài giọt mật ong, đem nấu sôi, nêm ít muối. Để nguội, cất vào tủ lạnh, 30 phút sau có thứ nước giải khát tuyệt vời!

Theo Đông y, me đất giúp: thanh nhiệt, giải khát, mát máu, an thần... Thế nhưng TS Võ Quang Yến khuyến cáo: “... người có sỏi sạn trong bàng quang không nên  dùng me đất.” ( “Canh chua me đất”, trang 311, sách Cây Nhà Lá Vườn, NXB. Đà Nẵng)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tạ Tri (Saigonamthuc)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN