3 yếu tố hội tụ ở nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

“Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nói ít làm nhiều. Đó là một trong những yếu tố rất cần của một người lãnh đạo” - TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), người có thời gian dài làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó.

“Tôi may mắn được gần và làm việc hàng chục năm với Thủ tướng Phan Văn Khải ngày đó. Chuyện tôi kể ra đây là đôi điều kỷ niệm về anh Sáu Khải – một người lãnh đạo bình dị, trong sáng nhưng luôn làm nhiều hơn nói” - TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT mở đầu câu chuyện với Pháp Luật TP.HCM về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

“Nói ít và không nói suông”

Theo TS Lưu Bích Hồ, điểm nổi bật của Thủ tướng Phan Văn Khải, cũng như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là dùng nhân tài làm tham mưu.

“Tại sao trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải kinh tế vượt qua được tác động của cuộc khủng hoảng 1997, không những tăng trưởng cao mà còn lành mạnh, ổn định? Đó chính là vì ông không duy ý chí, có hiểu biết và biết dùng tham mưu gồm những người cự phách luôn luôn bên cạnh mình”, TS Lưu Bích Hồ khẳng định.

3 yếu tố hội tụ ở nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - 1

Thủ tướng Phan Văn Khải trong một lần đi khảo sát ở nước ngoài cùng các chuyên gia; người đứng giữa, phía sau là TS Lưu Bích Hồ.

Cũng chính bởi điều này mà Thủ tướng Phan Văn Khải luôn đưa ra được những quyết định đúng đắn. Đồng thời, luôn có phương cách để biến tư duy, quan điểm đổi mới thành hành động, công việc cụ thể chứ “không chỉ nói  thôi”.

“Thủ tướng Phan Văn Khải nói ít làm nhiều. Đó là một trong những yếu tố rất cần của một người lãnh đạo. Rất tiếc những người như vậy cũng chỉ làm được một thời gian rồi nghỉ”, TS Hồ nói.

Thủ tướng Phan Văn Khải là người thận trọng, không bao giờ đưa ra những quyết định vội vàng, sốc nổi, cảm tính. “Chẳng hạn khi thảo luận về giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Phan Văn Khải vì hiểu được vấn đề nên không bao giờ cho phép làm quá giới hạn, nhất là đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Chính vì vậy, suốt hai nhiệm kỳ của ông, lạm phát không bùng phát. Bởi lạm phát chỉ bùng phát khi duy ý chí làm sai quy luật, nguyên tắc của thị trường và vai trò của Nhà nước…” - TS Lưu Bích Hồ nói.

Ngay cả với việc gặp doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng không “ồn ào, đao to búa lớn. “Những cuộc gặp của Thủ tướng Phan Văn Khải với doanh nghiệp rất thiết thực. Thủ tướng gặp để biết được yêu cầu của doanh nghiệp, thực tế sản xuất kinh doanh, những rào cản vô lý và để có chương trình, kế hoạch thực hiện đổi mới cho bằng được” - TS Lưu Bích Hồ khẳng định.

Cái tâm trong sáng, không quan tâm chuyện nhỏ nhặt

Điều này, tuy không quan trọng nhưng ít thấy, lại thể hiện rất rõ khi Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì các cuộc thảo luận hay cuộc họp của Chính phủ.

TS Lưu Bích Hồ lúc này làm viện trưởng. Trong một cuộc họp của Chính phủ về công tác quy hoạch, khi thấy báo cáo đã dài và bản thân đọc cũng đã hơi mệt, lại đã đến giờ giải lao, TS Lưu Bích Hồ ngưng đọc báo cáo và nói: “Thưa Thủ tướng, đã đến giờ giải lao!”. Thủ tướng cười khà khà và đồng ý để mọi người giải lao. Nhiều người ngạc nhiên bởi chẳng ai dám nói với Thủ tướng như vậy.

3 yếu tố hội tụ ở nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - 2

Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp chuyên gia nước ngoài đến dự hội thảo hồi ông còn là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Còn trong những buổi họp Chính phủ, có một bộ trưởng luôn rút thuốc lá ra hút, đi đi lại lại trong phòng và thỉnh thoảng lại nói chen vào. “Thủ tướng Phan Văn Khải cũng không thấy phiền lòng và không nhắc nhở những chuyện ấy. Chứng tỏ phải có một tâm thế không quan tâm đến những điều nhỏ nhặt, câu  nệ, chấp nê thì mới có thể không để ý đến những chuyện ấy”, TS Lưu Bích Hồ kể.

Tuy vậy, Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn giữ được cái uy của mình. Cái uy của Thủ tướng thể hiện qua cách xử lý công việc nghiêm túc, nghiêm khắc cần thiết, chính xác, công tâm, sòng phẳng với một cái tâm trong sáng.

“Đến giờ cũng không ai xì xào gì tiêu cực về Thủ tướng Phan Văn Khải”, TS Lưu Bích Hồ nhận định.

Có một lần, theo TS Hồ, Thủ tướng Phan Văn Khải tặng cho cấp dưới của mình một chai rượu. Khi vị này mở chai rượu ra thì thấy có 1.000 USD trong đó. Lập tức vị này mang đến gặp Thủ tướng Phan Văn Khải và nói: “Chai rượu anh đưa có 1.000 USD, tôi báo cáo anh!”. Rất nhẹ nhàng, Thủ tướng Phan Văn Khải nói vị đó nhận lại chai rượu mà Thủ tướng đã tặng. Còn 1.000 USD, Thủ tướng gọi người đã biếu chai rượu đó đến để trả lại và dặn: “Từ lần sau đừng làm như thế nữa!”.

“Khi anh Khải còn làm ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, rồi lên làm Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng, ai đến nhà anh cũng thấy ấm áp, nhẹ nhàng…”, TS Lưu Bích Hồ hồi tưởng.

Hội tụ 3 yếu tố: Hiểu biết, hành động và biết dùng người tài

Theo TS Lưu Bích Hồ, ông Khải là vị Thủ tướng sau đổi mới có nền tảng kiến thức kinh tế cơ bản theo cả hai mô hình kinh tế kế hoạch và kinh tế thị trường.

3 yếu tố hội tụ ở nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - 3

 Cán bộ của Bộ KH&ĐT chúc mừng Thủ tướng Phan Văn Khải nhân ngày sinh nhật.

TS Lưu Bích Hồ cho rằng ông Phan Văn Khải là Thủ tướng thành công nổi bật sau đổi mới với nhiều ý nghĩa, từ việc am hiểu và xử lý các vấn đề kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế đến tư tưởng và hành động đổi mới.

"Ở ông hội được ba yếu tố: Nền tảng kiến thức kinh tế, biết dùng tham mưu thật sự, nói nhiều hơn làm và làm tốt. Đó cũng là một con người rất nghiêm túc, cầu thị và khiêm tốn, trong sáng; hiền hòa trong đời sống, trong cách đối xử với mọi người" - TS Lưu Bích Hồ nhìn nhận và nói: "Đó là một Thủ tướng rất bình dân nhưng rất rành mạch: công việc là công việc, rất kiên quyết nhưng lại rất tình cảm, nhẹ nhàng".

TS Lưu Bích Hồ bắt đầu trực tiếp làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ lúc làm Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 1991-2000. Khi ấy, ông Phan Văn Khải đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổ trưởng tổ biên tập Chiến lược. Còn TS Lưu Bích Hồ đang là Phó Viện trưởng Viện Kế hoạch dài hạn, nay là Viện Chiến lược phát triển.

TS Lưu Bích Hồ được phân công giao cho nhiệm vụ làm Tổ phó phụ trách công tác tổ chức điều phối và hậu cần cho Tổ biên tập. Tổ phó phụ trách chung là ông Trần Đức Nguyên, người sau này là trợ lý của Thủ tướng Phan Văn Khải, rồi là Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải.

TS Lưu Bích Hồ là đầu mối kết nối với các chuyên gia nước ngoài, kể cả từ ĐH Harvard (Mỹ) và đã tháp tùng ông Phan Văn Khải đi nhiều nơi để học hỏi về xây dựng phát triển kinh tế thị trường. Sau đó ông từng làm việc nhiều năm với Thủ tướng Phan Văn Khải, với vai trò là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng.

Kỷ niệm khó quên của các nhà ngoại giao với cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại những kỷ niệm sâu sắc của một thời kỳ đối ngoại đầy sôi động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chân Luận ([Tên nguồn])
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN