Ghép thận - tụy cùng lúc trên một người

Năm 2014 cũng đánh dấu thành công nổi bật trong kỹ thuật ghép tạng của Học viện Quân y khi lần đầu tiên thực hiện thành công ghép đa tạng (thận-tụy) trên cùng một người. Bệnh nhân là thượng úy P.T.H (43 tuổi) ở Sơn La, bị đái tháo đường type 1, suy thận độ 2.

Ghép thận - tụy cùng lúc trên một người - 1

Bệnh nhân P.T.H được ghép tụy-thận ngày 1.3.2014 đã  nhanh chóng tỉnh táo, đón Bộ trưởng  Quốc phòng Phùng Quang Thanh vào thăm, động viên.   I.T

Sức khỏe của bệnh nhân ngày càng suy sụp, không kiểm soát được đường huyết nên thường xuyên bị ngất. Người cho tạng là một người chết não do tai nạn giao thông. Ca ghép đã diễn ra trong vòng 13 tiếng đồng hồ (từ 3 giờ sáng đến 16 giờ chiều) với sự tham gia của hơn 150 bác sĩ, y tá... Sau hơn 9 tháng phẫu thuật, hiện sức khỏe của bệnh nhân P.T.H rất khả quan. Các chỉ số về đường huyết và thận đã tương đối bình thường.

PGS-TS Hoàng Mạnh An - Giám đốc Bệnh viện 103 thuộc Học viện Quân y cho biết, để có được cuộc phẫu thuật cấy ghép thành công, trước đó các bác sĩ đã phải chuẩn bị rất vất vả, thậm chí đã thử cấy ghép trên động vật tới 50 lần. Việc thực hiện ghép tụy có thể giúp người bị tiểu đường nặng có được cuộc sống bình thường. Người cho tụy có thể là người sống, ví dụ như trẻ bị tiểu đường type 1 thì bố mẹ có thể cho tụy để ghép. PGS An cho biết, thành công ca ghép đa tạng tụy - thận khẳng định bác sĩ Việt Nam có trình độ ngang tầm quốc tế.

Theo TS An, Bệnh viện Quân y 103 cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ghép tạng (ghép thận) từ năm 1992. Bệnh viện cũng là đơn vị thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên vào năm 2010. Đến nay, Việt Nam đã có tới 12 cơ sở y tế có đủ điều kiện để ghép tạng. Và tính đến nay đã có hơn 900 bệnh nhân được ghép thận, gần 40 bệnh nhân được ghép gan và 9 bệnh nhân được ghép tim. Tuy nhiên, nguồn tạng của chúng ta còn rất khan hiếm, trong khi nhu cầu lại rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P.V ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN