Dự kiến năm 2017 GDP Việt Nam tăng 6,8%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8 - 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

Dự kiến năm 2017 GDP Việt Nam tăng 6,8% - 1

Phấn đấu năm 2017 GDP tăng 6,8% - ảnh minh họa

Ngày 22.6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 như sau: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8 - 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

Tuy nhiên, theo báo cáo cập nhật về Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ 2016 công bố ngày 14.6 mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm từ 6,7% năm 2015 xuống còn 6,3% năm 2016 và 6,1% năm 2017.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến là 1,165 triệu tỉ đồng, trong đó: thu nội địa là 932.000 tỉ đồng, thu dầu thô là 45.000 tỉ đồng, thu xuất nhập khẩu là 182.000 tỉ đồng, thu viện trợ không hoàn lại là 3.000 tỉ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến khoảng 1,395 triệu tỉ đồng.

Theo đó, các cơ quan cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bảo đảm lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.

Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch trong điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng đề nghị đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một nội dung quan trọng nữa là tập trung thực hiện quyết liệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 theo đúng Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó tập trung vào 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đối với các chỉ tiêu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Bộ Kế hoạch – Đầu tư yêu cầu phải phù hợp với hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, trong đó lưu ý chỉ đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu, có phương pháp tính toán rõ ràng, có khả năng thu thập được, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của ngành, địa phương và quốc gia.

Các Bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31.7.2016.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Lâm (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN