Không dễ phạt khi ATM hết tiền

Mỗi dịp Tết đến, người dân tại các thành phố, khu công nghiệp lại đối mặt với nỗi lo ATM... hết tiền!

Cuối năm là đợt cao điểm trả lương, thưởng của DN đối với người lao động. Đây cũng là lúc nhu cầu mua sắm trong dân tăng đột biến. Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo hệ thốngATM giao dịch thông suốt. Về phía các ngân hàng thương mại, mọi phương án chuẩn bị lượng tiền cung cho ATM, lập ATM lưu động, tăng cường giờ làm việc tại các phòng giao dịch... đều đã được cam kết triển khai. Không thể không ghi nhận những nỗ lực trên, song ngay thời điểm này, khi nhu cầu tiền mặt vẫn chưa tới dịp cao điểm, tình trạng ATM báo sự cố lại đã xảy ra tại một số nơi.

Không dễ phạt khi ATM hết tiền - 1

Chờ đợi để rút tiền tại cây ATM trên phố Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội - Ảnh: K.Linh

Theo quy định, nếu ngân hàng nào không giám sát mức tồn quỹ tại máy ATM, không đảm bảo máy ATM có tiền để đáp ứng nhu cầu rút của khách sẽ bị xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng. Quy định trên đã có từ cuối năm 2014 nhưng triển khai không đơn giản, bởi lẽ, căn cứ nào để khẳng định cây ATM hết tiền thì người dân khó có thể biết. Thực tế, khi không thực hiện giao dịch, ATM chỉ báo bị lỗi, “nhập sai mã pin”... chứ có mấy khi báo “hết tiền”!?

Mặt khác, muốn ra quyết định xử phạt ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước phải dựa trên những căn cứ truy xuất từ hệ thống của chính đơn vị bị phạt. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi xảy ra sự cố tại ATM nhưng ngân hàng sở hữu không báo lại cho Ngân hàng nhà nước thì cũng không có căn cứ xử phạt.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, suy cho cùng, việc xử phạt chỉ là phương án tình thế. Tình trạng người dân thường ồ ạt rút tiền tại các cây ATM dịp gần những ngày lễ Tết gây tình trạng quá tải, thậm chí gây bị động cho các ngân hàng là do thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp. Cụ thể, tiền lương của người lao động hiện nay được nhận định mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu. Làm việc cả năm nếu có tích cóp được chút ít thì tới Tết cũng phải rút ra để chi tiêu. Mặt khác, đặc điểm nền kinh tế vẫn nặng về tiền mặt. Mặc dù tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đã tăng cao trong mấy năm gần đây nhưng hình thức chi tiêu không dùng tiền mặt vẫn còn khá xa lạ với đại bộ phận người dân.

Để giải quyết bài toán ATM tận gốc, ngoài việc các ngân hàng phải nâng cao trách nhiệm và khả năng phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp thì Nhà nước cũng cần có giải pháp đồng bộ khiến người dân thay đổi tư duy thích dùng tiền mặt sang những hình thức thanh toán tiện ích khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Trịnh (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN