Thông tin “bắt cóc trẻ lấy nội tạng” dưới góc nhìn bác sĩ

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, chuyên gia hàng đầu về cấy ghép nội tạng tại Việt Nam, người ta sẽ không dại gì lấy tạng trên ô tô ở biên giới. Vì có lấy cũng không thể sử dụng được.

Thông tin “bắt cóc trẻ lấy nội tạng” dưới góc nhìn bác sĩ - 1

Để lấy nội tạng sử dụng phải nhờ đến đến hàng chục chuyên gia hàng đầu và phải bảo quan nghiêm ngặt.

Trước thông tin về 16 vụ bắt cóc xảy ra ở giáp ranh Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong đó nạn nhân đều bị lấy nội tạng, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, chuyên gia hàng đầu về cấy ghép nội tạng tại Việt Nam, người thực hiện hàng trăm ca cấy ghép nội tạng nói: “Không thể có chuyện mổ lấy nội tạng như miêu tả, đây là thông tin bịa đặt”.

Chuyên gia hàng đầu về cấy ghép nội tạng lý giải, để chuẩn bị lấy tạng ra khỏi ổ bụng, các bác sĩ phải đặt các đường ống truyền để bơm dung dịch đặc biệt vào để rửa tạng. Do đó, khi tạng đã được lấy ra khỏi cơ thể thì vẫn phải được rửa bằng môi trường được làm lạnh. Tạng phải được bảo quản ở trong nhiệt độ 3-4 độ C C, và được ngâm trong dung dịch bảo quản đặc biệt. 

Hơn nữa, để bảo quản được tạng và lấy tạng ghép cho người khác, yêu cầu đầu tiên là ca mổ lấy tạng phải được thực hiện trong điều kiện môi trường vô trùng tuyệt đối, với những máy mọc đặc biệt, dung dịch đặc biệt, tạng được bảo quản trong thời gian 5 – 10 – 15 tiếng…

“Do đó, người ta sẽ không dại gì lấy tạng trên ô tô ở biên giới. Vì có lấy cũng không thể sử dụng được”, ông Quyết nói.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ, cách đây không lâu, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ghép tạng xuyên Việt đầu tiên từ người cho chết não tại BV Chợ Rẫy được chuyển ra Hà Nội đã phải trải qua quá trình ngặt nghèo. Chẳng hạn, phẫu thuật viên phải ngâm đôi bàn tay trong đá lạnh buốt để đảm bảo nhiệt độ đủ lạnh giúp làm ngưng quá trình chuyển hóa của tế bào trong tạng. Sau đó tạng được lấy ra lập tức được bảo quản trong dung dịch đặc biệt và môi trường được làm lạnh với nhiệt độ quy định…

Cụ thể: Ngày 26/4, từ 3h sáng, đoàn đã xuất phát lên đường từ Bệnh viện, 14h55, tim được lấy ra khỏi lồng ngực người hiến, 5 phút sau, gan được lấy ra khỏi ổ bụng. 17h, kíp lấy tạng và vận chuyển đã báo cáo về Trung tâm để chuẩn bị bệnh nhân được ghép tạng ở Hà Nội. Đến 20h25, tạng về tới Bệnh viện Việt Đức và ca ghép tạng được bắt đầu ghép.

Các ekip đã làm việc miệt mài, kết quả, 0h15 ngày 27/4, ca ghép gan hoàn tất. 3h ngày 27/4, ca ghép tim hoàn tất. Tròn 24 tiếng kể từ thời điểm 7 chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức đi nhận tạng tại TP HCM.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một hình ảnh chụp lại văn bản thông báo của Công an huyện Si Ma Cai (Công an tỉnh Lào Cai) gửi đến Công an các xã và các trường học trên địa bàn huyện Si Ma Cai với nội dung: “Ngày 27/7/2016, Công an huyện Si Ma Cai nhận được công văn số 1177/CAT-PV11 của Công an tỉnh Lào Cai thông báo: Tại địa phận giáp ranh Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt...).

Qua xác minh, nắm được các đối tượng là người Trung Quốc, tổ chức thành từng nhóm từ 3 đến 5 đối tượng, sử dụng xe ô tô (không có biển kiểm soát), đối tượng tập trung vào những gia đình có người già, trẻ em ở, học sinh các trường tổ chức đi học ngoại khóa, trẻ em đi chăn thả gia súc, làm nương rẫy một mình...Các đối tượng bắt cóc đưa lên ô tô, đến khu vực vắng rồi mổ lấy nội tạng.

Trả lời báo chí, ông Hoàng Tiến Bình, Trưởng Công an huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận về thông báo cảnh giác tình trạng bắt cóc, mổ lấy nội tạng của Công an huyện Si Ma Cai gửi các xã và trường học trên địa bàn, ông đã nhanh chóng liên lạc với cán bộ để kiểm tra.

“Tôi đang không ở cơ sở, tuy nhiên qua xác minh ban đầu cho thấy đây là công văn thật. Mục đích thông báo là để tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác”, ông Bình cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN