Hậu quả khôn lường khi Thổ Nhĩ Kỳ vội đưa quân đến Qatar

Thổ Nhĩ Kỳ vội thông qua dự luật đưa quân đến bảo vệ Qatar chỉ càng làm phức tạp thêm mâu thuẫn vốn có giữa các quốc gia vùng Vịnh và kéo theo nhiều kẻ thù nguy hiểm.

Hậu quả khôn lường khi Thổ Nhĩ Kỳ vội đưa quân đến Qatar - 1

Lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Al-Monitor, quốc gia duy nhất tuyên bố phản đối chính sách “dạy cho Qatar một bài học” ở Trung Đông hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, người tuyên bố ủng hộ Ả Rập Saudi và đồng minh cô lập Qatar, cũng đã lựa chọn quan điểm trung lập hơn.

Tác giả Thổ Nhĩ Kỳ Fehim Tastekin phân tích, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đến Qatar chỉ càng làm phức tạp thêm mâu thuẫn giữa các nước vùng Vịnh.

Chỉ mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ còn cam kết đưa quân đến Qatar để tăng cường mặt trận Hồi giáo dòng Sunni chống lại Iran, quốc gia có số đông người Hồi giáo dòng Shia sinh sống.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Ả Rập đang bước vào giai đoạn khó khăn. Các nước vùng Vịnh đang đặt câu hỏi về lập trường thực sự của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc khủng hoảng Qatar, tác giả Fehim Tastekin viết.

Hồi đầu năm nay, ông Erdogan đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các quốc vương vùng Vịnh vì lời tuyên bố “chống lại sự bành trướng của Iran”. Giới phân tích còn nhận định, ông Erdogan có thể sẽ tránh làm mất lòng các nước vùng Vịnh chỉ để ủng hộ Qatar.

Nhưng khi khủng hoảng Qatar nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ lại bày tỏ quan điểm giống như việc chống Doha là đe dọa đến Ankara. Tổng thống Erdogan cũng không nêu rõ nguyên nhân đằng sau việc gấp rút đưa quân đến Qatar.

Hậu quả khôn lường khi Thổ Nhĩ Kỳ vội đưa quân đến Qatar - 2

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước sở hữu quân đội mạnh nhất Trung Đông.

Tác giả Fehim Tastekin nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã nhận ra rằng sau Qatar, Ankara chính là mục tiêu tiếp theo của các nước vùng Vịnh. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và cùng quan điểm với Qatar trong cuộc nội chiến Syria.

Tất cả những lý do cho rằng “Qatar hậu thuẫn khủng bố”, cũng hoàn toàn chính xác nếu áp đặt quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ủng hộ mạnh mẽ việc cô lập Qatar, có thể là nguyên nhân chính khiến ông Erdogan cảm thấy cần phải bảo vệ Doha.

Theo thỏa thuận đạt được với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ được phép xây dựng căn cứ ở quốc gia này trong 10 năm, với điều khoản gia hạn thêm 5 năm. 5.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở Qatar và tham gia hỗ trợ huấn luyện 4.000 người thuộc lực lượng tình nguyện Qatar.

Phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã kêu gọi chính phủ duy trì lập trường trung lập trong thế giới Ả Rập. Ozturk Yilmaz, lãnh đạo phe đối lập nói: “Một số quốc gia muốn lật đổ các quốc vương vùng Vịnh để thay thế bằng người của họ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lựa chọn đối đầu với ai? Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại can thiệp vào công việc nội bộ của Qatar?”

Theo các nguồn tin thân cận với chính phủ Ankara, vua Ả Rập Saudi Salman bin Abdul-Aziz Al Saud là người có mối quan hệ gần gũi với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Tổng thống Erdogan lại coi Qatar là đồng minh quan trọng nhất trong khu vực vùng Vịnh.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa thể đưa ra lý do hợp lý, lý giải vì sao lại cần phải gấp rút điều quân đến Qatar và liệu binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gì ở Qatar.

Hậu quả khôn lường khi Thổ Nhĩ Kỳ vội đưa quân đến Qatar - 3

Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm xa mạnh mẽ.

Tác giả Fehim Tastekin nhận định, đối với một quốc gia vừa trải qua đảo chính bất thành như Thổ Nhĩ Kỳ, điều này tiềm ẩn nguy cơ châm ngòi cho làn sóng bất mãn mới trong nội bộ chính phủ và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong quá khứ, những lần Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào cuộc khủng hoảng của thế giới Ả Rập cũng không hề kết thúc một cách êm ả. Thổ Nhĩ Kỳ từng suýt can thiệp để bảo vệ vua Faisal II của Iraq trong cuộc đảo chính của Tướng Abd al-Karim Qasim vào năm 1958. Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây ra thảm họa ở Lebanon vào năm 1958, khi đưa quân đến theo lời đề nghị của Tổng thống Camille Chamoun.

Để tránh tất cả các bên đều chĩa họng súng về Thổ Nhĩ Kỳ, tác giả Fehim Tastekin cho rằng, Ankara nên chủ động thay đổi chính sách, cải thiện mối quan hệ với Iran.

Tháng 4.2016, khi cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ký thỏa thuận hợp tác quân sự với Qatar, truyền thông nước này đồng loạt tuyên bố, căn cứ ở Qatar là chìa khóa để Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran. Bài viết còn nói căn cứ thể hiện sự cam kết an này của Thổ Nhĩ Kỳ với Qatar, Ả Rập Saudi.

Có thể nói, việc Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa can thiệp vào thế giới Ả Rập đã cho thấy những hệ quả khó lường. Nếu xung đột xảy ra ở vùng Vịnh, liệu Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Ả Rập Saudi hay Iran, trong bối cảnh đồng minh Qatar từ lâu đã theo đuổi chính sách “hai mặt”?, tác giả Fehim Tastekin kết luận.

Qatar chống đỡ ra sao nếu Ả Rập Saudi tấn công?

Qatar là một trong những quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông nhưng đất nước nhỏ bé này chỉ có quân đội khoảng 12.000...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Al Monitor ([Tên nguồn])
Khủng hoảng ngoại giao Qatar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN