Từ video thầy Mỹ chê tiếng Anh của giáo viên Việt: Đâu là chuẩn phát âm tiếng Anh?

“Giáo viên nên lấy việc học phát âm là động lực để thành công và không nên tự ti về xuất phát ngữ âm của mình, dù bạn học với ảnh hưởng chất giọng từ miền nào. Khi bạn luôn chỉn chu trong tâm huyết, học sinh sẽ luôn ghi nhận”.

Clip: Một đoạn trích trong video "bóc mẽ" lỗi sai của giáo viên tiếng Anh người Việt Nam.

Nhiều ngày qua, video “Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt” do Dan Hauer - một giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam thực hiện, đã được cộng đồng mạng chia sẻ “chóng mặt” và tạo nên những diễn đàn thảo luận sôi nổi. Qua video này, nhiều ý kiến tranh luận trái chiều đã “nổ” ra.

Về cách học tiếng Anh của người Việt nói chung và cách người Việt phát âm tiếng Anh nói riêng, chúng tôi xin trích dẫn bài phân tích của Th.S Đinh Trương Mỹ Hạnh - Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Giáo dục, chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh tại Đại học University at Albany (New York, Mỹ).

Đâu là chuẩn cho giáo viên tiếng Anh?

Qua sự hướng dẫn của thầy giáo khi học môn English Language Teaching (ELT) ở những ngày đầu năm nhất sư phạm, tôi đã có dịp nhìn nhận lại và tự so sánh phát âm của bản thân với ngưỡng chuẩn của người bản xứ nói tiếng Anh. Nhiều vấn đề như các âm bật hơi, các nguyên âm có độ dài ngắn khác nhau, trọng âm, ngữ điệu và phát âm cuối được ghi nhận.

Từ video thầy Mỹ chê tiếng Anh của giáo viên Việt: Đâu là chuẩn phát âm tiếng Anh? - 1

Th.S Đinh Trương Mỹ Hạnh, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Albany.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hệ thống âm thanh của các ngôn ngữ có những điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt. Vì thế, nó tạo ra sự đặc trưng thú vị khi người nước ngoài học ngôn ngữ mới. Và vì sự khác biệt về hệ thống ngữ âm mà không chỉ người Việt Nam, khi người Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản,… nói tiếng Anh thì đôi khi người nghe sẽ thấy họ hoàn toàn không ý thức rằng cách họ phát âm khác người bản xứ.

Cụ thể là người Trung Quốc phát âm tiếng Anh có nhiều âm nghe như âm “s” trong tiếng Việt, người Nhật và Hàn thì không có ngữ điệu. Còn bản thân tôi, khi nói chuyện với các bạn bản ngữ, có thể sẽ nhận được góp ý là nên phát âm rõ âm cuối và có những âm phải phát âm cho tới nốt.

Ở Việt Nam, việc học tiếng Anh bao hàm cả học hệ thống âm thanh và cách nhấn nhá, âm điệu. Học viên và phụ huynh thường đương nhiên cho chuẩn là các quốc gia kể trên nên lấy đó để học tập và tiếp thu. Do vậy, giáo viên tiếng Anh Việt Nam thường sẽ luyện tập để phát âm gần giống hoặc cố gắng giống 100% người các nước ấy. Đặc biệt với sự phát triển của Internet, tài liệu học tập và nhiều cơ hội trao đổi với đồng nghiệp bản xứ như ngày nay đã giúp giáo viên Việt có cơ hội gia tăng khả năng phát âm của mình.

Thế nhưng, quan niệm chuẩn trong phát âm sẽ khác một chút với chuẩn trong giao tiếp thực tế xã hội. Lấy ví dụ thực tế, tiếng Anh giọng Mỹ được chia ra nhiều “dialect” (hình thái ngôn ngữ) địa phương khác nhau tùy vùng miền. Khi đi về phía nam sẽ có giọng “Southern Accent”, và lên phía Bắc sẽ có giọng của “New Yorkers”, khiến chuẩn ở đây chỉ mang tính tương đối.

Tôi có cô bạn nói giọng Anh cực hay nhưng qua New York lại gặp khó khăn vì người dân nơi đây nhận xét cô ấy nói “nghe không ra”. Do đó, chuẩn ở đây quan trọng nhất là yếu tố rõ ràng. Tiếp đến là cách phát âm sao cho nghe quen tai nhất, gần tiệm cận nhất với âm thanh người nghe.

Tại Mỹ, các giáo sư còn cho biết họ sẽ tự điều chỉnh để “nghe riết rồi quen”, và cuối cùng là họ hiểu luôn sự khác biệt của đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác nhau, như người nói tiếng Anh giọng Sing, giọng Việt, giọng Ấn, giọng Nga,…

Làm sao để tập nói tiếng Anh cho chuẩn?

Chuẩn ở đây có thể hiểu là phải “nói để hiểu được” dù cho bạn đang cảm thấy “nghe rất hay, rất giống người bản xứ”. Điều này được Dan nhấn mạnh ở đầu video, rằng ba mẹ Dan chưa quen với cách phát âm của người Việt, trong khi Dan quen rồi và có thể nhận ra. Thế nên, tôi cho rằng, các giáo viên tiếng Anh không nên cảm thấy tự ti về xuất phát ngữ âm của mình.

Từ video thầy Mỹ chê tiếng Anh của giáo viên Việt: Đâu là chuẩn phát âm tiếng Anh? - 2

Một giáo viên tiếng Anh người Việt Nam muốn nói “please call police”, nhưng ba mẹ của Dan (người Mỹ) nghe câu đó là “please call polet”. (Ảnh cắt từ clip)

Nhiều nghiên cứu cho rằng, giáo viên cảm thấy vô cùng áp lực khi học sinh của mình được tiếp xúc với tiếng Anh từ bé và nói chuẩn hơn cả mình. Giáo viên cũng cảm thấy áp lực nếu bị “sửa lưng” hay bị góp ý, và có thể họ sẽ cố gắng để cuối cùng học trò thấy mình đúng. Nhưng chính sự phát triển của phản biện đa chiều là động lực để giáo viên Việt Nam nhận ra những sự khác biệt của mình.

Giáo viên tiếng Anh nên có định nghĩa chuẩn mực cho riêng mình và suy ngẫm, học hỏi nó trong suốt qua trình làm mẫu cho học trò. Suy ngẫm ở đây bao gồm cả việc sửa lỗi sai của chính mình để chất lượng giảng dạy tốt hơn. Một điểm nữa là cũng nên giới thiệu và cho học trò trải nghiệm qua giọng tiếng Anh của người nước ngoài đến từ các nước Anh, Úc, Mỹ,…

Học sinh không chỉ học từ giáo viên Việt Nam trong việc phát âm đơn thuần mà còn học cách thức luyện phát âm. Tôi có một người bạn dạy tiếng Anh ở Mỹ, anh ấy sẽ trình chiếu video quay rõ cách mở miệng và phát âm trên BBC để thầy trò cùng luyện. Hoặc khi làm mẫu phát âm, anh ấy hay hỏi lại học trò: “Thầy phát âm vậy sai hay đúng?”, “Có bạn nào có ý kiến phản biện không?”.

Phát âm sai hay đúng là một định nghĩa có nhiều ý kiến trái chiều. Căn cứ vào thang điểm của mỗi người mà họ có thể đưa ra chuẩn mực đúng với một nhóm người, nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục với nhóm khác. Nếu có nhận góp ý, thì chúng ta hãy thoải mái sàng lọc và tiếp thu các đóng góp đó, rồi kiểm chứng cách mình đang phát âm trước khi phổ biến nó.

Việc phát âm sai mà còn dạy cho học sinh cùng sai thì rất đáng tiếc và rất khó sửa. Nếu chuyện phát âm sai sinh ra từ sự vô tình của giáo viên thì có thể sửa bởi tinh thần trách nhiệm và tâm huyết nghề nghiệp của giáo viên. Điều này không một học viên ngoại ngữ nào không đồng tình. Ngược lại, nếu chuyện phát âm sai đi từ sự cẩu thả về mặt chuyên môn thì rất đáng lên án.

Đỏ mặt đọc phiên âm tiếng Việt

Phiên âm tên riêng nước ngoài đôi khi “méo cả mồm” cũng không biết đúng sai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN