Cứ 120 bé trai mới có 100 bé gái

Sự kiện: Sống khỏe

Cả nước hiện vẫn còn 45 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh gia tăng và mức cao, tỷ lệ sinh ra giữa trẻ trai và trẻ gái là 120,2 trẻ trai/100 trẻ gái, thậm chí có khi tới 148,4 trẻ trai/100 trẻ gái.

Đây là những được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đưa ra sau một năm triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.

Một khảo sát khác từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam mới đây cho thấy, cả nước có 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Quảng Ngãi.

Nghiên cứu của Vụ thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cũng chỉ ra rằng, tỷ số tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Lý giải việc mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao, các chuyên gia vẫn cho rằng nguyên nhân phần lớn là do nhiều gia đình vẫn suy nghĩ theo phong tục phải có con trai để nối dõi tông đường. Điều này đã khiến tỷ số giới tính khi sinh tăng lên cao 120,2 trẻ trai/100 trẻ gái, đặc biệt với các cặp vợ chồng chưa có con trai, tỷ lệ này là 148,4 trẻ trai/100 trẻ gái.

Cứ 120 bé trai mới có 100 bé gái - 1

Nhiều tỉnh thành đang "dư thừa" con trai do mất cân bằng giới tính khi sinh. (Ảnh minh họa)

Nếu tỷ số này không được cải thiện trong thời gian tới, hệ lụy xã hội sẽ rất lớn khi thừa nam thiếu nữ, đặc biệt ở độ tuổi kết hôn, nam giới sẽ khó lấy vợ, hoặc không kết hôn. Từ đó dẫn tới thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ tăng cao, kéo theo hệ lụy về an ninh trật tự khi làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tăng bạo hành gia đình, tăng bất bình đẳng giới…

Đại diện Quỹ Dân số thế giới tại Việt Nam cảnh báo: “Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn”.

Chia sẻ của Giáo sư Youngtae Cho (Đại học Quốc gia Seoul, Trường Y tế Công cộng Hàn Quốc) cho biết, khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh/trẻ em còn cao, thì nhiều gia đình vẫn muốn có 2 con và hy vọng có ít nhất 2 con trai, để nếu có chuyện gì xảy ra với đứa con trai đầu lòng thì đứa con thứ 2 có thể thay thế.

Một bài học từ kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của con trai và con gái là “Con trai hỏi tiền, con gái mang tiền” cũng giúp các gia đình Hàn Quốc dần thay đổi quan niệm.

Theo giáo sư Youngtae Cho, Việt Nam có thể đạt được mong muốn cân bằng GTKS khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh/trẻ em được cải thiện và con gái được đối xử gần như là bình đẳng với con trai ở các tỉnh/thành trên toàn quốc.

Trẻ gái bỏ học, kết hôn sớm vì mất cân bằng giới tính?

“Các em gái có thể phải bỏ học và kết hôn sớm hơn, gia tăng buôn bán phụ nữ vì mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN