Thủy ngân trong không khí Hà Nội: "Khói xe chỉ là nghi ngờ"

GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cho biết, nếu thực sự quan trắc thấy khu vực Nguyễn Văn Cừ, Long Biên (Hà Nội) có thủy ngân trong không khí thì nên kiểm tra thêm các vùng khác.

Trao đổi với báo Infonet.vn, giáo sư Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh, các cơ quan quản lý cũng nên mở rộng diện tích quan trắc ở các khu vực khác ở Hà Nội để có những thông báo cụ thể vì thủy ngân vốn cực độc.

Thủy ngân trong không khí Hà Nội: "Khói xe chỉ là nghi ngờ" - 1

(Ảnh minh họa, nguồn: Tiền Phong)

Giáo sư Đăng cho biết, bình thường, thủy ngân được sinh ra từ nhiều thứ. Có thể từ xăng xe, từ các mảnh vỡ đèn huỳnh quang, các thiết bị nhiệt kế. Dù sinh ra từ bất cứ đâu thì để ngăn chặn thủy ngân phát tán ngoài không khí đều phải chặn từ nguồn.

Giáo sư Đăng cho rằng cần có những nghiên cứu cụ thể để đánh giá cụ thể vì nếu chỉ thấy ở một điểm cũng khó có thể đưa ra các ý kiến. Về mặt hóa học, thủy ngân là kim loại cực độc với con người, nó có thể gây tử vong nếu ngộ độc cấp tính. Còn ngộ độc trường diễn lâu dài có thể gây ra ung thư cho con người.

"Hiện nay, chúng ta nhìn thấy rõ nhất đó là ung thư đang cận kề và môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng. Khói xe chỉ là nghi ngờ. Có thể thủy ngân sinh ra từ đó nhưng các nhà khoa học đã nghiên cứu chỉ ra rằng khói xe sinh ra benzene là chủ yếu.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu sống và làm việc ở nơi có quá nhiều vật dụng chứa benzene, hít thở không khí chứa nhiều benzene lâu ngày có thể bị tổn thương não không hồi phục, mờ mắt, nhức đầu kinh niên hay ngất xỉu. Với phụ nữ, nhiễm benzene có thể gây teo buồng trứng và hậu quả là vô sinh, gây rối loạn kinh nguyệt. Với đàn ông có thể làm biến dạng hoặc giảm chất lượng tinh trùng" - GS Đăng phân tích. 

Thủy ngân trong không khí Hà Nội: "Khói xe chỉ là nghi ngờ" - 2

Giáo sư Lê Huy Bá

Còn GS.TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) cũng nêu rõ, nguyên tố thủy ngân là dạng rất nguy hiểm. Trong không khí hay hơi nước, thủy ngân lơ lửng, hít phải có thể ngộ độc cấp tính, gây ung thư vòm họng, ung thư phổi, ung thư mũi. Nếu tiếp xúc qua da có thể gây ung thư. Hầu như những người bị ngộ độc trường diễn đều không có triệu chứng gì nhiều lắm. 

Thủy ngân trong không khí có thể sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau như từ khói xăng, từ rác thải công nghiệp. Thủy ngân không hòa tan trong không khí mà lắng đọng ở các dạng vê tròn.

Khi bị ngộ độc thủy ngân cấp tính người ta có thể súc rửa. Nếu ăn phải thì súc ruột, tiếp xúc vào da rửa vùng da, ở mắt rửa vùng mắt. Còn khi ngộ độc trường diễn con người cũng khó loại bỏ được và nó lâu dần nó sinh ra bệnh tật, suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến thần kinh và gây vô sinh.

Nguyên tố thủy ngân, theo giáo sư Bá, nếu nó được làm tổng hợp với các nguyên tố khác thì không độc hại. Hiện nay người ta vẫn cho sử dụng đại trà, điển hình là các hợp chất trám răng (gồm thủy ngân và tổ hợp của nhiều kim loại khác) đã được sử dùng từ hơn 100 năm nay. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng chúng có thể gây rối loạn ở não, nhất là chứng tự kỷ ở trẻ em sinh ra từ những ông bố bà mẹ có răng bị trám. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN