Doanh nghiệp Việt đơn độc ở nước ngoài

Doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn khi làm ăn ở nước ngoài do không được tham tán thương mại Việt Nam ở các nước cung cấp thông tin đầy đủ, hỗ trợ đấu tranh có hiệu quả với những rào cản thương mại vô lý.

Doanh nghiệp Việt đơn độc ở nước ngoài - 1

Sản phẩm Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn ở nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất chi tiết nhựa cao cấp xuất khẩu tại Công ty Minh  Phát  Ảnh: TẤN THẠNH

Ngày 26-2, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị Tham tán thương mại năm 2016 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Kết nối lỏng lẻo

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết năm 2015, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh gặp không ít khó khăn, thủy sản thì chịu nhiều rào cản của các nước nhập khẩu nên hiệu quả không như mong muốn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự phối hợp giữa DN với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chưa chặt chẽ, thương vụ chưa phát huy được vai trò kết nối thị trường. “Tham tán hiện chỉ đủ để duy trì sự có mặt của mình ở các nước, không đủ để tìm kiếm thông tin cho DN. Tôi mong các thương vụ giúp đẩy mạnh tiêu thụ cá tra, nông sản… cho nông dân” - ông Hùng kiến nghị.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng ngành thủy sản đang phải cạnh tranh gay gắt ở nước ngoài. Hơn 10 quốc gia đã sử dụng truyền thông để bôi nhọ sản phẩm của Việt Nam, như bị ô nhiễm, gây biến đổi gien… khiến người tiêu dùng của họ bị tác động. Ông Nam hy vọng thương vụ sẽ là cánh tay nối dài để hóa giải những thông tin “bôi nhọ”, góp phần tạo chỗ đứng bền vững cho sản phẩm Việt Nam ở nước ngoài.

“Giá thành đang là vấn đề chúng tôi quan tâm nhất, chi phối đến sức cạnh tranh của ngành hàng, nhất là những mặt hàng xuất khẩu hàng tỉ USD như tôm. Chúng tôi mong muốn tham tán cung cấp thông tin thị trường thường xuyên cho hiệp hội. Bên cạnh đó, đấu tranh quốc tế ngày càng rõ hơn khi các rào cản nước ngoài đưa ra không theo thông lệ quốc tế, sai so với cam kết hoặc không có cơ sở khoa học. Hiệp hội đã chủ động cung cấp thông tin và mong tham tán có sự đấu tranh cùng chúng tôi” - ông Nguyễn Hoài Nam nói thêm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận xu hướng áp dụng rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại sẽ ngày càng phổ biến hơn, dẫn đến DN trong nước khó tăng thị phần, nhất là trong bối cảnh sản phẩm Việt Nam chậm cải thiện về chất lượng. “Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sản phẩm có chất lượng quốc tế. Đồng thời, đổi mới công tác thương vụ và thông tin thị trường, nghiên cứu xây dựng mô hình gắn kết chặt chẽ các tham tán, thương vụ với DN trong nước...” - ông Tuấn Anh yêu cầu.

Đặt hàng cho thương vụ

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội nhập sâu rộng mang lại nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức với DN Việt Nam. Tuy nhiên, DN lớn có thể gặp ít khó khăn hơn so với DN nhỏ và vừa. Vì vậy, thương vụ nên tìm những DN nhỏ và vừa của các nước bởi đây là đối tác “vừa sức” của DN trong nước. Mặt khác, tiếp cận với các tập đoàn đa quốc gia thông qua mắt xích của các DN nhỏ và vừa cũng là bước đi phù hợp. Theo ông Lộc, hiện thương vụ chỉ có thể cung cấp thông tin chung, chưa thể cung cấp thông tin chuyên sâu do hạn chế về nguồn lực. “DN trong nước sẵn sàng trả phí dịch vụ cho thương vụ để cung cấp những thông tin chuyên sâu với điều kiện phải bảo đảm chất lượng” - ông Lộc gợi ý.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông cho hay hiện bộ này mới có 8 đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài nên chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Ông Đông đề nghị các thương vụ phải thực hiện đúng trách nhiệm của cơ quan đại diện ở nước ngoài như theo dõi, hỗ trợ các nhà đầu tư trong chấp hành pháp luật nước sở tại, bảo vệ quyền lợi DN, thông qua ngoại giao đề nghị chính phủ nước sở tại hỗ trợ DN, xác minh thông tin khi có yêu cầu nhằm cung cấp thông tin kịp thời và hữu ích hơn cho DN trong nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định năm 2016, mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu… đặt ra rất nặng nề. Để hoàn thành được các mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị các tham tán tích cực tìm hiểu thông tin thị trường quốc tế; tư vấn, góp ý, kiến nghị với Bộ Công Thương để có thể sửa đổi các thể chế trong nước.

“Sẽ không thể cạnh tranh nếu thủ tục còn rườm rà, chậm chạp. Chừng nào DN còn bị hành, khó khăn thì lỗi thuộc về nhà quản lý. Các bộ, ngành và tham tán thương mại cần căn cứ vào những hiệp định đã thỏa thuận, trách nhiệm của mình, tạo điều kiện cho DN làm ăn, tháo gỡ khó khăn, mở thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Tham tán thương mại phải là cầu nối để các DN xuất khẩu được các sản phẩm trong nước sang các quốc gia khác” - Thủ tướng chỉ đạo.

“Phải có trách nhiệm với dân, với nước mới làm được”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tham tán không phải chỉ xúc tiến bán hàng mà phải là nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực chính trị, kinh tế và phải có trách nhiệm cao. "Đất nước nghèo, các tham tán đi nước ngoài không nói cũng biết chi phí thế nào nên phải làm hết sức, đặt chỉ tiêu cụ thể, phải có trách nhiệm với dân, với nước mới làm được" - Thủ tướng nhắc nhở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN