“Nhọc lòng” kỹ năng thực hành của sinh viên!

Các trường ĐH đang cho “ra lò” nguồn nhân lực trình độ cao… nhưng nặng lý thuyết, yếu thực hành. Doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng nguồn lao động này.

Mới đây một sinh viên tốt nghiệp loại khá chuyên ngành tiếng Anh ở một trường ĐH lớn tại TP.HCM nộp đơn xin việc vào Trung tâm Tư vấn dịch vụ phát triển kinh tế Chợ Lớn và được nhận việc ngay sau khi xem hồ sơ, bảng điểm. Thế nhưng chỉ sau ba tuần thử việc, ban giám đốc trung tâm buộc cho sinh viên này nghỉ việc vì nhận được nhiều phản hồi của du khách rằng: Người hướng dẫn của họ không thể phiên dịch được tiếng Anh và chẳng hiểu gì về các danh lam thắng cảnh để giới thiệu cho họ tham quan, tìm hiểu.

Đó là một ví dụ điển hình, một thực tế “nhói lòng” mà nhiều doanh nghiệp (DN), nhà tuyển dụng đang gặp phải.

“Khóc, cười” kỹ năng của sinh viên

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Trưởng phòng Nhân sự Tập đoàn Tân Hiệp Phát, hằng năm đơn vị này nhận hàng ngàn sinh viên năm cuối của các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đến thực tập, bình quân mỗi tháng khoảng 250 sinh viên. Hầu hết các bạn tỏ ra vững vàng lý thuyết chuyên môn. Tuy nhiên, khi phỏng vấn trực tiếp về định hướng nghề nghiệp thì có đến hơn 90% số sinh viên này không trả lời được “vì sao lại chọn ngành học đó và kế hoạch theo đuổi nghề nghiệp là gì”. Một vài sinh viên thẳng thắn nói chỉ thi vào trường và ngành mình đang theo học vì nghĩ sau khi tốt nghiệp với tấm bằng của “ngành này, trường này” sẽ kiếm được nhiều tiền.

“Nhọc lòng” kỹ năng thực hành của sinh viên! - 1

Tăng cường dạy kỹ năng thực hành để sinh viên không
thất nghiệp khi ra trường. Ảnh: Thanh Hưng

“Hàng ngàn em tôi từng phỏng vấn đều chung nhược điểm là mù mờ về định hướng, yếu kém về kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp. Định nghĩa, khái niệm thì thuộc vanh vách nhưng hỏi một chút về thực tế lại không biết mô tê gì. Có em học quản trị kinh doanh, tôi thử yêu cầu lập một bản nháp kế hoạch phát triển sản phẩm cũng không biết. Đây là cái yếu của đơn vị đào tạo buộc DN và nhà tuyển dụng phải hứng chịu” - ông Tuấn bộc bạch.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Tuyên, giám đốc một công ty du lịch lớn có trụ sở tại quận 1, ngao ngán kể: Cuối năm 2012, công ty có nhận một sinh viên tốt nghiệp loại ưu vào làm hướng dẫn viên dẫn tour TP.HCM - Phan Thiết - Đà Lạt. Tuy nhiên, sau hai tour thử việc, công ty buộc phải cho nhân viên này tạm nghỉ việc, cấp tiền cho em… tham gia một khóa học kỹ năng giao tiếp ở Nhà văn hóa Thanh niên. “Tôi không thể hiểu được vì sao một nhân viên có bằng ĐH loại ưu, trả lời phỏng vấn tuyển dụng rất tốt mà khi đi làm lại như là “gà mắc tóc”. Dẫn tour luýnh qua luýnh quýnh, đứng trên xe hướng dẫn mà hồi hộp nói không nên lời. Thấy khách nước ngoài cứ sợ sệt không dám lại gần nói chuyện, làm quen… Đáng lẽ những cái cơ bản này các em phải được dạy trong quá trình học, ra trường là thạo việc ngay” - ông Tuyên nói.

Cần đổi cách giảng dạy

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, nguồn cội của thực trạng trên xuất phát từ “căn bệnh” đào tạo suông, chú trọng dạy lý thuyết, lơ là thực hành. “Quy định về giáo dục ĐH hiện nay, số tiết dạy thực hành chỉ chiếm 15% tổng số tiết trong chương trình đào tạo, con số này là quá ít. Với nhu cầu thời hội nhập, không còn cách nào khác, các trường ĐH phải gấp rút thay đổi, chú trọng nhiều hơn việc đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Không thể để nhà tuyển dụng rơi vào thế cần người mà không dám tuyển, hoặc chuyển hướng tuyển dụng sang lao động nước ngoài trong khi lao động nước ta có đủ sức cạnh tranh” - TS Nguyễn Đức Nghĩa phân tích.

Chung quan điểm, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định muốn thay đổi thực trạng này, ngoài việc nhà trường tăng cường dạy thực hành, sinh viên cũng cần tự thân vận động, tìm hiểu nhu cầu kỹ năng thực tế của công việc, hướng đến rèn luyện để hoàn thiện, ra trường khỏi bỡ ngỡ. “Chúng ta đều biết kiến thức tiếp thu được trên ghế nhà trường là rất hạn chế so với yêu cầu của công việc thực tế. Cũng phải thẳng thắn rằng những chương trình học ở trường ĐH chẳng áp dụng được mấy khi ra trường. Vì thế, sinh viên học đối phó, học cốt có cái bằng thì hiển nhiên ra trường thất nghiệp là điều đã thấy trước”.

Còn theo giảng viên Nguyễn Duy Minh, Trường ĐH Tài chính - Marketing, các trường ĐH Việt Nam cần có chiến lược cụ thể trong việc kết nối với DN, đào tạo theo nhu cầu, phát hiện nhu cầu để đào tạo kỹ năng, kiến thức cho thích hợp.

Trong giai đoạn 2013-2020, dự kiến mỗi năm tại TP.HCM nhu cầu nhân lực khoảng 270.000 chỗ làm việc trống. Trong đó nhu cầu lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên chiếm khoảng 31%. Xu thế chung hiện nay DN hướng đến tuyển dụng lao động “giàu” kỹ năng. Tuy nhiên, hiện tại hằng năm tại TP.HCM vẫn có khoảng 20% sinh viên ra trường rất khó kiếm việc làm hoặc thất nghiệp, lý do chính vì không có kỹ năng thuyết phục nhà tuyển dụng. Sinh viên nên ý thức trang bị cho mình những kỹ năng mà nhà tuyển dụng hiện nay đang rất cần như kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, hiểu biết môi trường văn hóa DN, tác phong làm việc công nghiệp…

ThS Trần Anh Tuấn,
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và
Thông tin thị trường lao động TP.HCM

Gần 100% nhân viên chúng tôi tuyển dụng trong hai năm qua đều phải mất từ sáu tháng đến một năm mới thực sự làm việc được. Nhiều bạn ra trường đi làm cả năm mà còn mang tác phong hệt như sinh viên. Làm cái báo cáo cứ như trả bài thi. Là nhà tuyển dụng chúng tôi rất cần lao động có trình độ nhưng trình độ là cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc thực tế chứ không phải một tấm bằng loại giỏi là xong.

Trương Tứ Muối,
Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ phát triển kinh tế Chợ Lớn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Phú (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN