Dạy tích hợp sẽ quá tải hơn?

Dạy tích hợp là một trong những giải pháp được Bộ GDĐT đưa ra trong Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhằm giảm tải số môn học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại dạy tích hợp sẽ làm chương trình giáo dục càng quá tải hơn.

Giảm về lượngTheo kỳ vọng của đề án, sau năm 2015 dạy học theo phương án tích hợp và phân hoá sẽ giảm một nửa số môn học so với hiện tại. Theo đó, bậc tiểu học giảm từ 11 môn và 3 hoạt động xuống còn 3 - 6 môn; bậc THCS giảm từ 13 môn 4 hoạt động xuống còn 8 môn 4 hoạt động; bậc THPT giảm từ 13 môn 5 hoạt động xuống còn 3 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Chương trình tích hợp sẽ giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không phải học cùng lúc quá 8 môn”. Cũng theo ông Hiển, khi dạy tích hợp giáo viên sẽ tổ chức hướng dẫn để học sinh biết huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết nhiệm vụ học tập. Thông qua đó, sự hình thành kiến thức, kỹ năng mới sẽ được phát huy, đồng thời năng lực giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn sẽ tự đến với học sinh.

Dạy tích hợp sẽ quá tải hơn? - 1

Tiết học tích hợp 2 môn hoá – sinh theo chủ đề “Phân bón hoá học”
tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội)

Kiến thức vẫn thế

Tại buổi học bằng phương pháp tích hợp 2 môn hoá – sinh với chủ đề “Phân bón hoá học”, học sinh lớp 9B khối THCS thuộc Trường Thực nghiệm (Hà Nội) đã được chia làm 4 nhóm với 4 nội dung xoay quanh chủ đề các loại phân bón hoá học. Học sinh tự tìm hiểu và thuyết trình về kali, lân, đạm... bằng hình ảnh trình chiếu, các sơ đồ, bảng biểu... phân tích thành phần hoá học, cơ chế tác động lên cây trồng, đồng thời hiệu quả khi sử dụng phân đạm và cách sử dụng khi bón cho từng loại cây trồng. Sau khi trình bày, giáo viên cho học sinh trong lớp tự đánh giá và rút ra kiến thức tổng hợp của môn học, trải nghiệm thực tế bằng video clip nói về tác động của phân bón hoá học lên cây lúa ở vùng ĐBSCL...

Ông Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, giảm số môn không đồng nghĩa với giảm tải vì thực chất tích hợp là kết hợp kiến thức để học sinh tốn ít thời gian hơn nhưng được nhiều thông tin hơn, như vậy thực ra là... tăng tải.

Giáo viên giảng dạy tiết học cho biết: “Chỉ trong 1 tiết học nhưng học sinh đã được trang bị kiến thức của cả 2 môn hoá và sinh học, kiến thức rất thực tế, ít hàn lâm nên học sinh nhanh hiểu bài”. Tuy nhiên, giáo viên này cũng cho biết, để có được một tiết học tích hợp như thế cả thầy và trò đã phải “làm việc” cật lực. Giáo viên đòi hỏi phải am hiểu sâu kiến thức 2 môn, học sinh phải chuẩn bị bài rất cầu kỳ.

Nói về phương pháp dạy tích hợp, cô Đỗ Thị Hà– giáo viên một trường tiểu học tại TP.Vinh (Nghệ An) cũng cho rằng: Hiện giáo viên nói đến dạy tích hợp còn rất e ngại, bởi tích hợp đồng nghĩa với việc giáo viên phải dạy 2 - 3 môn trong 1, lượng kiến thức vẫn thế nhưng làm thế nào để cắt, giảm mà vẫn phải đủ, không thừa, không thiếu. Đối với những giáo viên đã quen với việc giảng dạy truyền thụ đơn thuần nhiều năm nay để thay đổi họ là điều không hề dễ.

TS Hồ Văn Hoành – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam thì cho rằng: “Để dạy tích hợp đòi hỏi phải thay đổi tư duy và năng lực giáo viên là điều đầu tiên, giáo viên ngoài việc phải “đa di năng” về kiến thức phải biết cách truyền thụ theo phương pháp mới để học sinh không bị quá tải bởi lượng kiến thức khổng lồ được tích hợp. Tiếp đó là thay đổi chương trình sách giáo khoa cho phù hợp với từng môn học để có thể hỗ trợ được giáo viên trong việc giảng dạy”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN