Bí mật về “dị nhân” Bolt

Thứ Năm, ngày 18/08/2016 19:05 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Điền kinh tại Olympic Rio dù chưa hội tụ đủ những gương mặt tiêu biểu nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của người hâm mộ thế giới nhờ “tia chớp đen” Usain Bolt.

Đây chắc chắn chưa phải là điểm dừng của Bolt khi ngôi sao người Jamaica hạ mục tiêu chinh phục tiếp 2 nội dung chạy 200 m và tiếp sức 4 x 100 m như anh từng thực hiện thành công ở 2 kỳ Thế vận hội tại Bắc Kinh và London. Huyền thoại nối tiếp huyền thoại, mọi câu chuyện liên quan đến “dị nhân” này dĩ nhiên được giới hâm mộ săn đón một cách hào hứng.

Bí mật về “dị nhân” Bolt - 1

Sải chân dài và sự khổ luyện giúp Bolt (bìa phải) duy trì được sự thống trị trên đường đua Ảnh: REUTERS

Cho đến giờ, những giáo viên kỳ cựu của Trường Trung học William Knibb vẫn nhớ và kể lại câu chuyện về cuộc so tài giữa 2 cậu học trò Ricardo và Leo từ nhiều năm trước. Màn tranh cãi ai là người nhanh hơn dẫn đến một cuộc đua mà người chiến thắng là Leo, lúc ấy mới 12 tuổi, vóc người cao gầy với sải chân dài kỳ lạ.

Nếu người Mỹ thích bóng bầu dục, Brazil yêu bóng đá hay Hàn Quốc mê đắm môn bóng chày thì người Jamaica thích chạy. Ở bất cứ ngôi trường nào ở đảo quốc vùng Caribê này, người ta luôn có thể bắt gặp những cuộc thi tài như vậy. Leo lớn lên như bao cậu bé trai khác ở Jamaica nhưng chắc chắn, tài năng thiên bẩm của cậu chẳng ai có được.

Nghịch ngợm và hiếu động, Leo dù vậy luôn là một đứa trẻ biết vâng lời cha mẹ và thầy cô. Ngôi trường William Knibb có nhiều kỷ niệm với cậu và vì thế, khi đã ở trên đỉnh cao của làng điền kinh thế giới, Usain Bolt vẫn thường xuyên quay về thăm và giúp đỡ nhà trường.

Thậm chí, trong một hợp đồng ký với nhà tài trợ Puma, Bolt thêm vào một điều khoản: yêu cầu hãng này cung cấp một lượng trang thiết bị thể thao cho trường để giúp học sinh ở đây có điều kiện tập luyện tốt hơn.

Ở trường, Bolt được thầy giáo thể chất Pablo McNeill hướng dẫn những bước chạy đầu tiên và cậu cho thấy mình hoàn toàn xứng đáng là “truyền nhân” của người từng thi đấu cho tuyển điền kinh Jamaica ở 2 kỳ Thế vận hội 1964 và 1968.

Lợi thế từ sải chân dài và 2 cánh tay đặc biệt linh hoạt khiến cậu trở thành ngôi sao số 1 của trường. Năm 15 tuổi, Bolt giành được HCV đầu tiên ở Giải Vô địch học sinh toàn quốc. Thành tích của cậu cứ nối dài mãi, đến độ ban tổ chức giải đã phải 2 lần “cấm cửa” cậu để tạo cơ hội cho những bạn bè đồng trang lứa khác.

Hầu như không có đối thủ xứng tầm khi sở hữu 7 HCV Olympic, 11 HCV thế giới cũng như nắm giữ kỷ lục ở đường chạy cự ly 100 m và 200 m, Bolt còn khiến nhiều đối thủ phải bật ngửa khi biết anh mang chứng vẹo xương sống khiến một bên chân ngắn hơn chân còn lại. Các bác sĩ đã áp dụng liệu pháp nắn chỉnh cột sống bằng tay dựa vào cơ chế sinh - cơ học của đĩa đệm.

“Dị dạng” là cách gọi chính xác về Bolt thay vì biệt danh mỹ miều “dị nhân”, một phần cũng bởi chiều cao 1,95 m cùng khổ chân 13 của anh không phải là chỉ số lý tưởng cho một VĐV chạy cự ly ngắn. Điều này lý giải động tác xuất phát khá chậm của Bolt và bù lại, khả năng bứt tốc mạnh mẽ đến lạ thường chính là yếu tố mấu chốt mang lại thành công cho anh ở mọi cuộc đua.

HCV thứ hai trong tầm tay

Sau đợt thi vòng loại tối 16-8, Usain Bolt sẽ tranh bán kết 200 m sáng 18-8 và chung kết sau đó 1 ngày. Sáng 20-8, anh thi đấu cự ly tiếp sức 4 x 100 m nam.

Hết ngày thi đấu 16-8 (theo giờ Brazil), Việt Nam đồng xếp hạng 43 vẫn với 1 HCV, 1 HCB. Ba đoàn dẫn đầu vẫn là Mỹ (28 HCV, 28 HCB, 28 HCĐ); Anh (19, 19, 12) và Trung Quốc (17, 15, 19).

Chia sẻ
Theo Đông Linh ([Tên nguồn])
sự kiện Huyền thoại điền kinh Usain Bolt
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN