Metro Bến Thành - Suối Tiên nguy cơ vỡ tiến độ vì chậm trả tiền

Sự kiện: Thời sự

Trước tình trạng chậm chi trả vốn ODA, nhà thầu tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đòi giảm tiến độ hoặc ngưng công trường khiến tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Sài Gòn có nguy cơ vỡ kế hoạch.

Metro Bến Thành - Suối Tiên nguy cơ vỡ tiến độ vì chậm trả tiền - 1

Sau 5 năm thi công, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã thành hình với những đường cong uốn lượn

Đó là chia sẻ của ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đưa ra tại buổi thông tin về tiến độ các tuyến đường sắt đô thị quý II vào sáng 24.5.

Theo ông Quang, trong năm 2017 tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên cần hơn 5.400 tỷ đồng, trong khi đó vốn Trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỷ đồng và chỉ đủ trả nợ cho nhà thầu và tiền tạm ứng của thành phố.

“Chúng tôi đã báo cáo với UBND TP đề nghị với Chính phủ tiếp tục cấp vốn để phục vụ cho việc chi trả cho nhà thầu trong thời gian tới. Hiện tại chúng ta đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đến nay việc giải ngân vốn vẫn chưa được các cơ quan ban ngành thống nhất”, ông Minh chia sẻ và cho biết với tình hình cấp vốn hiện nay gây ảnh hưởng rất lớn đến dự án đường sắt đô thị tuyến số 1.

“Cuối năm 2016, trong điều kiện cấp bách, TP đã quyết định tạm ứng vốn ngân sách để cung cấp cho các nhà thầu, trả lương cho công nhân, các nhà cung cấp vật tư… nhưng việc này không thể làm mãi được vì TP không đủ điều kiện chi trả. Đến nay, Ban quản lý nhận được vốn từ Trung ương chi nhưng chỉ đủ để trả nợ. Trong thời gian tới, nếu việc chậm chi vốn còn xảy ra thì khả năng vỡ tiến độ, kế hoạch đặt ra là có thật. Đã có nhiều nhà thầu lên tiếng giảm tiến độ và có thể ngưng công trường”, ông Minh nói.

Metro Bến Thành - Suối Tiên nguy cơ vỡ tiến độ vì chậm trả tiền - 2

Nhưng hiện có nguy cơ vỡ kế hoạch vì chậm chi trả vốn

Theo Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP, nếu nhà thầu giảm tiến độ thì các chuyên gia sẽ được rút khỏi dự án. Ngoài ra, việc thanh toán chậm họ có thể yêu cầu TP trả lãi hoặc có thể ngưng thi công, thiệt hại sẽ rất lớn.

 “Vừa rồi, cơ quan phát triển hợp tác của Nhật (JiCa) họ đã đặt vấn đề rất rõ tại các buổi làm việc với các đoàn TP.HCM cũng như Trung ương về khả năng tài chính. Các nhà đầu tư nghi ngại khi đầu tư tại TP.HCM có được thanh toán, trả theo đúng hợp đồng hay không?. Mối nguy trên cần được sự giải quyết thấu đáo từ phía Trung ương và địa phương để không ảnh hưởng đến dự án”, ông Quang chia sẻ.

Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công vào tháng 8.2012. Tuyến dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Sau 5 năm thi công, tuyến metro đầu tiên của TP.HCM đã dần thành hình với những đường cong uốn lượn. Dự kiến đến năm 2020, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố sẽ chính thức đi vào khai thác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN