Căn bệnh 6 giây giết chết 1 người đang “tấn công” trẻ 12 – 13 tuổi

Sự kiện: Sống khỏe

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính không lây đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới. Hiện nay, cứ 11 người trưởng thành có 1 người bị đái tháo đường và cứ mỗi 6 giây, trên thế giới sẽ có 1 người tử vong do bệnh đái tháo đường.

Căn bệnh 6 giây giết chết 1 người đang “tấn công” trẻ 12 – 13 tuổi - 1

BS Trần Minh Triết đang khám cho một bệnh nhân đái tháo đường

BS CKI.Trần Minh Triết – Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, hiện nay có 4 loại đái tháo đường, đó là đái tháo đường tuyp 1, đái tháo đường tuyp 2, đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường do nguyên nhân khác, trong đó đái tháo đường tuyp 2 chiếm đại đa số các trường hợp (hơn 90%).

Nguyên nhân chủ yếu của đái tháo đường tuyp 2 là do di truyền và các yếu tố từ môi trường. Do đó nguy cơ đái tháo đường tuyp 2 sẽ càng cao nếu trong gia đình có nhiều người thân bị đái tháo đường.

Bên cạnh đó, sự thay đổi của môi trường sống, xã hội ngày càng phát triển, làm gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì (do lối sống ít vận động, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, bánh ngọt, nước ngọt…), từ đó làm tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 ngày càng gia tăng.

Đái tháo đường tuyp 2 được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu định kỳ, dựa trên đánh giá các yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuyp 2 bao gồm: Những người trên 45 tuổi, thừa cân, béo phì, tiền sử gia đình có người thân bị đái tháo đường, bị rối loạn đường huyết trước đó, tăng huyết áp, tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ trước đó, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang,…

Tuy nhiên hiện nay, đái tháo đường tuyp 2 có khuynh hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi hơn, do số lượng trẻ em bị thừa cân béo phì đang ngày một gia tăng. “Có những trẻ em béo phì khởi phát đái tháo đường tuyp 2 khi chỉ mới 12-13 tuổi”, BS Triết chia sẻ.

Đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm và dẫn đến các biến chứng mạn tính trong nhiều năm sau đó. Khoảng 1/5 số người được chẩn đoán bị đái tháo đường tuyp 2 đã có sẵn bệnh lý võng mạc. Đây là bệnh lý thường không có triệu chứng cho đến khi nó rất nặng, do đó khám mắt thường xuyên hằng năm rất quan trọng đối với mọi bệnh nhân bị đái tháo đường. Việc phát hiện sớm là chìa khóa của việc điều trị thành công.

Bệnh lý thần kinh do đái tháo đường (hoặc tổn thương thần kinh) thường ảnh hưởng nhất đến các thần kinh ở bàn chân và cẳng chân. Tổn thương này thường nhẹ và có thể kết hợp với sự mất cảm giác mà không biết.

Cùng với sự cung cấp máu kém, bệnh lý thần kinh có thể dẫn đến tổn thương tại bàn chân, nhiễm trùng bàn chân và loét bàn chân. Người bị đái tháo đường dễ bị cao huyết áp, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.

Tuy nhiên, đái tháo đường và các biến chứng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu có một chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, cũng như tuân theo sự hướng dẫn điều trị của các bác sĩ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Nhiên (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN