Hải chiến Thập Phổ: Thảm bại của hạm đội hèn nhát

Dù là lực lượng được cử đi phá vây, song quân Thanh lại bị quân Pháp săn lùng. Sự hèn nhát của hải quân nhà Thanh đã phải trả giá đắt.

Ở kỳ trước, chúng ta thấy rằng mặc dù là hạm đội đóng vai trò là lực lượng xung kích được cử đi phá vòng vây của hải quân Pháp tại eo biển Đài Loan (Formosa), song Hạm đội Nam Dương của hải quân Trung Quốc lại tỏ ra hèn nhát, run sợ và không dám đối đầu.

Sự hèn nhát đó của chỉ huy hạm đội đã tạo điều kiện cho quân Pháp mở chiến dịch truy lùng và tìm diệt, mặc dù lực lượng của quân Pháp kém hùng hậu hơn nhiều. Và cuối cùng, quân Pháp đã phát hiện ra dấu vết của Hạm đội Nam Dương tại vịnh Thập Phổ, và trận hải chiến bắt đầu.

Hải chiến Thập Phổ: Thảm bại của hạm đội hèn nhát

Đang neo đậu tại vịnh Thập Phổ, phát hiện hạm đội Pháp đang tiến lại gần, hạm đội Nam Dương cũng nhanh chóng triển khai đội hình “chữ V”do kỳ hạm Kaiji của Đô đốc Wu dẫn đầu tiến về phía quân Pháp. Nhìn đội hình hoành tráng của quân Trung Quốc đang lừng lững tiến về phía mình, quân Pháp tin rằng đối phương đã sẵn sàng cho một phen sống mái nên chuẩn bị tinh thần để khai pháo và giao chiến.

Hải chiến Thập Phổ: Thảm bại của hạm đội hèn nhát - 1

Đội hình tàu chiến Pháp truy lùng Hạm đội Nam Dương

Thế nhưng họ không ngờ được rằng lúc họ chưa kịp bắn một phát đạn nào thì hạm đội Trung Quốc bất ngờ tan vỡ và tản mát ra khắp nơi. Ba chiếc tuần dương hạm cắm đầu chạy thẳng về phía nam, trong khi tàu khu trục Yuyuan và thuyền buồm Chengqin rúc vào trong vịnh Thập Phổ.

Theo trung úy hải quân Mỹ L. C. Arlington làm cố vấn cho Hạm đội Nam Dương, Đô đốc Wu có mối hiềm khích với thuyền trưởng của hai con tàu trên nên đã ra lệnh cho họ chạy vào vịnh Thập Phổ để trở thành con tốt thí cho quân Pháp nhằm cứu những chiếc tàu khác.

Hải chiến Thập Phổ: Thảm bại của hạm đội hèn nhát - 2

Trung úy hải quân Mỹ L. C. Arlington làm cố vấn cho Hạm đội Nam Dương

Vì không thể đuổi kịp 3 chiếc tuần dương hạm chạy quá nhanh, quân Pháp ngay lập tức quay trở lại vịnh Thập Phổ để chiến đấu với 2 chiếc tàu đang mắc kẹt bên trong. Đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15/2/1885, quân Pháp sử dụng 2 tàu phóng ngư lôi loại nhỏ để tấn công quân Thanh.

Quân Pháp đã lợi dụng đúng dịp giao thừa tết Nguyên đán năm đó để phát động tấn công với hy vọng lính gác của quân Thanh sẽ bê trễ nhiệm vụ trong dịp tết. Lợi dụng đêm tối, hai chiếc tàu phóng ngư lôi của quân Pháp lặng lẽ tiến đến gần mục tiêu là 2 tàu chiến Trung Quốc đang thả neo trong cảng.

Hải chiến Thập Phổ: Thảm bại của hạm đội hèn nhát - 3

Quan lại và binh lính nhà Thanh hồi thế kỷ 19

Tuy nhiên khi chỉ còn cách khoảng 100 mét, họ bị quân Thanh ở trên tàu phát hiện và vãi đạn như mưa về phía hai chiếc tàu phóng ngư lôi. Loạt ngư lôi đầu tiên của quân Pháp bắn từ khoảng cách xa bị trượt mục tiêu, và hỏa lực của quân Thanh càng lúc càng dày đặc hơn.

Hai tàu phóng ngư lôi của Pháp đã liều mạng tiếp cận gần hơn dưới làn đạn súng trường và phóng loạt ngư lôi tiếp theo rồi rút ra ngoài an toàn. Hai quả ngư lôi này bắn trúng thân tàu Yuyuan khiến chiếc tàu khu trục của quân Thanh bị thủng một lỗ lớn và chìm dần.

Sau tiếng nổ của quả ngư lôi đầu tiên, các thủy thủ trên tàu Yuyuan cực kỳ hoảng loạn và thi nhau nhảy ra khỏi tàu để bơi vào bờ. Còn các pháo thủ Trung Quốc ở trên bờ cũng hốt hoảng không kém trước cuộc tấn công bất ngờ của quân Pháp và hò nhau bắn như mưa xuống biển.

Tuy nhiên, đại bác của quân Thanh vô cùng kém chính xác và không thể bắn trúng được hai chiếc tàu phóng lôi của Pháp đang rút ra trong đêm tối. Thay vì đó, đạn đại bác của quân Thanh lại rơi trúng vào thân tàu Chengqing đang thả neo gần đó, khiến chiếc tàu này chịu chung số phận với tàu khu trục Yuyuan.

Hải chiến Thập Phổ: Thảm bại của hạm đội hèn nhát - 4

Tàu chiến của Hạm đội Nam Dương rúc vào cảng Thập Phổ để làm mồi cho quân Pháp

Trong cuộc tấn công bất ngờ này của quân Pháp, binh lính Trung Quốc chỉ hoàn toàn lo cho bản thân mình mà không hề quan tâm tới số phận của con tàu. Họ chỉ nháo nhác tìm cách thu thập tài sản ở trên tàu rồi nhảy xuống biển để bơi vào bờ.

Trung úy Arlington kể lại giây phút này: “Xung quanh chúng tôi lúc đó tràn ngập những thủy thủ, binh linh, gà, vịt, ngỗng và đủ loại rác rưởi. Quân Trung Quốc đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong trận này. Nếu như họ có ý chí chiến đấu để phản công ngay vào những giây phút cuối cùng, họ có thể đẩy lui được tàu phóng lôi của đối phương và tránh được thảm họa, thậm chí có thể đánh đắm chúng. Thế nhưng họ đã không làm gì cả, và tàu Pháp rút đi mà không gặp trở ngại nào.”

Đến sáng ngày hôm sau, lực lượng trinh sát của Pháp báo cáo rằng cả hai tàu chiến của Trung Quốc trong vịnh Thập Phổ đều đã bị đánh đắm. Tuy nhiên, quá hổ thẹn với việc tàu Chengqing bị chính pháo quân mình đánh đắm, nhà cầm quyền Trung Quốc loan tin rằng binh lính trên tàu đã tự đánh đắm để nó không rơi vào tay quân Pháp.

Hải chiến Thập Phổ: Thảm bại của hạm đội hèn nhát - 5

Lính Trung Quốc hò nhau tháo chạy lên bờ sau khi tàu bị đánh trúng

Điều đáng nói là trong khi Hạm đội Nam Dương bị hải quân Pháp truy lùng và tấn công gắt gao như vậy, Hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh lại án binh bất động, dù họ có trong tay những tàu chiến hiện đại và có hỏa lực mạnh đủ để đương đầu với tàu chiến Pháp.

Đó chính là lý do khiến hải quân Pháp dù bị dàn mỏng lực lượng vẫn có thể phong tỏa thành công bờ biển phía nam và tây nam Trung Quốc, giáng cho quân Trung Quốc nhiều thất bại nặng nề.

Tuy cùng nằm trong biên chế của hải quân nhà Thanh, song Hạm đội Bắc Dương hùng hậu lại khoanh tay đứng nhìn Hạm đội Nam Dương bị quân Pháp tấn công tiêu diệt. Vì sao lại xảy ra tình trạng này, và thực lực của Hạm đội Bắc Dương ra sao, mời các bạn đón đọc kỳ 4: Hạm đội Bắc Dương, hổ giấy của hải quân Trung Quốc vào 19h ngày 31/5/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Những thảm bại trong lịch sử của hải quân TQ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN