Vẫn thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc

Những nỗ lực đẩy mạnh giao thương, xuất khẩu giúp Việt Nam thặng dư thương mại với các châu lục khác, trừ châu Á do nhập siêu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm lên tới 16,7 tỉ USD

Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu gần 1,8 tỉ USD, trong khi vẫn nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc (TQ). Điều đó cho thấy kinh tế nước ta vẫn chưa cải thiện được tình trạng phụ thuộc quá lớn vào TQ.

“Gắn mác” Việt cạnh tranh với hàng Việt

Không chỉ quần áo may sẵn, giày dép, đồ chơi trẻ em, hàng tiêu dùng, nông sản TQ đã tràn ngập thị trường trong nước. Một tài xế xe container (ngụ tỉnh Đồng Nai), chuyên chở hàng nhập từ TQ về Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn, cho biết ngoài nông sản nhập ngày càng nhiều, đồ chơi trẻ em, hàng tiêu dùng các loại của TQ cũng ồ ạt qua biên giới, chuyển vào phía Nam tiêu thụ.

“Đến cả cây tăm cũng nhập từ TQ nhưng về Việt Nam, họ thay mác hàng do doanh nghiệp Việt sản xuất nên không phải ai cũng biết” - tài xế này tiết lộ.

Vẫn thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc - 1

Đồ chơi trẻ em của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Ảnh: Tấn Thạnh

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long phân tích hàng TQ có lợi thế là mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú và rẻ hơn nhiều so với sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất. “Do không được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng vì chất lượng kém, buộc hàng TQ phải gắn mác Việt, cạnh tranh với hàng nội địa với ưu thế giá rẻ” - TS Ngô Trí Long lý giải.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhìn nhận TQ là công xưởng của thế giới nên hàng hóa của họ có mặt khắp nơi, chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, hàng phải được kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc rõ ràng, chứ không thể mang mác trong nước để lừa người tiêu dùng.

“Phải chăng việc kiểm soát chưa được làm chặt? Khi cơ quan quản lý của Việt Nam mang nông sản TQ đi kiểm định chất lượng, kiểm tra chuyên ngành, vài ngày sau mới có kết quả thì lô hàng đã bán hết. Trong khi hàng Việt sang TQ rất khó vì bị kiểm soát chặt thì hàng của họ vào nước ta lại quá dễ” - ông Vũ Vinh Phú bức xúc.

Cần có giải pháp từ gốc

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan về xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2016, trong 10 mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam, TQ là thị trường cung cấp hàng đầu. Cụ thể, trong tổng số 13,09 tỉ USD máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng được nhập khẩu, hàng TQ chiếm tỉ trọng gần 32% với 4,16 tỉ USD. TQ cũng là nước cung cấp nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, da giày và vải các loại cho Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch lên tới 3,55 tỉ USD.

Riêng sắt thép, TQ cũng tiếp tục là thị trường cung cấp lớn nhất vào Việt Nam với 5,63 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm nay, trị giá hơn 2,1 tỉ USD, chiếm hơn 50% về lượng và trị giá sắt thép nhập khẩu vào nước ta. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập hơn 80,7 triệu USD rau quả từ thị trường này; thủy sản 29,7 triệu USD; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc 4,8 triệu USD. Với ô tô nguyên chiếc, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam nhập từ TQ gần 7.000 chiếc, trị giá 266,8 triệu USD.

Để tránh lệ thuộc quá lớn vào vài thị trường, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với kỳ vọng doanh nghiệp trong nước có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, theo PGS-TS Ngô Trí Long, dù hàng rào thuế quan không còn nhưng các hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm lại mọc lên khiến hàng Việt khó tăng kim ngạch. Trong khi đó, nhập siêu từ TQ lại quá lớn khiến thặng dư thương mại thấp.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành dệt may, da giày cũng nhìn nhận họ có thể nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các thị trường khác nhưng giá cao hơn nên khó cạnh tranh. Điều này lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp biết rằng phụ thuộc nguyên phụ liệu đầu vào sẽ rủi ro nhưng vẫn phải nhập từ TQ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các giải pháp giảm phụ thuộc TQ về kinh tế của cơ quan quản lý thời gian qua chỉ là phần ngọn. Cái gốc của vấn đề là phải nâng sức cạnh tranh cho hàng nội địa, làm cho nền kinh tế Việt Nam mạnh lên.

Kiểm soát chặt từ biên giới

Để kiểm soát hàng TQ nhập khẩu, ông Vũ Vinh Phú cho rằng cần sớm có hiệp định biên giới về kiểm soát thực phẩm giữa hai nước, đồng thời xây dựng các trung tâm đạt chuẩn để kiểm nghiệm hàng thực phẩm, nông sản. “Cần xử lý nghiêm những đối tượng nhập thực phẩm bẩn, không đạt chất lượng về bán và lực lượng quản lý cũng phải thực thi đúng quy trình, trách nhiệm” - ông Vinh đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN