Gia đình 4 đời dệt hồn Tổ quốc

68 năm qua, hàng triệu lá cờ tung bay trên mọi nẻo đường Tổ quốc như một lời nhắc nhở đầy xúc động về sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh. Bốn đời dệt “hồn” Tổ quốc, gia đình anh Nguyễn Văn Phục đã phục vụ nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.

Đã 68 năm trôi qua nhưng ký ức về mùa thu Ba Đình lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức những người thợ may cờ làng Từ Vân, xã Thắng Lợi (Thường Tín, Hà Nội).

Nghề truyền thống của gia đình

Chúng tôi tìm về Từ Vân khi cả nước háo hức chuẩn bị kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Cách Hà Nội khoảng 35 km, làng Từ Vân còn giữ nhiều nét cổ kính. Nơi đây nổi tiếng với nghề thêu từ thế kỷ 16 bởi những đôi tay tài hoa đã tạo nên nhiều sản phẩm tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao. Người làng Từ Vân còn mang nghề đi nhiều nơi truyền dạy. Chính vì thế, để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa đã mời những nghệ nhân Từ Vân làm cờ phục vụ cách mạng. Cờ làng Từ Vân đã góp mặt trong rừng cờ ngày 2/9/1945 với niềm tự hào thiêng liêng.

Bà Đặng Thị Đàm – người làng Từ Vân còn nhớ như in những ngày phụ giúp bố làm cờ. Đến nay, đã 68 năm trôi qua, thế hệ các anh Nguyễn Văn Phục (con trai bà Đàm) và chị Đào Thị Xuyên (con dâu bà) vẫn ngày đêm làm ra hàng triệu lá cờ phục vụ mọi miền Tổ quốc.

Ngôi nhà 3 gian của gia đình anh Phục nằm trong một con ngõ nhỏ. Từ ngoài sân, ngôi nhà ngập màu đỏ của cờ và bộn bề các dụng cụ làm nghề. Anh Phục vừa tập trung cho từng đường may vừa trò chuyện với khách: “Mọi người thông cảm, sắp đến ngày 2/9 rồi, hàng gấp lắm,  không kịp giao là hỏng việc của khách”.

Gia đình 4 đời dệt hồn Tổ quốc - 1

Căn nhà cấp bốn 3 gian nơi ra đời của hàng triệu lá cờ Tổ quốc (Ảnh: D.Hương)

Chúng tôi trò chuyện với anh trong tiếng máy khâu dập nhịp nhàng. Anh Phục chia sẻ, trước khi nói về nghề may cờ phải nhắc đến nghề thêu truyền thống của làng, cũng giống như cây có gốc vậy. Nghề thêu là nền tảng để có nghề may cờ của gia đình anh như bây giờ. Từ hồi còn thanh niên, anh đã theo bố học thêu. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, với tay nghề đã có, anh phát triển may cờ. Tuy ở làng không chỉ có gia đình anh may cờ, nhưng để làm được tất cả các khâu từ may, in, thêu thì chỉ nhà anh mới làm được.

Muôn nỗi khó khăn với nghề

Thời kỳ đầu, anh phải cho các cửa hàng nợ để đảm bảo đầu ra, khi nào bán hết hàng mới lấy lại tiền. Không ít cửa hàng nợ lâu hoặc thua lỗ khiến anh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Song sau 20 năm cần cù, anh Phục đã có lượng khách ổn định và gắn bó. “Có nhiều người mình không biết mặt, chuyển hàng rồi mới lấy lại tiền nhưng cũng không bao giờ mất”, chị Xuyên vui vẻ góp chuyện. Nay, mọi thứ thuận tiện hơn, khách đặt hàng qua điện thoại hoặc thư điện tử, hàng hóa có thể gửi qua bưu điện hoặc anh Phục tự mang đến. Có ngày 4 lượt đi về trung tâm thành phố, vừa ăn xong bát cơm lại phải đèo hàng cho khách. Hàng dự trữ quanh năm nhưng khách thường lấy tập trung theo đợt. Gần đến ngày lễ, vợ chồng anh Phục có khi thức đến 3 giờ sáng rồi lại dậy sớm làm hàng. Con cái phải gửi sang bà nội để đảm bảo sinh hoạt.

May cờ đòi hỏi tỉ mỉ và cẩn thận. Ngoài mẫu thông dụng thường treo tại các gia đình, khách hàng còn đặt cờ theo nhiều kích thước khác nhau. Lá cờ lớn nhất anh làm có diện tích 54m2, treo ở đỉnh Lũng Cú, Hà Giang. Bởi vậy, nếu không cầu kì, chỉ cần ngôi sao bị lệch là coi như bỏ đi. Từng đường kim mũi chỉ được anh Phục trau chuốt sao cho nghiêm ngắn, đều đặn bằng cả sự tận tâm, trách nhiệm xen lẫn tự hào.

Gia đình 4 đời dệt hồn Tổ quốc - 2

Anh Nguyễn Văn Phục tâm niệm, mỗi sản phẩm làm ra đều thiêng liêng và phải trau chuốt đến từng chi tiết

Tuy nhiên, theo anh Phục, nghề thủ công nào cũng vậy, khó khăn nhất vẫn là đầu ra. Anh bán được cờ chủ yếu thông qua các cửa hàng nên người làm trực tiếp hưởng lợi nhuận thấp. Một lá cờ Tổ quốc anh bán buôn trung bình là 12.000-15.000 đồng, cửa hàng bán ra khoảng 25.000 đồng. Trong cơn khủng hoảng kinh tế, giá cả nguyên vật liệu tăng khiến sản phẩm gia đình anh cũng có chút lao đao. Không chỉ có nghề may cờ mà nghề thêu của làng cũng không còn nhiều người mặn mà, bởi công thêu chỉ được 50.000 đồng/ngày. Vậy mà anh Phục chưa khi nào nghĩ đến chuyện bỏ nghề.

“Chúng tôi được hưởng tiếng thơm”

Sau giờ tan học, các con anh Phục trở về nhà. Cô con gái lớn Nguyễn Thị Thảo  (13 tuổi) giúp mẹ phơi từng chiếc băng rôn vừa in chữ. Cô bé cẩn thận căn khoảng cách từng chiếc vì chỉ cần một cơn gió là mực lem, bỏ cả lô hàng. Cậu con trai Nguyễn Phương Nam (10 tuổi) cũng nhanh nhẹn đạp xe qua nhà hàng xóm để đặt hàng thêu. Anh Phục cho biết, gia đình anh thường nhận thêm hàng để bà con trong xóm cùng làm. Lúc nông nhàn, những người hàng xóm của anh lại có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Anh Phục đưa tay thoăn thoắt chỉnh từng mép gấp lá cờ vừa hoàn thiện để đóng gói. Anh chỉ cho chúng tôi lá cờ thêu dòng chữ “Quyết thắng” và nói: “Làm ra những lá cờ Tổ quốc, chúng tôi vô cùng hãnh diện”. Không chỉ may cờ Tổ quốc, anh còn may cờ Đảng, cờ Đoàn, cờ các nước, làm băng rôn, khẩu hiệu, phục chế cờ…

Anh kể, có những lá cờ thưởng được khách mang đến nhờ phục chế, khi anh cầm lên đã rách thành mấy mảnh nhưng người ta quý lắm. Anh phải vẽ lại hoàn toàn bằng tay vì có những phông chữ nay không còn sử dụng nữa. Việc phục chế kỳ công, mất thời gian nhưng anh luôn cảm thấy hạnh phúc khi góp phần lưu giữ kỷ niệm cho nhiều người. Nghề may cờ vất vả là thế nhưng anh Phục tâm niệm mình đang góp phần công sức để mang lá cờ thiêng liêng đến mọi miền Tổ quốc, từ đỉnh cao biên giới hay hải đảo xa xôi. Anh tự hào khi sản phẩm do chính mình làm ra có mặt tại nhiều hội nghị cấp cao, ra nước ngoài hay tham gia vào nhiều dịp trọng đại của đất nước.

Chiều về ngập nắng trong con ngõ nhỏ. Những lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay. Chúng tôi trở về mà lòng còn vương vấn và suy tư. Căn nhà mái ngói của gia đình anh Phục khuất dần nhưng sắc đỏ vàng của lá cờ Tổ quốc thiêng liêng đã bắt đầu rạng lên những con đường của Thủ đô đón chào Ngày Độc lập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Hương (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN