Đáng lo thuốc giá bèo vào bệnh viện

Chưa bao giờ thuốc giá rẻ, có hàm lượng lạ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... trúng thầu vào các bệnh viện của Việt Nam nhiều như lúc này.

Sáng 3/9, Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) đã tổ chức nhận các hồ sơ đấu thầu thuốc vào BV này theo hướng dẫn mới về đấu thầu mua thuốc của Bộ Y tế.

“Tự bắn vào chân mình”

Theo Thông tư 01 về hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế (có hiệu lực từ tháng 6-2012) của Bộ Y tế, các loại thuốc muốn trúng thầu phải có giá thành thấp nhất. Với quy định này, nhiều địa phương đã giảm được hàng chục tỉ đồng tiền thuốc, tương đương khoảng 20%-30% chi phí trước đó.

Tuy nhiên, tiêu chí giá rẻ lại đang tạo điều kiện cho những loại thuốc ngoại giá bèo, kém chất lượng tràn vào BV. Lãnh đạo nhiều BV cho rằng chưa bao giờ thuốc giá rẻ, có hàm lượng lạ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... trúng thầu vào các BV của Việt Nam nhiều như thời điểm này.

Đáng lo thuốc giá bèo vào bệnh viện - 1

Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nhận các hồ sơ đấu thầu thuốc vào ngày 3/9

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, nếu cứ chấm cho những loại thuốc giá rẻ nhưng vẫn có đủ các tiêu chí, đạt điểm kỹ thuật được phép dự thầu thì giá nhập thuốc của BV Việt Đức theo kế hoạch trong cả năm 2014 chỉ khoảng 150 tỉ đồng. Trong khi đó, vẫn các mặt hàng thuốc này, nếu lựa loại có chất lượng tốt thì phải mất đến 300 tỉ đồng.

“Nếu là doanh nghiệp thì đương nhiên phải ưu tiên mặt hàng giá rẻ vì nó đem lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, BV khác hẳn với nhà buôn, phải chịu trách nhiệm trước tính mạng của người bệnh nên không thể làm như vậy được. Cứ áp dụng cứng nhắc Thông tư 01 về đấu thầu thuốc thì chẳng khác nào tự bắn vào chân mình” - ông Quyết nhận định.

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng thuốc là mặt hàng đặc biệt nên có tiêu chí chấm thầu riêng là tốt, giá hợp lý chứ không phải rẻ nhưng không có khả năng chữa bệnh. Cùng là kháng sinh Ciprofloxacin, tiêm tĩnh mạch, hàm lượng 200 mg/100 ml... nhưng loại thuốc do châu Âu sản xuất có giá đến 80.000 đồng/lọ trong khi loại kia chỉ 8.000 đồng/lọ.

“Về mặt pháp lý, cả 2 loại thuốc này đều đã được cấp phép vào Việt Nam, cùng thang điểm kỹ thuật trên 70, nghĩa là đủ điểm dự thầu vào BV nên đương nhiên thuốc giá rẻ hơn sẽ được chấm trúng thầu. Tuy nhiên, vì thấy hiệu quả điều trị của loại thuốc giá rẻ quá kém nên có nơi đã phải ngừng sử dụng” - ông Quyết dẫn chứng.

Ưu tiên tiêu chí chất lượng

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức, cho biết 2013 là năm đầu tiên BV tiến hành đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 nên chưa thể lường hết những vướng mắc phát sinh dẫn đến khó tránh việc thuốc kém chất lượng trúng thầu. “Quan điểm của BV là phải ưu tiên các loại thuốc chất lượng tốt, hiệu quả điều trị chứ không phải giá rẻ, chất lượng kém” - bà Hường khẳng định.

Đáng lo thuốc giá bèo vào bệnh viện - 2

Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nhận các hồ sơ đấu thầu thuốc vào ngày 3/9. Ảnh: NGỌC DUNG

Theo lãnh đạo một số BV, để mua được thuốc đạt chất lượng tốt mà giá hợp lý thì cần có một hội đồng thuốc giỏi, gồm các chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực và công khai việc đấu thầu. Điều quan trọng là phải để bác sĩ được chỉ định dùng thuốc tùy theo từng trường hợp bệnh. Nghĩa là bệnh nhân nào cần dùng thuốc tốt, đắt tiền thì sẽ chỉ định loại thuốc đó chứ không phải chịu áp lực bởi việc lựa chọn các loại thuốc giá rẻ hơn.

“Thực tế, nếu dùng các thuốc kém chất lượng để điều trị cho người bệnh thì có thể gây bội nhiễm, biến chứng, kéo dài thời gian điều trị, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ và BHYT” - bà Hường lo ngại.

Trước những bất cập liên quan đến đấu thầu thuốc, trong tuần này, Bộ Y tế sẽ họp bàn về việc xem xét sửa đổi Thông tư 01 nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người bệnh.

Tràn lan thuốc kém chất lượng

Thuốc kém chất lượng đang được lưu hành tràn lan trên thị trường và mỗi năm Cục Quản lý Dược đã ban hành hàng trăm quyết định thu hồi những loại này.

Gần đây nhất, qua công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, các cơ quan chức năng đã phát hiện 37 công ty thuộc 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng, đứng đầu là Ấn Độ. Qua khảo sát hồ sơ trúng thầu thuốc ngoại vào BV của 9 tỉnh, thành trong tháng 6 vừa qua, thuốc của Ấn Độ cũng chiếm tỉ lệ lớn.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGỌC DUNG (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN